Đầu Xuân gặp chiến sĩ tuyên truyền giải phóng quân năm xưa

Về Đạ Tẻh hỏi “Cụ Tô Văn Cắm giải phóng quân” ai cũng biết: “Nhà ngay bờ mương, có rặng tre bao quanh đấy”. Trong ngôi nhà đơn sơ, hai cụ già ngồi bên nhau trò chuyện như thời còn son trẻ. Trên tường, trong tủ, những nơi trang trọng nhất là nơi đặt để những hình ảnh, kỷ vật ghi dấu một thời binh nghiệp.

Cụ Tô Văn Cắm – chiến sĩ đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân cùng cụ bà Đồng Thị Hiển trong niềm vui tuổi già.
Cụ Tô Văn Cắm – chiến sĩ đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân cùng cụ bà Đồng Thị Hiển trong niềm vui tuổi già.
Như một lựa chọn lịch sử, ngày 22/12/1944 tại rừng Trần Hưng Đạo (châu Nguyên Bình , Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân – đội quân tiên phong, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt nam anh hùng đã ra đời và ghi vào lịch sử dân tộc bằng nhiều chiến công hiển hách trong cuộc trường chinh giữ nước vĩ đại, giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc. 66 năm đã trôi qua, 34 chiến sĩ đầu tiên trong đội quân vinh quang ấy đã lần lượt về với tổ tiên, đất mẹ, đến nay chỉ còn 2 người còn sống: một người ở An Tường – Tuyên Quang và một người ở Đạ Tẻh – Lâm Đồng.

Về Đạ Tẻh hỏi “Cụ Tô Văn Cắm giải phóng quân” ai cũng biết: “Nhà ngay bờ mương, có rặng tre bao quanh đấy”. Trong ngôi nhà đơn sơ, hai cụ già ngồi bên nhau trò chuyện như thời còn son trẻ. Trên tường, trong tủ, những nơi trang trọng nhất là nơi đặt để những hình ảnh, kỷ vật ghi dấu một thời binh nghiệp.

Cụ Tô Văn Cắm – chiến sĩ đội tuyên truyền giải phóng quân năm xưa, mùa xuân này đã bước vào tuổi 90 và người bạn đời của ông là bà Đồng Thị Hiển (86 tuổi), nhưng nước da đỏ au, nụ cười còn hào sảng, dáng người vẫn nhanh nhẹn. Dù đôi tai không còn nghe rõ, nhưng cụ vẫn nhớ như in các sự kiện của cuộc đời mình. Sinh ra trong một gia đình nông dân người dân tộc Tày (Cao Bằng), ông sớm giác ngộ đi theo cách mạng, gia nhập Việt Minh đánh Tây đuổi Nhật. Hừng hực khí thế của tuổi trẻ, 22 tuổi ông được vinh dự đứng vào hàng ngũ 34 chiến sĩ Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân do đồng chí Hoàng Sâm làm đội trưởng, đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy cùng tuyên thệ dưới rừng Trần Hưng Đạo (Nguyên Bình – Cao Bằng) vào 17 giờ chiều ngày 22/12/1944: Quyết tâm vượt qua gian nan thử thách sẵn sàng hy sinh giết giặc, lập nhiều chiến công, trả thù nhà, đền nợ nước, lấy được nhiều súng Tây mau chóng phát triển thành một đội quân hùng hậu để một ngày gần nhất giành được độc lập cho nước nhà và cắm cờ chiến thắng giữa thủ đô Hà Nội. Bằng lòng quả cảm, đội quân 34 người cứ ra trận là chiến thắng. Những trận đánh lẫy lừng đều có ông: Đó là trận mở màn đánh đồn Phay Khắt tiêu diệt 21 tên địch và một quan Pháp đồn trưởng Simono, 5 ngày sau là trận thắng Nà Ngần. Từ năm 1944 đến 1954, như một chiến sĩ quả cảm trong đội quân nòng cốt tinh nhuệ, ông có mặt trên mọi trận địa từ Cao – Bắc – Lạng đến Hà – Tuyên – Thái, đi khắp thủ đô kháng chiến và tham gia nhiều trận đánh. “Ngày ấy chẳng biết sợ là gì. Chẳng cần biết mình chết hay sống. Cứ thấy giặc là đến”... Trong câu chuyện với cụ, thi thoảng nụ cười hào sảng lại cất lên. Trong đoàn quân trường kỳ kháng chiến ấy, cụ đã gặp cụ bà Đồng Thị Hiển tham gia hội phụ nữ Việt Minh quê ở Ngân Sơn – Bắc Cạn. Họ nên duyên chồng vợ, vừa là bạn đời vừa là đồng đội sát cánh bên ông. Đến trận đánh cuối cùng giành chiến thắng Điện Biên Phủ, với tinh thần xả thân, quyết chiến, ông đã bị thương ở bả vai trái và chân. Sau chiến thắng, ông giải ngũ về quê cùng vợ nuôi dạy các con. 7 đứa con lần lượt ra đời (5 trai, 3 gái) vật lộn với gánh nặng đời thường, đã có lúc ông tưởng chừng quên mình cho đến khi “Hành trình đi tìm đồng đội” của Tướng Giáp đã tìm ra ông ở mãi tận vùng đất Lâm Đồng xa xôi…

