Đẩy mạnh phổ biến pháp luật cho thanh thiếu niên thông qua các trang mạng xã hội

(PLVN) - Chiều 22/7, Bộ Tư pháp và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tổ chức Tọa đàm Xây dựng, vận hành Fanpage “Tuổi trẻ Việt Nam sống và làm việc theo pháp luật”.

Tham dự và chủ trì Tọa đàm có Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật Lê Vệ Quốc, Trưởng ban Tuyên giáo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Vũ Tiến Tiệp cùng đại diện các đoàn viên, thanh niên các Bộ, ngành, đơn vị có liên quan. 

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) Lê Vệ Quốc cho biết,việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành hiện nay là xu hướng của thời đại và xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của xã hội. Bên cạnh đó, ông Quốc cũng khẳng định phải phát huy vai trò của mạng xã hội trong công tác phổ biến, tuyên truyền để giúp các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị có điều kiện để tương tác với người dân. Ngược lại, mạng xã hội cũng giúp các đồng chí lãnh đạo, công chức, viên chức Bộ Tư pháp thấy được suy nghĩ, tiếng nói của người dân trong công tác quản lý, điều hành. 

 
Ông Quốc cũng bày tỏ mong muốn buổi Tọa đàm này sẽ là một diễn đàn để các đại biểu có thể trao đổi ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm và đề ra các phương án giải quyết các khó khăn, vướng mắc xảy ra trong thực tiễn. Đặc biệt, để Fanpage thực sự là một điểm sáng của quá trình tương tác thông tin giữa Bộ Tư pháp nói chung và Vụ PBGDPL nói riêng với người dân, thì việc xây dựng Fanpage như thế nào, hoạt động ra sao rất cần những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các đại biểu đến tham dự Tọa đàm. 

Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật Phan Hồng Nguyên cho biết những năm gần đây, việc lập trang Fanpage trên Facebook nhằm thực hiện PBGDPL đã bắt đầu được các cơ quan, tổ chức chú trọng, nhất là cơ quan Tư pháp, tổ chức Đoàn thanh niên các cấp ở địa phương. Qua thực tiễn triển khai mô hình này, có thể thấy bên cạnh những ưu điểm, thuận lợi vẫn còn tồn tại những khó khăn, hạn chế. Ví dụ như, các trang Fanpage hiện nay đang hoạt động theo hướng tự phát, chưa có sự định hướng thường xuyên, kịp thời nội dung PBGDPL; sản phẩm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên một số Fanpage chưa đa dạng, phong phú, chủ yếu tập trung giới thiệu, thông tin các văn bản, quy định mới…

Ngoài ra, ông Nguyên cũng cho rằng, để xây dựng, duy trì Fanpage với vai trò, vị trí là một phương tiện, kênh hiệu quả trong tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho thanh, thiếu niên, Bộ Tư pháp và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã phối hợp, nghiên cứu, đề xuất xây dựng Trang Fanpage trên mạng xã hội. Qua hoạt động tương tác trên Fanpage có thể nắm bắt được tư tưởng, thái độ của thanh, thiếu niên đối với các nội dung pháp luật. Dự kiến tên của Fanpage là “Tuổi trẻ Việt Nam sống và làm việc theo pháp luật”. 

Qua đó, Fanpage sẽ thông tin, phổ biến, giới thiệu chính sách, pháp luật, tập trung vào thông tin, văn bản, quy định có liên quan trực tiếp đến thanh, thiếu niên; tổ chức diễn đàn, chương trình đối thoại trực tuyến về pháp luật… Đặc biệt chú trọng tuyên truyền các vấn đề “nóng” được thanh thiếu niên quan tâm hiện nay như bạo lực học đường, buôn bán người, an toàn giao thông…

Phó Trưởng ban Tuyên giáo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Nguyễn Quốc Huy cũng đưa ra những mặt thuận lợi về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên trên mạng xã hội. Cụ thể là, nhận thức của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên ngày càng được nâng cao, coi trọng; thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên mạng xã hội sẽ tác động được diện rộng tới số đông với tốc độ nhanh chóng; nhận thức và sự tham gia, vào cuộc của tổ chức Đoàn, Hội các cấp trên không gian mạng ngày càng tích cực, chủ động hơn…

Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên vẫn còn nhiều hạn chế và phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Ví dụ như, sự vào cuộc quyết liệt và đầu tư của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp trên môi trường mạng nhìn chung chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu và đòi hỏi của tình hình thực tế; chính sách, luật pháp vẫn mang tính “khô khan” trong khi xu hướng tiếp nhận thông tin của giới trẻ hiện nay mang tính cởi mở, nhẹ nhàng; vẫn còn tồn tại nhiều yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến tư duy, nhận thức của giới trẻ và tác động đến công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. 

Ngoài ra, các đại biểu tham dự buổi Tọa đàm cũng đưa ra nhiều ý kiến đóng góp, phát biểu để hoàn thiện việc xây dựng và điều hành Fanpage “Tuổi trẻ Việt Nam sống và làm việc theo pháp luật”. Đặc biệt, các ý kiến đều tập trung vào các giải pháp để làm sao thông tin phổ biến, giáo dục pháp luật dễ dàng tiếp cận đối với thanh thiếu niên; đề xuất các giải pháp liên quan đến cách tiếp cận, hình thức, nội dung, truyền tải của Fanpage; phải có sự đầu tư về nhân lực, hình thức; các vấn đề pháp lý đưa ra phải gần gũi, gắn liền với giới trẻ… 

Đọc thêm