Dạy nghề cho nông dân

Thành phố Đà Nẵng đang trong quá trình đô thị hóa, đất nông nghiệp  bị thu hẹp. Không còn đất sản xuất, người nông dân (ND) ở những nơi bị giải tỏa gặp muôn vàn khó khăn. Để giải bài toán việc làm cho ND, Hội Nông dân thành phố (HND) đã mở các lớp dạy nghề cho ND, giúp họ hòa nhập với cuộc sống thị dân, tìm được việc làm mới...

Thành phố Đà Nẵng đang trong quá trình đô thị hóa, đất nông nghiệp  bị thu hẹp. Không còn đất sản xuất, người nông dân (ND) ở những nơi bị giải tỏa gặp muôn vàn khó khăn. Để giải bài toán việc làm cho ND, Hội Nông dân thành phố (HND) đã mở các lớp dạy nghề cho ND, giúp họ hòa nhập với cuộc sống thị dân, tìm được việc làm mới...

Đi tận ngõ, gõ tận nhà...

Ông Phan Song, Phó chủ nhiệm câu lạc bộ nấm An Khê, Thanh Khê bên giàn nấm vừa thu hoạch.

Ông Phan Song, Phó chủ nhiệm câu lạc bộ nấm An Khê, Thanh Khê bên giàn nấm vừa thu hoạch. 

Chúng tôi đến lớp dạy nghề trồng nấm sò tại phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ vào một ngày cuối tháng 4. Học viên là những ND đầu đã hai thứ tóc đang ngồi xổm giữa sân lúi húi ghi chép những lời giáo viên truyền đạt. Nói là lớp học, nhưng thực chất đây là nhà của một học viên trong lớp cho mượn, mặt bằng rộng nên thuận tiện cho việc học tập và thực hành. Đây là lớp dạy nghề sản xuất và chế biến nấm đầu tiên trong năm 2010 mà HND thành phố triển khai.

Chọn Hòa Xuân là nơi mở màn cho năm 2010, HND thành phố muốn xua tan tâm lý lo lắng về việc sẽ làm gì khi đến nơi ở mới của người ND Hòa Xuân. Tuy nhiên, dạy nghề cho ND nhưng phải năn nỉ, ỉ ôi thì họ mới chịu đi học, bởi người ND luôn quan niệm rằng, già rồi thì đi học cái gì nữa. Hiểu rõ điều đó, HND thành phố phối hợp với HND quận Cẩm Lệ và HND phường Hòa Xuân đến tận nhà vận động ND đăng ký học. Không ít lần gặp phải sự từ chối thẳng thừng của người dân, nhưng các cán bộ Hội vẫn quyết bám cơ sở để thuyết phục họ. Đi tận ngõ, gõ cửa tận nhà và năn nỉ hết lời, người dân mới chịu đi học. Trước ngày khai giảng, cán bộ Hội phải đến từng nhà nhắc nhở để bà con đừng quên.

Không chỉ có những học viên ở lớp dạy nghề  trồng nấm Hòa Xuân, mà hầu hết những lớp dạy nghề khác đều có tình trạng tương tự. Ông Nguyễn Ngọc Tuế, Chủ tịch HND phường An Khê, quận Thanh Khê tâm sự: Trước tình hình đất sản xuất của bà con trong phường bị thu hẹp, Hội đã chủ động tham mưu cho chính quyền mở các lớp dạy nghề.

Được HND thành phố đồng ý mở lớp sản xuất nấm bào ngư vào đầu tháng 3-2009, Hội đã chỉ đạo các chi hội triển khai kế hoạch vận động bà con đi học cho đủ số lượng. Các chi hội ngày đêm bám nhà dân để thuyết phục được 22 người tham gia học lớp sản xuất nấm bào ngư. Bà Hồ Thị Thu Giang, Chủ tịch HND phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ cho hay: Năm 2008, HND thành phố mở lớp dạy nghề làm nấm sò cho hơn 20 hội viên ND. Sau khi học xong, HND phường tiếp tục đề nghị HND thành phố mở thêm một lớp và đã được Hội đồng ý. Mọi kế hoạch đã chuẩn bị sẵn, nhưng đến ngày khai giảng, chỉ vận động được 3 người đăng ký học. Kế hoạch bị bể! Bà Giang tâm sự: Gần 1 tháng đi vận động bà con, đến nhà nào cán bộ Hội cũng nhận được cái lắc đầu nên ai cũng cảm thấy buồn.

