[links()]Có không ít người phụ nữ chỉ sinh được con gái nhiều khi bị chồng và gia đình nhà chồng hắt hủi, chửi bới, lăng mạ, đánh đập và bị đe dọa là sẽ bị thay thế bởi người phụ nữ khác. Nghiêm trọng hơn, sự thúc ép của cha mẹ, sự khích bác của bạn bè và sự dằn vặt của trách nhiệm đã đẩy người đàn ông đi đến quyết định phải sinh bằng được con trai, nhiều khi với tâm trạng cay cú, ăn thua đã khiến cho nhiều gia đình rơi vào bi kịch người chết, kẻ vào tù!
|
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa |
Bị lột quần áo giữa chốn đông người
Ghét bỏ con dâu vì toàn sinh con gái nên bà Kỷ cùng con cái nhảy vào túm tóc, lôi chị Chín ra ngoài đường, lột quần trước bàn dân thiên hạ. Theo anh Nguyễn Văn Trụ (SN 1968, trú ở thôn An Ninh, xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) câu chuyện bắt đầu từ khi vợ anh là chị Chu Thị Chín (SN 1968) sinh liên tiếp 5 cô con gái.
“Vì muốn có cháu trai nên gia đình mẹ và anh em đằng nội bắt tôi lấy vợ hai nhưng tôi không đồng ý vì vẫn còn yêu vợ, thương con. Đến năm 2011, vợ tôi sinh được một bé trai nhưng lại bị họ hàng nghi ngờ là chúng tôi tráo đổi con ở bệnh viện nên càng thể hiện sự căm ghét” – anh Trụ buồn lòng chia sẻ.
Theo đó, khoảng 8 giờ ngày 23-8-2011, khi anh Trụ cùng vợ đang ở nhà thì bà Vũ Thị Kỷ (SN 1938, là mẹ chồng chị Chín), chị Nghiêm Thị Thân (SN 1982, cháu ngoại bà Kỷ), đều trú ở Đức Lân (xã Yên Phụ, huyện Yên Phong), chị Nguyễn Thị Chính, Nguyễn Thị Dinh, Nguyễn Thị Đương (là con gái bà Kỷ) và ông Nguyễn Văn Cường (chú của anh Trụ) kéo đến yêu cầu vợ chồng anh Trụ mở cửa vào nói chuyện.
Vừa bước vào nhà, nhóm người này hùng hổ lao tới túm tóc vừa lôi vừa đuổi chị Chín ra khỏi nhà. Trong lúc giằng co, vật lộn, chị Đường ngồi lên ngực nạn nhân để chị Chính lột quần chị Chín.
Ngay sau khi xảy ra vụ việc, cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Phong (Bắc Ninh) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Chính về tội "Làm nhục người khác" quy định tại Điều 121 Bộ luật Hình sự.
Và bị giết vì... không đẻ được con trai
Cả thôn Chóng đang chìm trong giấc ngủ bình yên bỗng chốc bị đánh thức bởi tiếng còi hú của xe cứu thương và xe cảnh sát. Không ai có thể ngờ được rằng vào rạng sáng ngày 20-3-2012, Lê Công Đại “bỗng dưng” giết chết vợ mình là chị Lê Thị Dung và tự dùng dao cứa cổ mình với ý định tự tử. Trước cái chết của cháu gái, người cô của chị Dung một mực khẳng đinh: “Nó giết vợ cũng chỉ vì nó ức chế vì vợ nó không đẻ được con trai. Mới hôm kia tôi ra nhà vợ chồng nó chơi, mặt vợ nó buồn rười rượi kể cho tôi nghe là thằng Đại suốt ngày rủa cháu tôi là cái giống nhà mày không biết đẻ”.
Để minh chứng cho những điều bà cô nói là đúng sự thật, em gái út của chị Dung cũng kể rằng: “Có lần anh Đại ngồi uống rượu với anh em đồng hao, khi thấy anh kia bảo là “Thôi không bắt vợ đẻ nữa đâu vì thấy vợ vất vả lắm” thì anh Đại gạt đi và bảo: “Không! Sống là phải có con trai”. Có lẽ phải thế chăng khi mà cách đây không lâu, chị Dung có tâm sự với em gái của mình rằng: “Chắc cũng phải đẻ nữa thôi. Phải cố sinh cho anh ấy một đứa con trai. Dù gì anh ấy cũng là con một, nếu không thì mất giống”.
Ẩn sau lời nói ấy là một nỗi ám ảnh, một nỗi sợ hãi thường trực trong lòng chị Dung. Rất nhiều lần chị Dung đã khóc và tâm sự với người cô của mình rằng, mỗi lần chồng chị đi uống rượu về là lại lôi chị ra chửi mắng vì mắc tội không sinh được con trai khiến chồng bị người ta coi thường, và khi ăn cỗ không được ngồi mâm trên.
Biết con thiệt thòi vì không sinh được con trai cho chồng nên bà Dựng luôn tìm cách để bù đắp cho chồng chị Dung. Nhà chị Dung có công to việc lớn nào bà Dựng cũng bắt các con của mình đến giúp đỡ anh chị. Khi thì cắt cho sào lúa, cày cho thửa ruộng, khi thì lợp lại mái nhà. Nói chung là tất cả mọi việc, miễn sao cho con gái bà không bị chồng giày vò nhiều. Mọi mâu thuẫn trong cuộc sống của vợ chồng chị Dung sau này đa phần đều xuất phát từ việc không sinh được con trai để nối dõi.
Dù bất kỳ lý do gì thì hành động của những kẻ ngang nhiên chà đạp nhân phẩm, cướp đoạt mạng sống của người khác là không thể chấp nhận và chắc chắn sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tuy nhiên, vụ việc trên cũng là bài học đau lòng về đời sống gia đình, về những quan niệm cổ hủ về chuyện phải đẻ bằng được con trai để nối dõi tông đường.
Hoàng Khang