Năm 1992, khi đã ở tuổi 70 ông bà đã cùng con trai cả và 3 cô con gái vào thôn 8 – thị trấn Đạ Tẻh lập nghiệp. Không quản nắng mưa, ông vẫn cùng các con  vỡ đất, khai hoang cấy trồng. Từ chục năm nay, con cháu không để 2 cụ làm, nhưng ông bà vẫn không chịu ngồi yên, lúc thì nhặt cỏ cho rau, nhốt gà, dắt trâu về chuồng, khi quét nhà quét sân. Hạnh phúc tuổi già được nhân lên trong cụ khi được sống trong tình thương yêu của con cháu. Người ta chỉ có thể sống lâu khi được sống trong niềm vui, niềm hạnh phúc. Anh con trai Tô Đức Tuấn, cô con dâu Hoàng Thị Vận và 2 cháu nội học hành thành đạt luôn là chỗ dựa tinh thần, là niềm vui lớn nhất của ông bà. Cụ bà đã ở tuổi 85, nhưng rất minh mẫn, trong câu chuyện với chúng tôi, cụ luôn làm cầu nối, làm “thông dịch viên” với cụ ông. Họ là bạn đời, hiều ý nhau. Chị Vận kể: “Chỉ không nhìn thấy nhau một chút là cụ ông hỏi: “Bà đâu?” hoặc ngược lại. Hai cụ cứ như đôi sam, suốt ngày tìm nhau. Vắng một chút là thấy nhớ”. Gần 20 năm xa quê, hai cụ thường xuyên được con cháu và các tổ chức xã hội đưa về thăm quê. “Khí hậu nóng ấm ở phương Nam làm cho ông bà khỏe ra. Chứ ở quê Cao Bằng, thế hệ bằng tuổi hai cụ và cả thế hệ sau ít tuổi hơn các cụ đều đi hết cả rồi”- Chị Vận – một người phụ nữ sởi lởi, một nàng dâu thảo hiền kể, ánh mắt lấp lánh niềm vui. 20 năm đổ mồ hôi trên đất mới (trong đó có cả công sức của 2 cụ), hiện nay vợ chồng anh chị canh tác trên 2 ha đất, vừa trồng cây ăn quả, cà phê, điều, vừa cấy lúa. Mùa Xuân này gia đình chị trồng 5 sào dưa hấu đã cho một mùa quả bội thu. Vừa được hưởng phụ cấp của nhà nước cho người có công với cách mạng, con cháu lại ăn nên làm ra từ kinh tế ruộng vườn, hai cụ được phụng dưỡng chu đáo.

Trong câu chuyện với chúng tôi, cụ ông luôn kể về những đồng đội của mình, về cả chiến sĩ Hà Hưng Long (ở Tuyên Quang) nay đã 87 tuổi là một trong 2 người chiến sĩ tuyên truyền giải phóng quân còn sống và có đến 3 lần ông nhắc đến người “anh cả” đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cụ kể về những chuyến đi gặp mặt đồng đội ở tỉnh đội, ở Quân khu 7, chuyến đi cả gia đình ông được về thăm lại khu rừng Trần Hưng Đạo - di tích lịch sử xưa với niềm tự hào vô hạn.

Ngoài niềm vui con cháu sum vầy, cụ còn là một địa chỉ để nhiều thế hệ học sinh Đạ Tẻh tìm đến thăm hỏi động viên vào dịp lễ tế như một nghĩa cử về truyền thống uống nước nhớ nguồn. Thành tâm cầu chúc cụ mãi sống lâu để các thế hệ cháu con có một nơi ấm áp về nguồn.
Quỳnh Uyển

Đọc thêm