Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, tạo môi trường thuận lợi cho tăng trưởng

(PLVN) -   Ngày 4/11, tại phiên thảo luận tại hội trường của Quốc hội, các Đại biểu đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong công tác xây dựng thể chế thời gian qua; đồng thời kiến nghị nhiều giải pháp nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của đất nước trong thời gian tới.
Quang cảnh phiên họp. (Ảnh trong bài: quochoi.vn)

Đánh thức, phát triển 3 động lực nội sinh

Tại phiên họp, Quốc hội (QH) thảo luận về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2025; tình hình thi hành Hiến pháp; thi hành luật, nghị quyết của QH, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH và một số nội dung khác.

Các Đại biểu nhấn mạnh, năm 2024 là năm nước rút, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết về KT-XH 5 năm 2021 - 2025. Tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư; sự đồng hành, giám sát hiệu quả của QH; sự điều hành quyết liệt, sát thực tế của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, KT-XH nước ta tiếp tục có xu hướng phục hồi và phát triển, đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra rằng, tình hình phát triển KT-XH nước ta vẫn còn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, ổn định kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong bối cảnh đó, để hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP Hồ Chí Minh) kiến nghị khuyến khích phát triển các động lực mới như khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn. Đặc biệt, chúng ta cần phải đánh thức, phát triển 3 động lực nội sinh là khu vực nông nghiệp, văn hóa và du lịch. “Đây là những thế mạnh của Việt Nam. Ba lĩnh vực này mới thực sự là chủ công của đất nước”, Đại biểu nói.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân phát biểu tại phiên họp.

Còn Đại biểu Trình Lam Sinh (Đoàn An Giang) đề xuất Chính phủ tiếp tục triển khai thực hiện các kịch bản nhằm chủ động và kịp thời phản ứng với các mức độ tăng trưởng của nền kinh tế, thực hiện có hiệu quả các giải pháp, tập trung vào các động lực tăng trưởng truyền thống, nhất là xuất khẩu; đẩy mạnh thực hiện các động lực tăng trưởng mới.

Đại biểu Vương Quốc Thắng (Đoàn Quảng Nam) nhấn mạnh, trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, vai trò của đại học là vô cùng quan trọng. Vì thế, cần nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc, thúc đẩy mọi nguồn lực nhằm biến đại học trở thành trụ cột trong phát triển KT-XH của đất nước.

Thể chế hóa kịp thời định hướng về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật

Tại phiên họp, xây dựng, hoàn thiện thể chế là nội dung được nhiều Đại biểu quan tâm, cho ý kiến. Đề cập đến hoạt động lập pháp, Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn TP Hà Nội) bày tỏ ấn tượng với bài phát biểu chỉ đạo sâu sắc, trí tuệ của Tổng Bí thư Tô Lâm về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật để mở ra cánh cửa đưa đất nước tiến về phía trước.

Khẳng định đổi mới hoạt động lập pháp theo hướng luật chỉ quy định những vấn đề khung là định hướng đúng đắn và phù hợp với thông lệ quốc tế, Đại biểu kiến nghị cần thể chế hóa kịp thời định hướng này để tạo căn cứ cho việc tổ chức thực hiện theo đúng nguyên tắc nhà nước pháp quyền XHCN. Đồng thời, cần rà soát những văn bản liên quan để có điều chỉnh cho phù hợp. Cùng với đó, Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai kiến nghị đề cao hơn nữa trách nhiệm cá nhân, bảo đảm tính kịp thời trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn; đề cao tính khách quan, tránh lợi ích cục bộ, thực hiện nghiêm Quy định số 178 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.

Đại biểu Đặng Thị Bích Ngọc phát biểu tại phiên họp.

Tán thành với quan điểm của Tổng Bí thư về vấn đề “đúng vai, thuộc bài” trong công tác xây dựng pháp luật, Đại biểu cho rằng, cần rà soát các quy định của pháp luật liên quan về tổ chức bộ máy, trong đó có Luật Tổ chức QH và các quy định liên quan khác để xác định cụ thể phạm vi, ranh giới trách nhiệm, quyền hạn trong công tác này. “Đổi mới là yêu cầu tất yếu. Dù đổi mới ở khía cạnh nào, QH hay Chính phủ thì chúng ta có quyền tin rằng, dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo đúng đắn của Đảng, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu và sẽ tiếp tục hoàn thiện được một thể chế mà ở đó sẽ có những đòn bẩy kinh tế, tạo cảm hứng cho phát triển và cũng là công cụ hữu hiệu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân”, Đại biểu tin tưởng.

Cũng đề cập đến sự cần thiết phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ trong công tác xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật, Đại biểu Đặng Thị Bích Ngọc (Đoàn Hòa Bình) đề nghị QH, Chính phủ kịp thời ban hành cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; có giải pháp khắc phục “điểm nghẽn” ở thể chế đã được chỉ ra, thường xuyên đánh giá chất lượng, hiệu quả các chính sách ban hành để kịp thời điều chỉnh...

Để nâng cao chất lượng xây dựng VBQPPL, hạn chế tối đa tình trạng ban hành các thủ tục hành chính rồi lại rà soát để cắt giảm, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cho rằng, giải pháp hiệu quả nhất là cần tập trung rà soát ngay từ khâu xây dựng VBQPPL; trong đó cần đặc biệt chú trọng vào việc xin ý kiến của các tầng lớp Nhân dân, các cơ quan, tổ chức vào các dự thảo văn bản và tổng hợp các ý kiến góp ý.

Đọc thêm