Dạy con "nên người" bằng cách... khác người

Có rất nhiều bậc cha mẹ than vãn rằng, lũ trẻ con họ chẳng biết gì về lịch sử, chẳng khiếu gì về thẩm mỹ, chẳng tôn trọng gì quá khứ…, trong đầu chúng chỉ có K.pop, K. pop và K.pop... Con cũng rơi vào tình trạng tương tự, nhưng anh Trần Hưng ở Hà Nội đã thay đổi được. Tuy rằng, “bí quyết” có hơi khác thường trong mắt người Việt.

Có rất nhiều bậc cha mẹ than vãn rằng, lũ trẻ con họ chẳng biết gì về lịch sử, chẳng khiếu gì về thẩm mỹ, chẳng tôn trọng gì quá khứ…, trong đầu chúng chỉ có K.pop, K. pop và K.pop... Con cũng rơi vào tình trạng tương tự, nhưng anh Trần Hưng ở Hà Nội đã thay đổi được. Tuy rằng, “bí quyết” có hơi khác thường trong mắt người Việt.

Khi phụ huynh hành động

Nói là khác thường, bởi đi bảo tàng là thói quen tương đối xa xỉ với suy nghĩ của nhiều người Việt Nam. Chẳng thế mà, cách đây không lâu, khi khảo sát, nhiều thanh niên đã trả lời là thà họ ngồi trà chanh “chém gió” vỉa hè còn hơn đi thăm thú bảo tàng.

Một buổi sinh hoạt của CLB Em yêu lịch sử

Quay lại với câu chuyện của nhà anh Hưng, một lần nghe câu chuyện đứa con gái tuổi teen kể là ở lớp nó rất nhiều bạn nhầm lẫn Ngô Quyền với Ngô Đình Diệm, không biết Hùng Vương là ai, anh đã thấy lo lắng. Và, tiếp đó, khi tận mắt nhìn thấy con gái ngày say mê ngắm mấy anh chàng ca sĩ K.pop ẻo lả, kẻ mắt đậm sì, trông rất nữ tính, thì anh Hưng biết rằng đã đến lúc mình phải hành động.

Một sáng chủ nhật, vợ chồng anh đưa con đến Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam. Lúc đầu, nhìn những hiện vật im lìm, con gái anh vùng vằng đòi về. Thế nhưng, khi đi theo người thuyết minh đến nửa gian tầng một thì mọi việc đã thay đổi. “Vốn cũng tự hào là mình đọc nhiều, biết nhiều, nhưng hôm đó, có rất nhiều kiến thức về lịch sử cha ông mà lần đầu tiên tôi mới được nghe thấy”, anh Hưng hào hứng kể.

Còn con gái anh, khi được tận mắt nhìn thấy những chiếc trống đồng mang trong mình cả bề dày lịch sử và sự thăng hoa, sáng tạo của tổ tiên, tận mắt quan sát những chiếc cọc gỗ đã hiên ngang đâm thủng tàu giặc trên trận chiến sông Bạch Đằng, nghe lại giai đoạn lịch sử đó qua sơ đồ cục diện trận chiến… đã mê mải quên cả thời gian.

Nhưng cảm xúc của cô con gái anh Hưng – một đại diện của thế hệ người trẻ 9x chỉ thực sự vỡ òa, khi sau đó ít lâu, được bố đưa đến Bảo tàng chiến thắng B52 nhân dịp Hà Nội kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không.

Được tận mắt nhìn thấy kích thước khổng lồ của xác chiếc B52 với những dòng chú dẫn về khả năng bay, khả năng ném bom, vận tốc của nó, để rồi so sánh với chiếc máy bay Mic 21 nhỏ nhắn, thon gọn mới thấy được tài trí, lòng dũng cảm của các thế hệ cha anh đã làm nên kỳ tích hạ gục pháo đài bay.

“Con gái tôi níu tay tôi để chỉ hiện vật là lá đơn xin nhập ngũ của em Phạm Ngọc Khánh, học sinh lớp 8C trường PTTH Trưng Vương, nhà ở phố Khâm Thiên. Lá đơn được viết ngay sau khi bom Mỹ bắt đầu ném bom hủy diệt Hà Nội. Thế nhưng, chưa kịp thực hiện ước mơ, em Khánh và cả gia đình đã bị bom Mỹ giết hại. Con gái tôi thì thầm, bố ơi, lúc viết đơn, chú ấy bằng tuổi con bây giờ đấy” – anh Hưng kể…

…Giờ đây, đi bảo tàng đã trở thành sở thích, thú vui ngày nghỉ của gia đình anh Hưng. Lặng lẽ quan sát thay đổi của con gái, anh Hưng cảm nhận được mình đã làm đúng. Giới trẻ vốn tò mò, ham cái mới và nhanh tiếp thu. Lịch sử, cội nguồn dân tộc, niềm tự hào Tổ quốc chỉ có thể là những cái gì được tận mắt nhìn thấy, nghe thấy, thay vì những bài giảng khô khan trên lớp.

