Nghề may công nghiệp dễ có thu nhập đối với người nghèo. |
Khi mức chuẩn nghèo bị “xé rào”
Giai đoạn 1997-2000, với mức chuẩn đói cả nước là 13kg gạo (tương đương 47.600đồng/người/tháng – đ/n/t); chuẩn nghèo miền núi 15kg gạo (55.000đ/n/t), đồng bằng 70.000 đồng, thành thị 90.000 đồng, Đà Nẵng có 850 hộ đói, 10.471 hộ nghèo (tỷ lệ 8,13% trên tổng số hộ dân). Sau khi đầu tư 84 tỷ đồng, Đà Nẵng đã xóa hết hộ đói, giúp 8.904 hộ thoát nghèo, số hộ nghèo chỉ còn 1,65%.
Giai đoạn 2001-2004, mức chuẩn nghèo nâng lên: miền núi 80.000đ/n/t, nông thôn 100.000đ/n/t, thành thị 150.000đ/n/t, số hộ nghèo toàn thành phố tăng lên 9.769, tỷ lệ 6,66%. Sau khi đầu tư gần 195 tỷ đồng, Đà Nẵng đã có 9.584 hộ thoát nghèo, còn lại 185 hộ nghèo (0,35%), về trước mục tiêu 1 năm.
Giai đoạn 2005-2008, Đà Nẵng giữ mức chuẩn nghèo nông thôn bằng Trung ương với 200.000đ/n/t, nhưng nâng mức chuẩn nghèo thành thị lên 300.000đ/n/t (cao hơn Trung ương 40.000đ/n/t), số hộ nghèo trên địa bàn tăng lên 23.242, tỷ lệ 15,19%. Sau khi đầu tư trên 353 tỷ đồng, thành phố đã có 21.792 hộ thoát nghèo, còn lại 1.450 hộ nghèo (0,95%), về trước mục tiêu 2 năm.
Giai đoạn 2009-2015, trong khi mức chuẩn nghèo cả nước không thay đổi thì Đà Nẵng đã “xé rào”, từ đầu năm 2009 đã có đề án mới nâng mức chuẩn nghèo nông thôn lên 400.000đ/n/t, thành thị lên 500.000đ/n/t, số hộ nghèo cả thành phố đã tăng vọt từ 1.450 lên 32.796 hộ, tỷ lệ 19,26%.
Việc nâng mức chuẩn nghèo đã nâng tỷ lệ hộ nghèo của Đà Nẵng từ 0,95% lên 19,26%. Ông Nguyễn Văn An nhận định: “Đây là một con số hết sức ý nghĩa đối với mục tiêu phát triển lĩnh vực an sinh xã hội. Trước đây, nghèo là nghèo đơn thuần về lương thực, nay thì không chỉ nghèo lương thực mà còn cả phi lương thực nữa như mặc, đi lại, học hành, hưởng thụ văn hóa... Khi thành phố nâng chuẩn nghèo, đông đảo người dân (có cuộc sống khó khăn) được hưởng lợi. Thực tế người dân nghèo, nhưng nếu lấy chuẩn thấp quá thì họ sẽ không nằm trong diện nghèo và sẽ không được hỗ trợ gì từ Nhà nước”.
Đây là một sự “xé rào” cần thiết, một sự đột phá ngoạn mục của Đà Nẵng trong lĩnh vực an sinh xã hội, từng bước cải thiện mức sống của người dân. Ông An cho biết, Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo các ban, ngành liên quan khảo sát, điều tra về hộ nghèo để dự kiến vào đầu năm 2011 sẽ nâng mức chuẩn nghèo cả nước lên theo bằng chuẩn nghèo của Đà Nẵng.
