Để tiềm năng và lợi thế về du lịch có thể khai thác được, Tỉnh đã từng bước đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng như: Cấp phép hoạt động bến thủy nội địa cho 06 bến (bờ Bắc, bờ Nam, Buốc Lốm, Kéo Sliu, Pác Ngòi và Đầu Đẳng).
Công bố tuyến đường thủy nội địa sông Năng – hồ Ba Bể có chiều dài gần 30km. Ngoài ra, còn có dự án đường nối khu du lịch Ba Bể với khu du lịch Na Hang (Tuyên Quang); dự án trung tâm đón tiếp Buốc Lốm – Khang Ninh;
Dự án xây dựng bến thuyền, nhà chờ điểm đón khách du lịch Tà Kèn; nâng cấp, cải tạo tuyến đường 258 đoạn từ km42 đến km48 (đường vào khu du lịch Ba Bể). Hạ tầng điện, nước, thông tin liên lạc cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân, khách du lịch.
Nằm giữa hai cánh cung lớn của Việt Bắc là cánh cung sông Gâm và cánh cung Ngân Sơn với những dãy núi cao trên 1.000m đã ưu đãi cho Bắc Kạn phong cảnh thiên nhiên kỳ vĩ và thơ mộng với những hồ, thác, hang động và hệ thống sông suối... là nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá để phát triển du lịch.
Cùng với đó, trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Chợ Đồn đã được Trung ương Đảng và Bác Hồ chọn làm căn cứ địa cách mạng, để cùng với Tân Trào (Tuyên Quang) và Định Hóa (Thái Nguyên) tạo thành vùng an toàn khu (ATK) bảo vệ Đảng và các cơ quan Trung ương.
Với những giá trị đặc biệt về cảnh quan thiên nhiên, địa chất và lịch sử, khu du lịch hồ Ba Bể và ATK Chợ Đồn đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt.
Để đạt được mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, công tác thu hút đầu tư đang được quan tâm. Đã có nhiều dự án thuộc lĩnh vực du lịch được UBND tỉnh trao quyết định chủ trương đầu tư.
Khách du lịch trải nghiệm bơi thuyền Kayak trên hồ Ba Bể |
Cùng với sự vào cuộc của các cấp, ngành và các địa phương, Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch Bắc Kạn (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã tham mưu, tổ chức xây dựng, nâng cao chất lượng các ấn phẩm, sản phẩm quảng bá về du lịch để tuyên truyền, quảng bá tại các sự kiện du lịch trong nước. Đặc biệt, đã phối hợp tổ chức 03 chương trình Famtrip thu hút nhiều doanh nghiệp, phóng viên tham dự, góp phần quảng bá hình ảnh, văn hóa, tiềm năng du lịch của tỉnh.
Mặc dù vậy, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng sự phát triển của lĩnh vực du lịch chưa tương xứng với tiềm năng. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, như: Kết cấu hạ tầng còn nhiều hạn chế; sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chưa có sản phẩm mang tính đặc trưng... Cùng với đó, hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch dù đã có nhiều cố gắng nhưng chưa được thường xuyên, liên tục; quy mô còn nhỏ.
Để hướng tới mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, Trong quá trình thực hiện, để đạt được hiệu quả cao nhất, cần xác định công tác quảng bá, xúc tiến du lịch không chỉ là nhiệm vụ riêng của ngành Văn hóa, Thể thao & Du lịch.
Hướng Bắc Kạn trở thành điểm đến cuối tuần cho người dân Thủ đô Hà Nội và các vùng lân cận. Muốn vậy phải xây dựng được các mô hình mới, sản phẩm mới, hấp dẫn để du khách không chỉ đến với các tour du lịch thông thường mà còn được khám phá nhiều địa danh, giá trị văn hóa truyền thống, thúc đẩy các địa phương khác trong tỉnh cùng phát triển du lịch ngoài hai khu di tích quốc gia đặc biệt hồ Ba Bể và ATK Chợ Đồn.