Ảnh hưởng đến sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng
Thời gian qua, mặc dù các cơ quan nhà nước đã có những chỉ đạo kịp thời, đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt, nhưng vấn nạn buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả vẫn âm thầm diễn ra, gây rất nhiều hệ lụy cho doanh nghiệp, ảnh hưởng xấu đến quyền lợi người tiêu dùng, tác động xấu tới toàn xã hội.
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, trong 9 tháng của năm 2021, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý hơn 100.000 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 7.500 tỷ đồng, khởi tố 1.615 vụ việc với 2.148 đối tượng.
Riêng trong tháng 10/2021, không ít vụ việc đã được lực lượng chức năng tại các tỉnh, thành liên tục phát hiện triệt phá như: Ngày 24/10, lực lượng chức năng tỉnh Phú Yên đã phát hiện, tạm giữ 2.950 lọ mỹ phẩm, 633 sản phẩm quần, áo, 140 linh kiện phụ tùng xe ô tô không rõ nguồn gốc xuất xứ; ngày 23/10, lực lượng chức năng tỉnh An Giang tạm giữ hàng vi phạm là 5.800 linh kiện quạt gió; ngày 20/10, lực lượng chức năng tỉnh Bình Phước đã ngăn chặn vụ vận chuyển 415.000 khẩu trang không rõ nguồn gốc, xuất xứ ra thị trường…
Việc hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường không chỉ gây ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, doanh thu của các nhà sản xuất, kinh doanh chân chính…
Thời gian qua, mặc dù các cơ quan nhà nước đã có những chỉ đạo kịp thời, đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt nhưng vấn nạn buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả vẫn âm thầm diễn ra, gây rất nhiều hệ lụy cho doanh nghiệp, ảnh hưởng xấu đến quyền lợi người tiêu dùng, tác động xấu tới toàn xã hội.
Nâng chế tài xử lý đối với các vi phạm
Là doanh nghiệp có sản phẩm bị làm giả trên thị trường, ông Hứa Quang Vinh - Trưởng ban Thị trường hàng giả Công ty CP Nhựa Tiền Phong - khẳng định: Hàng giả, hàng nhái không chỉ là vấn đề nhức nhối với nhựa Tiền Phong mà còn là vấn đề nghiêm trọng với hệ thống phân phối cũng như người tiêu dùng.
Do đó, trong quá trình hoàn thiện chính sách, các cơ quan quản lý, cơ quan chức năng cần xem xét nâng chế tài xử lý đối với các vi phạm, tránh để các đối tượng vi phạm lợi dụng kẽ hở của pháp luật; cần xây dựng các quy định rõ ràng về vi phạm quyền nhãn hiệu, tránh để doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó bảo vệ thương hiệu, mất thời gian và tiền bạc trong quá trình đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng lậu.
Bà Đỗ Thị Minh Thủy, Đại diện Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia dự báo, thời gian tới, khi Chính phủ từng bước mở cửa kinh tế và khôi phục sản xuất kinh doanh, những tháng cuối năm, đặc biệt khi Tết Nguyên đán tới gần, thực trạng buôn lậu sẽ diễn ra phức tạp, nhiều khả năng hàng tồn, hàng kém chất lượng sẽ được đưa vào thị trường.
Đặc biệt, các mặt hàng buôn lậu “truyền thống” như: Thuốc lá ngoại, đường cát, mỹ phẩm, tân dược vẫn diễn ra phức tạp tại các tỉnh, thành phố: Quảng Trị, Đà Nẵng, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, Bình Phước, An Giang, Tiền Giang, Kiên Giang... tình trạng hàng kém chất lượng, hàng hóa không có nguồn gốc, xuất xứ được buôn bán tràn lan trên không gian mạng tại các website, trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo...
Bà Đỗ Thị Minh Thủy nhận định, việc hoàn thiện quy định pháp luật là điều kiện kiên quyết hàng đầu. Chúng ta phải rà soát, chỉnh sửa, thay đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. Quan trọng là các quy định liên quan đến xuất xứ hàng hóa, cụ thể là “Made in Vietnam”.
Cùng với sự hoàn thiện về chính sách, bản thân các doanh nghiệp cho biết đã có một số biện pháp chủ động để chống hàng giả, hàng lậu như đầu tư thay đổi chữ in tạo sự khác biệt giữa sản phẩm thật và giả; xây dựng các ký tự mã hóa để thuận tiện cho việc kiểm soát, phát hiện sản phẩm giả hiệu quả.
Đồng thời, tăng cường công tác khảo sát thị trường nhằm phát hiện, ngăn ngừa sản phẩm giả thâm nhập hệ thống phân phối; đồng thời liên hệ với quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế để thông tin kịp thời về các sản phẩm giả trên thị trường nhằm tìm kiếm hỗ trợ về mặt pháp lý, xử lý hàng giả.
Xung quanh vấn đề này, Chánh Văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) Nguyễn Minh Phương cho biết, những tháng cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả… sẽ còn diễn biến phức tạp.
Bên cạnh đó, thời điểm cuối năm sức mua tăng cao, hoạt động khuyến mãi, kích cầu tiêu dùng diễn ra sôi động ở cả thương mại truyền thống và thương mại điện tử cũng luôn tiềm ẩn nguy cơ gia tăng buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc…
Thực tế này đặt ra yêu cầu lực lượng quản lý thị trường tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp đấu tranh nhằm ổn định thị trường, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng và hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Từ nay tới cuối năm 2021, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đối với hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa không bảo đảm an toàn thực phẩm, không rõ xuất xứ. Trong đó, tập trung vào các mặt hàng trọng điểm như: Thuốc lá, rượu, thực phẩm, phân bón, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, thực phẩm chức năng...
Cùng với đó là tăng cường kiểm tra việc niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý trong các dịp lễ, Tết hoặc khi dịch bệnh bùng phát, đối với các mặt hàng thiết yếu, tác động lớn đến kinh tế - xã hội.
Các khu vực, kho bãi, điểm tập kết hàng hóa gần biên giới, các chợ đầu mối, các tuyến đường bộ, đường sắt… nhất là các địa bàn trọng điểm khu vực biên giới như: Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Long An, Tây Ninh… sẽ được tăng cường kiểm tra, kiểm soát. Thường xuyên kiểm tra các địa bàn tập trung đông dân cư, có sức tiêu thụ hàng hóa cao như thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng… Đồng thời, đẩy mạnh phối hợp với các lực lượng chức năng bảo đảm sự đồng bộ từ Trung ương đến địa phương trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.