Không còn hộ đặc biệt nghèo vào năm 2015
Nâng chuẩn nghèo lên để thấy dân mình thực tế vẫn còn nhiều hộ nghèo, từ đó mới ra sức phấn đấu. Tuy nhiên, vẻn vẹn chỉ 400-500 nghìn đồng mỗi tháng thì một người cũng chỉ vừa đủ ăn thôi chứ chưa nói đến những thứ khác như mặc, đi lại, chữa bệnh, học hành... Nhận biết được điều này, từ cán bộ đến cả cộng đồng sẽ thấy có trách nhiệm hơn đối với công tác an sinh xã hội.
Ngày 10-8-2009, Thành ủy Đà Nẵng đã có Chỉ thị 24-CT/TU về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt nghèo, học sinh bỏ học và thiếu niên hư, vi phạm pháp luật trên địa bàn Đà Nẵng. UBND thành phố cũng ban hành Đề án “Không có hộ đặc biệt nghèo đến năm 2015” để tập trung công sức cho công tác giảm nghèo đạt hiệu quả.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội - Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Sở LĐ-TB&XH) cho biết, Đà Nẵng hiện có 615 hộ đặc biệt nghèo không có khả năng lao động thuộc diện cứu trợ xã hội thường xuyên. Đối với các hộ mãi mãi không thể vươn lên thoát nghèo này, thành phố đã hỗ trợ thêm 200.000đ/n/t hoặc 300.000đ/n/t tùy theo đối tượng. Riêng với các hộ đặc biệt nghèo còn khả năng lao động, có thể vươn lên thoát nghèo, ngoài việc được hỗ trợ xóa nhà tạm, sửa chữa nhà..., còn được hướng dẫn cách làm ăn và hỗ trợ vốn với mức 3 triệu đồng/hộ. Trong tổng số 995 hộ thuộc diện này được chọn xóa nghèo trong đợt 1 đã có 170 hộ thoát nghèo trong 6 tháng đầu năm 2010.
Một số địa phương như Hòa Vang (có số hộ đặc biệt nghèo đợt 1 là 209, cao nhất thành phố) chưa có kết quả xóa nghèo ngay được như giải thích của ông Trần Văn Liên, Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện: “Các hộ được hỗ trợ vốn buôn bán nhỏ, nuôi bò giống, nuôi heo, nuôi gà... tuy phải đợi đến cuối năm mới biết hiệu quả, nhưng nhìn chung, cơ hội thoát nghèo là rất cao”.
Với tổng nguồn lực huy động cho hộ đặc biệt nghèo lên đến trên 16 tỷ đồng, Đà Nẵng tiếp tục rà soát, xét chọn thêm 2.000 hộ đặc biệt nghèo (đợt 2 và đợt 3) để thực hiện các giải pháp hỗ trợ thời gian đến. Và như thế, mục tiêu “Không có hộ đặc biệt nghèo đến năm 2015” là hoàn toàn khả thi.
Chương trình giảm nghèo của thành phố, với phương châm “Nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp, nhân dân cùng chia sẻ”, đã mang lại những đổi thay tích cực trong lĩnh vực an sinh xã hội trong thời gian qua, đúng như quan điểm đầu tư cho giảm nghèo là đầu tư phát triển.
Dự báo đến năm 2015, Đà Nẵng sẽ còn 588 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,34% tổng số hộ dân và hoàn thành chương trình giảm nghèo giai đoạn 2009-2015 với mức chuẩn 400.000đ/n/t ở nông thôn, 500.000đ/n/t ở thành thị. Khi đó, mức sống của người dân Đà Nẵng sẽ được nâng lên nên chương trình giảm nghèo sẽ được tiếp tục thực hiện với mức chuẩn 650.000đ/n/t, dự báo có khoảng 19,80% tổng số hộ dân sẽ có mức thu nhập bình quân đầu người dưới mức chuẩn này. Các chính sách hỗ trợ người nghèo sẽ được tiếp tục thực hiện với “điểm nhấn” là nâng cao trình độ học vấn, dạy nghề, giải quyết việc làm và cho vay vốn để tạo việc làm mới tại chỗ. |