“Đừng vội trách lũ trẻ, mà hãy mở cho chúng một cánh cửa khác, lôi cuốn hơn” – không nói quá khi gọi đây là bí quyết của gia đình anh Hưng, một bí quyết không khó để thực hiện.

Thông điệp không bao giờ cũ

Người Việt mình không có thói quen đi bảo tàng, di tích lịch sử để thu nạp kiến thức kể cả ở trong nước lẫn ra du lịch nước ngoài. Nhiều hướng dẫn viên du lịch kể rằng, khi đến một di tích lịch sử hay bảo tàng nào đó ở nước ngoài, trong khi khách du lịch phương Tây chăm chú lắng nghe hướng dẫn viên, chụp ảnh, ghi chép, thì người Việt thường chỉ ô, a mấy tiếng khen to, khen đẹp rồi quay sang lao vào mua sắm, mặc cả.

Họ có thể bỏ 20 triệu đồng để mua một món hàng theo lời người tiếp thị, nhưng chiếc vé vào xem nghệ thuật chỉ 30.000 đồng thì tiếc, một hướng dẫn viên chặng Thượng Hải – Bắc Kinh cho biết.

Bảo tàng chiến thắng B52

Còn nhớ, cách đây 15 năm, “Hành trình đến với bảo tàng” được xem như một phương thức mới để giáo dục truyền thống cho tuổi trẻ TP.HCM. Theo đó, để giúp người trẻ hiểu hơn về lịch sử và con người  qua các bảo tàng là mục tiêu lớn nhất của những người đề xướng chương trình.

Và để ghi lại hành trình làm “thổ công thành phố”, mỗi bạn trẻ sẽ có giấy thông hành mà sau mỗi lần đến sẽ được đóng một con dấu của bảo tàng.

Thế nhưng, sau hơn chục năm tồn tại, có không ít người trẻ cầm giấy thông hành đến phòng vé bảo rằng sẵn sàng trả tiền vé và chỉ cần đóng giùm vào tờ giấy con dấu của bảo tàng để chứng thực mình đã đến đây đặng về báo cáo, chứ thật bụng... không muốn tham quan chút nào.  

Thực tế cho thấy, tư duy tiêu cực này có sự ảnh hường rất lớn từ chính các bậc làm cha làm mẹ. Bằng chứng là có nhiều phụ huynh khi biết con được nghỉ học để đi thăm quan bảo tàng, hay tham gia Câu lạc bộ “Em yêu Lịch sử" (CLB ra đời từ năm 2007, bằng hình thức phối hợp giữa Bảo tàng Lịch sử quốc gia với các trường phổ thông trên địa bàn Hà Nội.

Nội dung sinh hoạt của CLB bám sát chủ đề môn Lịch sử trong sách giáo khoa và nhân các ngày lễ lớn; những sự kiện lịch sử hoặc nội dung trưng bày của Bảo tàng Lịch sử quốc gia), tham gia các buổi chuyên đề như tìm hiểu “Gốm Việt Nam, kết nối xưa và nay” (do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Lịch Sử Quốc gia tổ chức)… đã khuyên con nên ở nhà học bài , chứ đừng phí thời gian vào những việc vô bổ đó, theo quan điểm của họ

Nhưng, những phụ huynh ấy không hiểu được rằng "Bảo tàng là nơi có thể học được nhiều nhất trong thời gian ngắn nhất. Tôi nhớ mãi lời dạy ấy của Bác để mỗi khi có thời gian sẽ đi bảo tàng. Ở đó đúc kết nhiều câu chuyện, vấn đề, bài học lịch sử mà qua thuyết minh giúp ta vừa học, vừa thư giãn và chắc chắn có ích hơn là tham gia các cuộc chơi vô bổ mà nhiều người trẻ bây giờ đam mê" – theo ông Trần Trọng Tân nguyên trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa T.Ư.

Như vậy, sự thay đổi tư duy của người lớn, của cha mẹ là rất quan trọng trong câu chuyện giáo dục thế hệ trẻ, con cái. Xưa Mạnh mẫu mẹ của Mạnh Tử chuyển nhà tới 3 lần để con được ở trong môi trường tốt, nhằm dạy con nên người. Trải qua bao năm tháng thế nhưng thông điệp “chọn chỗ để dạy con” của câu chuyện ấy đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Hồng Minh

Đọc thêm