Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 (Thông tư 01).
Thời gian vừa qua, có nhiều ý kiến đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét mở rộng phạm vi áp dụng đối với các khoản đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, các khoản cấp tín dụng dưới hình thức phát hành thẻ, chiết khấu, bao thanh toán...
Ngân hàng Nhà nước trả lời, hiện nay chỉ có Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài (NHNg) đối với khách hàng (Thông tư 39), Thông tư số 30/2015/TT-NHNN ngày 25/12/2015 quy định việc cấp giấy phép, tổ chức và hoạt động của TCTD phi ngân hàng (đã được sửa đổi, bổ sung) (Thông tư 30) là có quy định về khái niệm, nguyên tắc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) quy định về các hình thức cấp tín dụng khác bao gồm Thông tư 04 (quy định về chiết khấu), Thông tư 07 (quy định về bảo lãnh ngân hàng), Thông tư số 02/2017/TT-NHNN (quy định về bao thanh toán), Nghị định số 163/2018/NĐ-CP ngày 04/12/2018 của Chính phủ quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, Thông tư số 22/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016 của NHNN quy định việc TCTD, chi nhánh NHNg mua trái phiếu doanh nghiệp (đã được sửa đổi, bổ sung) đều không có quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Đối với hoạt động chiết khấu, bao thanh toán, thời hạn chiết khấu, bao thanh toán không chỉ phụ thuộc vào khả năng trả nợ của khách hàng mà còn phụ thuộc vào thời hạn, kỳ hạn thanh toán còn lại của giấy tờ có giá, khoản phải thu, khoản phải trả tại hợp đồng mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và thời hạn truy đòi.
Đối với hoạt động bảo lãnh ngân hàng, trường hợp TCTD chưa phải thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho khách hàng thì không có cơ sở để thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ do chưa xác định được thời hạn mà khách hàng phải thanh toán cho TCTD, chi nhánh NHNg; trường hợp TCTD đã thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho khách hàng thì theo quy định tại Thông tư 02, TCTD phải phân loại khoản nợ đó vào nhóm 3 (nhóm nợ xấu), theo đó, trường hợp quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản bảo lãnh thì cũng chỉ giữ nguyên khoản nợ này ở nhóm 3 (nhóm nợ xấu), theo đó, không có ý nghĩa trong việc hỗ trợ khách hàng.
Đối với hoạt động mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp: quyền thay đổi thời hạn thanh toán gốc và/hoặc lãi trái phiếu không phải do TCTD, chi nhánh NHNg quyết định mà do doanh nghiệp phát hành quyết định (TCTD, chi nhánh NHNg chỉ sở hữu trái phiếu). Đồng thời, việc thay đổi thời hạn thanh toán gốc và/hoặc lãi trái phiếu phải phụ thuộc vào các điều kiện, điều khoản của từng loại trái phiếu khi phát hành và phải được tất cả các chủ sở hữu trái phiếu (ngoài TCTD, còn có công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm, cá nhân và nhà đầu tư nước ngoài khác) chấp thuận, đồng thời, trình tự, thủ tục thực hiện phải tuân thủ quy định tại Nghị định 163/2018/NĐ-CP của Chính phủ về phát hành trái phiếu doanh nghiệp và các VBQPPL khác có liên quan. Vì vậy, việc cho phép TCTD, chi nhánh NHNg cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với trái phiếu doanh nghiệp là không phù hợp.
Theo số liệu thống kê của NHNN, tính đến ngày 14/4/2020, trên toàn hệ thống, tổng dư nợ cho vay chiếm 96,94%; đầu tư trái phiếu doanh nghiệp chiếm 2,47%, các hình thức cấp tín dụng khác chiếm 0,59%. Vì vậy, việc Thông tư 01 chỉ quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với nợ phát sinh từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính là phù hợp, đáp ứng được cơ bản nhu cầu khách hàng của TCTD, chi nhánh NHNg chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid 19.
Do vậy, việc Thông tư 01 quy định nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ là nợ phát sinh từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính mà không áp dụng đối với nợ phát sinh từ hoạt động chiết khấu, bao thanh toán, bảo lãnh ngân hàng, mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp là phù hợp.