Giải quyết thủ tục hành chính gắn với phòng, chống dịch COVID-19
Tại Cà Mau, công tác CCHC được triển khai thực hiện trên tất cả các ngành, lĩnh vực nhằm tạo sự chuyển biến đồng bộ, toàn diện, với mục tiêu trọng tâm là: “Cải cách thể chế; xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm tính trách nhiệm, chuyên nghiệp; nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công”.
Đồng thời, Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tỉnh cũng đã chủ động triển khai các giải pháp để vừa bảo đảm giải quyết thủ tục hành chính, vừa làm tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19 cho người dân với tinh thần không chủ quan, lơ là.
Mã QR được thiết lập ngay các quầy giao dịch tại trung tâm nhằm hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện các tra cứu, giao dịch hành chính qua tài khoản “Dịch vụ công trực tuyến tỉnh Cà Mau”. |
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Quân, cho biết: Trong quá trình thực hiện, nhiều mô hình, cách làm mới đã được nghiên cứu và đưa vào triển khai trên thực tế như: thành lập Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính tỉnh; triển khai thí điểm quản lý xe ô tô công tập trung; thực hiện tiếp nhận thủ tục hành chính không theo địa giới hành chính “còn gọi là mô hình phi địa giới hành chính”, giải quyết TTHC theo mô hình “4 tại chỗ”, mô hình giải quyết TTHC theo hình thức đặt lịch, hẹn giờ; ứng dụng Zalo trong trong giải quyết thủ tục hành chính... nhằm tạo sự đột phá trong thực hiện CCHC của tỉnh, với mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Xác định cách làm hay để áp dụng rộng rãi
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Quân, nhấn mạnh: Sự đổi mới trong chỉ đạo, điều hành đã tạo những kết quả nổi bật trong thực hiện nhiệm vụ CCHC, trong đó phải kể đến việc thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm Giải quyết TTHC của tỉnh; thí điểm thành lập Phòng CCHC thuộc Văn phòng UBND tỉnh trên cơ sở hợp nhất Phòng Kiểm soát TTHC thuộc Sở Tư pháp và Phòng CCHC thuộc Sở Nội vụ; triển khai thí điểm quản lý xe ô tô công tập trung; thực hiện tiếp nhận thủ tục hành chính không theo địa giới hành chính (phi địa giới hành chính)... Đây là kết quả của sự tâm huyết, mạnh dạn đổi mới của tập thể UBND tỉnh.
Có được kết quả trên là nhờ có sự chỉ đạo thống nhất, quyết liệt từ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cà Mau; sự giám sát, góp ý, có chính sách kịp thời của HĐND tỉnh, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh và sự nỗ lực phấn đấu của đội ngũ lãnh đạo cùng tập thể cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh.
Người dân đến làm TTHC trong điều kiện đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19. |
Chị Dương Thị Ngọc Giàu (ngụ tại Phường 9, TP Cà Mau) cho biết: “Lần đầu tiên đến Trung tâm làm TTHC, thấy cơ sở vật chất khang trang, hiện đại. Đặc biệt là thái độ phục vụ của các anh, chị ở đây rất nhiệt tình, thủ tục giải quyết nhanh gọn lẹ và dễ hiểu”.
Giám đốc Trung tâm Giải quyết TTHC tỉnh Cà Mau Hồ Chí Linh, cho biết: Trong thời gian tới, Trung tâm đẩy mạnh công tác truyền thông, phát hành 100.000 tờ tuyên truyền hướng dẫn kết nối và sử dụng các tiện ích của ứng dụng Zalo trong giải quyết TTHC, đặc biệt là việc đánh giá sự hài lòng qua Zalo.
Đồng thời, Trung tâm sẽ phối hợp với ấp, khóm tuyên truyền đến từng người dân nắm và thực hiện trong quá trình giải quyết TTHC. Cùng với đó, thực hiện theo Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, Trung tâm sẽ tham mưu cho UBND tỉnh trong việc đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh, nâng cao chất lượng phục vụ của Bộ phận Một cửa các cấp…
Nâng cao chất lượng, bồi dưỡng cán bộ
Phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện Chương trình tổng thể CCHC giai đoạn 2011 – 2020; trong giai đoạn 2021 - 2030, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Quân đề nghị các cấp, các ngành, địa phương tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: Đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện CCHC; nâng cao năng lực thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức vì đây là nhân tố giữ vai trò quan trọng hàng đầu, quyết định kết quả thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu của tỉnh và của từng cơ quan, đơn vị,...
Hệ thống camera giám sát sẽ giúp cho công tác kiểm tra, giám sát được tốt hơn; từ đó, chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những hạn chế, thiếu sót, góp phần tích cực vào công tác CCHC của tỉnh. |
Đẩy mạnh cải cách TTHC trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là đối với các TTHC có liên quan đến người dân, doanh nghiệp. Trên thực tế, các hoạt động kinh tế, xã hội; các quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân được thực hiện thông qua TTHC.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; thực hiện nghiêm túc, đúng thực chất việc đánh giá, phân loại công chức, viên chức hàng năm…Trong đó, việc xác định các mục tiêu cải CCHC phải mang tính định lượng với mức độ phù hợp, thiết thực để bảo đảm tính khả thi; mạnh dạn thí điểm những mô hình, cách làm mới trong thực hiện CCHC.
“Tiếp tục nâng cao nhận thức, coi trọng công tác tuyên truyền, quán triệt sâu rộng các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về CCHC. Đặc biệt, những kết quả đạt được CCHC giai đoạn 2011 - 2020 sẽ là cơ sở, nền móng vững chắc cho tỉnh Cà Mau thực hiện tốt những bước đi tiếp theo trong giai đoạn 2021 – 2030” - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Quân khẳng định.
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Cà Mau về thực hiện lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp thông qua điện thoại, ứng dụng Zalo,…Trung tâm đã bảo đảm đủ điều kiện (cấu trúc kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu) cho việc vận hành Hệ thống lấy kiến hài lòng qua điện thoại và ứng dụng Zalo và chính thức đưa vào thử nghiệm từ ngày 15/3/2021.
Đến nay chưa đầy 30 ngày, Trung tâm đã triển khai và kết nối lấy ý kiến được hơn 8.300 khách hàng (trong đó số lượng khách hàng tại Trung tâm được lấy kiến qua Zalo đạt tỷ lệ gần 70%; cấp huyện, cấp xã cũng được Trung tâm gửi thông điệp lấy ý kiến đánh giá với khoản 15% số lượng hồ được giải quyết và có kết quả; kết quả mức độ hài lòng đạt trên 99%).
Đặc biệt, theo quyết định công bố của Bộ Nội vụ, Chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh Cà Mau đạt 91,57%, xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; đứng đầu các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.