Trung tâm giới thiệu việc làm thành phố Nam Định xác định, dạy nghề phải gắn với giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho người lao động. Đồng chí Trần Văn Huyến, giám đốc Trung tâm cho biết: "Để dạy nghề đi đôi với giải quyết việc làm thì việc cốt yếu là phải nắm được nhu cầu sử dụng lao động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, từ đó tiến hành đào tạo".
|
Ảnh minh họa. |
Hàng năm, Trung tâm giới thiệu việc làm thành phố Nam Định đều tiến hành điều tra nhu cầu sử dụng lao động của các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, từ đó xây dựng kế hoạch tuyển sinh và đào tạo nghề. Chính vì vậy, trong khi không ít các cơ sở, đơn vị dạy nghề ở các địa phương chiêu sinh hàng loạt, mở lớp theo nhu cầu học nghề của người lao động thì tại trung tâm chỉ đào tạo các nghề thị trường lao động cần, và có địa chỉ đăng ký tiếp nhận học viên sau khi học. Năm 2009, trung tâm chỉ mở lớp dạy nghề may công nghiệp và điện dân dụng. Vì vậy, 340 học viên các lớp may công nghiệp sau khi tốt nghiệp đều có việc làm ổn định tại Cty cổ phần dệt may Nam Định và Cty cổ phần may Sông Hồng. Hầu hết 40 học viên lớp điện dân dụng đều được nhận làm tại doanh nghiệp tư nhân Hoàng Tùng hoặc mở cửa hàng, làm việc có thu nhập khá. Cũng trong năm 2009, thực hiện nhiệm vụ dạy nghề theo chỉ tiêu đối với các đối tượng đặc thù của thành phố như lao động nông thôn, người tàn tật, người nghèo, trẻ em lao động nặng nhọc, độc hại và người cai nghiện thành công..., trung tâm đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu với tổng số 145 người, trong đó có 113 người đã có việc làm, thu nhập, được đánh giá là đơn vị có chỉ số giải quyết việc làm cao nhất tỉnh.
Muốn đào tạo tốt thì liên quan đến chất lượng giáo viên, trang thiết bị dạy học. Bài toán này luôn là nan giải đối với các đơn vị sự nghiệp phụ thuộc vào ngân sách vốn rất hạn hẹp. Nhưng Trung tâm giới thiệu việc làm thành phố đã tìm ra hướng đi hiệu quả. Để đủ kinh phí thuê giáo viên và mua sắm nguyên liệu, thiết bị dạy nghề, trung tâm thành lập xưởng may, tách số học viên đã hoàn thành đào tạo cơ bản sang học thực tế, làm ra sản phẩm bán ra thị trường. Sau mấy năm lập xưởng, sản phẩm của trung tâm được thị trường chấp nhận. Học viên có thu nhập đủ để nộp học phí. Nhiều người sau khi ra trường muốn xin ở lại làm công nhân tại xưởng vì thu nhập ở đây đạt từ 1,5 triệu đồng/tháng/người trở lên. Bên cạnh đó, để học viên sớm hoà nhập với công việc, trung tâm tổ chức đưa học viên thực tập tại các doanh nghiệp, đơn vị đã ký kết hợp đồng cung cấp lao động.
Năm 2010, điều tra nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo nghề của trung tâm với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại thành phố là 565 người, trong đó lao động nghề may công nghiệp vẫn chiếm đa số. Khả năng của trung tâm chỉ đáp ứng khoảng 400 học viên/năm. Chính vì vậy, trung tâm mong các cấp, ngành chức năng và UBND thành phố quan tâm đầu tư, nâng cao năng lực để phát huy hơn nữa hiệu quả dạy nghề cho người lao động./.
Hoàng Long