Và những kết quả đạt được...

Cho đến nay, HND thành phố đã mở nhiều lớp dạy nghề cho ND, trong đó chú trọng vào nghề sản xuất nấm. Bởi lẽ đây là nghề phù hợp với người ND quen chân lấm tay bùn và ít vốn. Mỗi lớp dạy nghề, sau khi bế giảng đã cho những thành công nhất định. Nhiều ND đã vận dụng được khoa học kỹ thuật, mạnh dạn đầu tư sản xuất và làm giàu. Nhờ đó, đã thu hút người ND quan tâm, tìm đến học hỏi. Chị Mận (học viên lớp nấm sò phường Hòa Xuân) tâm sự: Gia đình tôi có truyền thống sản xuất nấm mèo. Nghe hiệu quả của nấm sò cao, tôi quyết định theo học lớp nghề này.

Học rồi mới tiếc, sao HND không tổ chức dạy sớm hơn để ND chúng tôi có cái nghề hái ra tiền mà nhẹ nhàng như trồng nấm sò này. Còn bà Nguyễn Thị Thuận, thành viên câu lạc bộ nấm An Khê (quận Thanh Khê) cho biết: Ban đầu học lớp sản xuất nấm bào ngư, tôi sợ không có hiệu quả, vả lại tâm lý ngại ngùng về tuổi tác nên tôi không đi. Sau khi thấy anh chị em làm được, tôi thấy tiếc nên khi HND tổ chức dạy lớp  trồng nấm linh chi, tôi đã đăng ký học và tham gia vào câu lạc bộ nấm An Khê. Hiện nay, gia đình tôi đã có thu nhập ổn định.

Nhận định về  hiệu quả của các lớp dạy nghề cho ND, ông Lê Phương Tâm, Phó Chủ tịch HND quận Thanh Khê cho hay, trên địa bàn quận hiện đã có nhiều phường được HND thành phố mở lớp đào tạo nghề làm nấm, mỗi lớp từ 20 đến 30 người. Theo kết quả khảo sát, đã có trên 50% số người sản xuất thành công. Cuối tháng 4 vừa qua, HND thành phố mở thêm lớp làm nấm ở phường Hòa Khê cho bà con nông dân. Do hiệu quả tốt nên nhiều người đã xin vào học, vượt cả số lượng quy định.

Thực tế, sau khi bế giảng lớp học, rất nhiều người áp dụng những kiến thức đã học vào sản xuất thành công. Điển hình như mô hình sản xuất nấm tại nhà của chị Đông (phường Thanh Khê Tây), các anh Phan Sau, Đinh Văn Hòa (phường An Khê)… và rất nhiều hộ ND ở địa bàn quận Sơn Trà, Liên Chiểu đều cho thu nhập bình quân mỗi ngày hàng trăm ngàn đồng. Về đầu ra cho sản phẩm, qua tìm hiểu, chúng tôi được biết hiện nay đã có nhiều nơi mua nấm của nông dân. Trong đó điển hình là hợp tác xã nấm An Hải Đông (quận Sơn Trà). Nếu sản xuất với quy mô lớn, đúng kỹ thuật, hợp tác xã An Hải Đông sẵn sàng hợp tác để bảo đảm nguồn tiêu thụ. Vì vậy, người nông dân có thể hoàn toàn yên tâm sản xuất.

Có thể nói, việc tổ chức dạy nghề cho ND của HND thành phố là một cách làm thiết thực, giúp người nông dân có nguồn sinh kế sau khi quỹ đất không còn. Có nghề trong tay, dẫu không còn đất sản xuất thì người ND vẫn “sống” được trong quá trình đô thị hóa.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

Đọc thêm