Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để tạo đột phá phát triển Thủ đô

(PLVN) - Chiều 14/8, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đã chủ trì cuộc họp thẩm định dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Tham dự cuộc họp có Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Hà Nội Lê Hồng Sơn và đại diện một số Bộ, ngành là thành viên Hội đồng thẩm định.
Toàn cảnh cuộc họp.
Toàn cảnh cuộc họp.

Tại cuộc họp, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Nguyễn Hồng Tuyến nêu rõ: Qua 11 năm thi hành, các chính sách đặc thù theo quy định của Luật Thủ đô năm 2012 đã giúp thành phố thiết lập các công cụ pháp lý tương đối đồng bộ cho việc xây dựng, quản lý quy hoạch nhằm thực hiện thống nhất theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Hạ tầng kỹ thuật, hệ thống giao thông của Thủ đô đã có những bước phát triển vượt bậc cả về quy mô, số lượng các dự án, công trình trọng điểm, được kết nối thông suốt, đồng bộ, thúc đẩy liên kết phát triển kinh tế - xã hội giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô; nhiều khu đô thị mới mang tầm vóc của một đô thị hiện đại; các di sản văn hóa - lịch sử được quan tâm bảo tồn, tôn tạo.

Bên cạnh các kết quả đạt được, việc thực hiện một số quy định trong Luật đã bộc lộ tồn tại, hạn chế. Do vậy cần thiết sửa đổi Luật nhằm thực hiện các cơ chế vượt trội, đột phá, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh nhằm xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; từng bước hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao trong khu vực và trên thế giới; phấn đấu phát triển ngang tầm với thủ đô các nước phát triển trong khu vực.

Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Nguyễn Hồng Tuyến báo cáo các nội dung chính của dự luật.

Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Nguyễn Hồng Tuyến báo cáo các nội dung chính của dự luật.

Theo đó, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm 7 chương với 62 điều (tăng 3 chương, 35 điều so với Luật cũ). Một trong những nội dung đáng chú ý đó là quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND, Chủ tịch UBND các cấp với 3 nhóm nhiệm vụ quyền hạn: nhóm theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền; nhóm được phân quyền trong lĩnh vực tổ chức, bộ máy; nhóm được phân cấp, phân quyền trong các lĩnh vực cụ thể về quy hoạch, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, y tế, môi trường, đất đai…

Riêng với nhóm nhiệm vụ, quyền hạn trong lĩnh vực tổ chức cán bộ, dự thảo Luật quy định phân quyền cho HĐND TP. Hà Nội được quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính đặc thù thuộc UBND TP. Hà Nội, quận, huyện, thị xã nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, tăng tính chủ động, linh hoạt, tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho thành phố.

Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng cần nghiên cứu để việc thành lập cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính đặc thù sát nhu cầu thực tế của Hà Nội. Theo đó, nên quy định HĐND TP. Hà Nội được quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể Sở Môi trường; Ban Quản lý khu công nghệ cao và Đội Quản lý trật tự xây dựng tại các quận, huyện, thị xã.

Theo đại diện Văn phòng Chính phủ, nếu quy định như phương án thứ nhất sẽ rất khó thành lập các cơ quan chuyên môn đặc thù bởi việc áp dụng được đầy đủ các tiêu chí như dự thảo Luật là rất khó. Phương án thứ hai giới hạn phạm vi sẽ khả thi hơn, Hà Nội có thể thành lập được ngay cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính đặc thù, song cũng cần đánh giá kỹ lưỡng việc thành lập, tổ chức, giải thể các đơn vị nêu trên.

Góp ý về vấn đề phân cấp, phân quyền nói chung, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng không nên phân cấp, phân quyền tối đa mà chỉ nên phân cấp một số nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của Thủ tướng cho Hà Nội, đối với nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của Quốc hội chỉ phân cấp đối với các trường hợp thật sự cần thiết, đáp ứng tiêu chí chặt chẽ. Còn đại diện Bộ Công an cho rằng HĐND quận, thị xã được quyết định chủ trương đầu tư một số loại chương trình, dự án đầu tư công, song cần loại trừ những chương trình, dự án liên quan đến an ninh, quốc phòng.

Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh kết luận phiên họp.

Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh kết luận phiên họp.

Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đánh giá nội dung dự án Luật phù hợp và thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp của Đảng về xây dựng, phát triển Thủ đô tại Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị; các chủ trương có liên quan đến phát triển Thủ đô tại Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính và các nghị quyết khác của Đảng có liên quan.

Để hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Thứ trưởng đề nghị Ban soạn thảo cần thuyết minh, giải trình rõ phạm vi thực hiện phân cấp, phân quyền; lựa chọn các lĩnh vực trọng tâm, gắn với điều kiện đặc thù, phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội khi quy định phân cấp, phân quyền để tạo sự đột phá cho Thủ đô; đồng thời nghiên cứu, bổ sung các cơ chế để kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền hạn, nhiệm vụ của các cấp chính quyền Thành phố.

Thứ trưởng cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiêm túc tiếp thu, nghiên cứu rà soát, bổ sung một số vấn đề được các thành viên Hội đồng thẩm định chỉ ra như: tính toán các điều kiện về nguồn lực để đảm bảo tính khả thi của Dự án Luật; các vấn đề về ủy quyền lập pháp;…

Đọc thêm