Hội thảo nhằm tạo ra diễn đàn học thuật để các nhà khoa học, chuyên gia cùng trao đổi, đánh giá toàn diện tiến trình hình thành và phát triển của hệ thống pháp luật Việt Nam trong suốt 80 năm qua, từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay. Đồng thời, đây cũng là dịp để đề xuất những định hướng lớn trong hoàn thiện hệ thống pháp luật, phục vụ yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong bối cảnh phát triển mới với các yếu tố như chuyển đổi số, hội nhập quốc tế và phát triển bền vững.
Tham dự Hội thảo có sự hiện diện của các chuyên gia đầu ngành như: GS.TS. Phan Trung Lý – Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; TS. Phạm Thị Thanh Nga – Viện Nhà nước và Pháp luật; TS. Nguyễn Văn Đáng – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cùng đại diện nhiều cơ quan nghiên cứu, đào tạo, báo chí và truyền thông.
Về phía Trường Đại học Luật Hà Nội có sự tham dự của TS. Chu Mạnh Hùng – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; PGS.TS. Tô Văn Hòa – Quyền Hiệu trưởng; PGS.TS. Nguyễn Bá Bình – Phó Hiệu trưởng; PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến – Phó Chủ tịch Hội đồng Trường, Trưởng Khoa Pháp luật Kinh tế; GT.TS. Lê Minh Tâm - Nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam, Nguyên Hiệu trưởng; GS.TS. Lê Hồng Hạnh - Tổng Biên tập Tạo chí Pháp luật và Phát triển, Chủ tịch Hội đồng trọng tài quốc tế Việt Nam, Nguyên Phó Hiệu trưởng, Giảng viên cao cấp Trường Đại học Luật Hà Nội cùng các thầy cô đại diện lãnh đạo các đơn vị và giảng viên, sinh viên quan tâm.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Tô Văn Hoà, Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, trong thời gian gần đây, Đảng và Nhà nước ban hành nhiều chính sách, quy định mới có tính chất đột phá trong lĩnh vực khoa học và công nghệ và lĩnh vực pháp lý như Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 24/01/2025 của Bộ Chính trị về “Hội nhập quốc tế trong tình hình mới”; Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân…
|
PGS.TS. Tô Văn Hòa - Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội phát biểu khai mạc. |
Trong bối cảnh đó, Diễn đàn Luật học và Phát triển năm 2025 là điểm nhấn của hoạt động nghiên cứu khoa học pháp lý và liên ngành của Trường. Với tôn chỉ là “Luật học phục vụ phát triển”, Diễn đàn được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nghiên cứu khoa học pháp lý, từ các vấn đề lý luận cơ bản đến các vấn đề chính sách và pháp luật mang tính thời sự cũng như vấn đề xây dựng nguồn nhân lực tư pháp đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn.
PGS.TS Tô Văn Hoà kỳ vọng, Diễn đàn Luật học và Phát triển năm 2025 sẽ tiếp nối và làm nổi bật hơn nữa những hoạt động, kết quả nghiên cứu khoa học của Trường, đặt dấu ấn vào sự phát triển chung của nền khoa học pháp lý nước nhà cũng như đóng góp một phần hữu ích trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong bối cảnh Cuộc cách mạng cải cách bộ máy nhà nước “tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả”, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
|
GS. TS. Nguyễn Minh Đoan trình bày báo cáo với chủ đề "Hệ thống pháp luật Việt Nam: 80 năm hình thành, phát triển". |
Trong khuôn khổ hội thảo, 8 báo cáo khoa học tiêu biểu đã được lựa chọn trình bày, phản ánh sự đầu tư nghiêm túc, tiếp cận đa chiều giữa lý luận và thực tiễn. Các tham luận không chỉ mang tính học thuật mà còn có ý nghĩa tư vấn chính sách cho các cơ quan lập pháp, hành pháp trong việc xây dựng hệ thống pháp luật phù hợp với yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
|
GS. TS. Lê Minh Tâm trình bày báo cáo với chủ đề "Đánh giá hệ thống pháp luật theo tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW và định hướng hoàn thiện pháp luật trong bối cảnh Kỷ nguyên mới". |