Hải Phòng là thành phố cảng biển, có nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp quy mô lớn, là đầu mối của nhiều tuyến giao thông quan trọng trong nước và quốc tế. Trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá thành phố, đội ngũ công nhân lao động (CNLĐ) Hải Phòng phát triển nhanh, cơ cấu đa dạng ở mọi thành phần kinh tế, nhất là trong quá trình phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế đang hình thành nhiều ngành nghề, lĩnh vực tập trung số lượng lớn CNLĐ như: giày dép, may mặc, nhà hàng, khách sạn, khu chế xuất công nghiệp... Trong đó, đa số công nhân là lao động nhập cư.
Đông đảo công nhân Công ty may thời trang Yen of London tham gia mít tinh phòng, chống ma túy, HIV/AIDS do Liên đoàn Lao động thành phố tổ chức |
Cùng với phát triển kinh tế và sự lớn mạnh của lực lượng CNLĐ thành phố, các cấp công đoàn thường xuyên coi trọng, tham gia tuyên truyền, phòng ngừa, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn ma tuý trong cộng đồng nói chung, trong CNVCLĐ nói riêng, góp phần xây dựng phát triển thành phố nhanh, bền vững.
Xuất phát từ quan điểm và nhận thức đó, nhiều năm qua, thực hiện chương trình phòng, chống ma tuý của Chính phủ và Kế hoạch liên tịch số 969 ngày 24-6-2002 giữa Bộ Công an, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về phối hợp phòng, chống ma tuý trong CNVCLĐ, Liên đoàn Lao động thành phố tham gia Ban chỉ đạo liên ngành thành phố, đề xuất các hình thức, biện pháp hướng dẫn các cấp công đoàn triển khai tuyên truyền trong CNVCLĐ. Các cấp công đoàn chủ động phối hợp với chính quyền, lực lượng công an và các đoàn thể chính trị-xã hội, lãnh đạo chuyên môn đồng cấp, xây dựng kế hoạch triển khai phù hợp với điều kiện, đặc thù từng ngành, địa phương, đơn vị. Nhiều cơ quan, đơn vị tổ chức ký cam kết "Xây dựng cơ quan, doanh nghiệp không có ma tuý", "Khu tập thể công nhân lao động không có tệ nạn ma tuý", đẩy mạnh phong trào "Xây dựng đời sống văn hoá cơ sở" và tiếp tục duy trì , nâng cao hiệu quả hoạt động các cụm VHTT- CNLĐ. Thông qua các hình thức tuyên truyền với cách làm sáng tạo, góp phần động viên đông đảo CNVCLĐ hưởng ứng tham gia đấu tranh, phòng, chống các tệ nạn xã hội ngay từ gia đình, nơi làm việc và nơi sinh sống. Hằng năm, Liên đoàn Lao động thành phố xây dựng kế hoạch tuyên truyền, xác định những địa bàn, lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ cao hoặc địa bàn phức tạp, khó khăn để tăng cường chỉ đạo, tháo gỡ vướng mắc, đầu tư thời gian, hỗ trợ kinh phí và lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên cho các công đoàn cơ sở. Ngoài nguồn kinh phí UBND thành phố hỗ trợ mỗi năm hơn 100 triệu đồng, Liên đoàn Lao động thành phố dành một phần kinh phí và huy động từ các nguồn để tổ chức từ 30 đến 40 cuộc tuyên truyền, thu hút hàng chục nghìn lượt CNVCLĐ tham dự. LĐLĐ thành phố phối hợp với các ngành, Trung tâm vì người lao động nghèo, các câu lạc bộ dàn dựng kịch bản, tiểu phẩm nội dung ngắn gọn, chuyển tải được đầy đủ thông điệp mang ý nghĩa xã hội sâu sắc, tính giáo dục cao. Các cấp công đoàn tiến hành khảo sát các câu lạc bộ sở thích cho CNLĐ tại các khu nhà trọ, khu nhà lưu trú công nhân, để nắm bắt nhu cầu, quản lý tuyên truyền giáo dục kiến thức pháp luật, kỹ năng sống, nhất là đối với lao động nhập cư. Ngoài các hình thức tuyên truyền, LĐLĐ thành phố đưa công tác đấu tranh phòng, chống các tệ nạn xã hội vào nội dung bình xét thi đua lao động hằng năm.
Liên đoàn Lao động thành phố tổ chức tuyên truyền về tác hại của ma túy, HIV/AIDS tại Công ty may thời trang Yen of London |
Trong bối cảnh tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn ma tuý trên địa bàn thành phố nói chung, trong CNVCLĐ nói riêng còn diễn biến phức tạp có xu hướng gia tăng, các thành viên Ban chỉ đạo phòng chống ma tuý, HIV/AIDS tiếp tục tăng cường phối hợp chặt chẽ, chủ động hơn nữa từ khâu đánh giá, kiểm soát kịp thời xu hướng biến động lao động ở một số ngành nghề, lĩnh vực, môi trường có nguy cơ cao mắc nghiện ma tuý, nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyên viên pháp luật và bổ sung kịp thời nguồn kinh phí bảo đảm cho các hoạt động tuyên truyền có hiệu quả; đồng thời phối hợp, hỗ trợ CNLĐ sau cai nghiện tiếp tục có việc làm ổn định, hoà nhập cộng đồng.
Nguyễn Thái Ảnh