Đẩy nhanh “tốc độ” hội nhập của Luật sư

Đó là một trong những phương hướng để phát triển đội ngũ luật sư trong năm 2013 và những năm tiếp theo được xác định tại Hội nghị triển khai công tác bổ trợ tư pháp năm 2013 của Vụ Bổ trợ Tư pháp (Bộ Tư pháp) tổ chức chiều qua (30/1).

Đó là một trong những phương hướng để phát triển đội ngũ luật sư trong năm 2013 và những năm tiếp theo được xác định tại Hội nghị triển khai công tác bổ trợ tư pháp năm 2013 của Vụ Bổ trợ Tư pháp (Bộ Tư pháp) tổ chức chiều qua (30/1).

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính khen thưởng các cá nhân có thành tích năm 2012 của Vụ Bổ trợ Tư pháp. Ảnh Hồng Minh

Sẽ có Trung tâm đào tạo và câu lạc bộ luật sư hội nhập

Với nhiệm vụ quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp, trong đó có hoạt động luật sư, năm 2012, Vụ Bổ trợ Tư pháp tiếp tục những trăn trở để đưa hoạt động LS đáp ứng yêu cầu về chất lượng dịch vụ pháp lý và khả năng cạnh tranh với các đồng nghiệp “ngoại” trên “sân nhà” và cả thị trường pháp lý quốc tế.

Phó Vụ trưởng Nguyễn Văn Bốn cho biết, triển khai Đề án 123 về phát triển LS phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế, năm 2012, Vụ phối hợp với Học viện Tư pháp xây dựng Đề án thành lập Trung tâm đào tạo LS phục vụ hội nhập và dự thảo khung đào tạo LS phục vụ hội nhập quốc tế.

Phục vụ cho việc thí điểm Trung tâm, Vụ đã tích cực trong việc phối hợp với các đơn vị có liên quan để tìm hiểu cơ hội hợp tác với các cơ sở đào tạo về luật trên thế giới. Cùng với đó là triển khai cho việc thành lập câu lạc bộ LS hội nhập dành cho các LS hoạt động trong lĩnh vực thương mại quốc tế - tạo một “sân chơi” cho giới LS giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, cập nhật thông tin nghiệp vụ, kỹ năng, để cùng nhau thích ứng tốt hơn các yêu cầu của thời kỳ hội nhập về dịch vụ pháp lý.

Củng cố nền tảng cho LS hội nhập được tiến hành song song với việc phát triển đội ngũ LS. Năm 2012, Bộ Tư pháp cấp hơn 900 chứng chỉ hành nghề LS, cấp phép cho 25 LS nước ngoài, 3 chi nhánh và 2 cty của tổ chức hành nghề LS nước ngoài, 3 chi nhánh của cty luật nước ngoài, gia hạn giấy phép hành nghề cho 8 LS nước ngoài tại Việt Nam, tổ chức 2 kỳ kiểm tra hết tập sự nghề LS cho gần 2.000 người tập sự hành nghề LS một cách thực sự nghiêm túc, minh bạch, công khai, rõ ràng, phản ánh thực chất kết quả tập sự hành nghề LS.

Theo ông Nguyễn Văn Bốn, “kết quả của năm 2012 đã góp phần phát triển số lượng LS theo Chiến lược phát triển nghề LS đến năm 2020, đưa số lượng LS cả nước hiện gần 8.000 LS với 3.055 tổ chức hành nghề LS”.

 Và trong số những nhiệm vụ trọng tâm mà Vụ Bổ trợ Tư pháp xác định cho năm 2013 có việc triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật LS. Mặc dù chỉ là sửa đổi, bổ sung một số điều song Luật này đem lại nhiều thay đổi cho hoạt động LS, từ việc đào tạo, tập sự, đến tổ chức của các tổ chức hoạt động LS, các hoạt động trong quá trình hành nghề, cung cấp dịch vụ pháp lý, đáp ứng những yêu cầu đặt ra đối với hoạt động luật trước những thách thức mà hoạt động pháp lý quốc tế đặt ra khi nước ta ngày càng hội nhập sâu với thế giới.

Tăng cường kiểm tra để “kiềm chế” sai phạm

Ngoài ra, Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp Đỗ Hoàng Yến khẳng định, năm 2013, công tác bổ trợ tư pháp sẽ nhấn mạnh vào lĩnh vực công chứng và giám định tư pháp từ kết quả của năm 2012.

Bộ cũng đã bổ nhiệm gần 293 công chứng viên, miễn nhiệm 10 công chứng viên. Đến nay cả nước có 627 tổ chức hành nghề công chứng với trên 1.180 công chứng viên đang hành nghề, cấp Thẻ công chứng viên cho 1.085 trường hợp công chứng viên đang hành nghề. Cấp thẻ giám định viên tư pháp cho 229 giám định viên tư pháp, nâng tổng số giám định viên tư pháp được cấp thẻ lên 3.733 người.

Đảm bảo cho hoạt động công chứng và giám định tư pháp “trong sạch” thuận tiện, phát triển đúng định hướng, Vụ đã phối hợp với Thanh tra Bộ giải quyết dứt điểm khiếu nại, tố cáo liên quan, đối với những vụ việc phức tạp. Điều này đã được ông Hoàng Quốc Hùng (Phó Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp) đánh giá cao.

Với sự quan tâm, đẩy mạnh trong công tác quản lý hoạt động công chứng, năm 2012, Vụ đã kịp thời nắm bắt và có văn bản chấn chỉnh những biểu hiện lệch lạc trong hoạt động công chứng. Từ thực tiễn địa phương, ông Trần Diện (Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Phúc) nhấn mạnh đến vai trò của việc thực hiện quy hoạch công chứng trong việc tạo “sự chuyển biến trong nhận thức và quản lý hoạt động công chứng”.

Tuy nhiên, một số nơi, hoạt động công chứng còn xảy ra sai sót, việc triển khai đề án 258 về đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp còn chậm… mà nguyên nhân chính là “thiếu nhân lực” từ cả Vụ Bô trợ Tư pháp và các Sở Tư pháp. Nên trong phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2013, cùng với việc hoàn thiện thể chế, triển khai hiệu quả các văn bản, đề án về các lĩnh vực này, Vụ nhấn mạnh đến việc tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước thông qua công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện qui định pháp luật của các cơ quan tổ chức có liên quan. Đặc biệt chú trọng việc kiểm tra thực hiện Luật Giám định tư pháp và qui hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020…

Đánh giá cao những kết quả trong hoạt động quản lý các lĩnh vực bổ trợ tư pháp, trong đó có luật sư, công chứng, giám định tư pháp năm 2012, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính lưu ý, cần hướng việc quản lý nhà nước về địa phương, đẩy mạnh hướng dẫn chỉ đạo nghiệp vụ cho địa phương, thống nhất áp dụng pháp luật, giúp tháo gỡ cho địa phương nhiều hơn, đảm bảo chất lượng pháp lý trong các lĩnh vực bỗ trợ tư pháp. Thứ trưởng yêu cầu, “không thể để chậm chễ trong việc cấp giấy phép cho bất kỳ hoạt động nào thuộc thẩm quyền quản lý để bảo đảm quyền lợi của người dân”. Đặc biệt, sắp tới Vụ sẽ chuyển thành Cục Bổ trợ tư pháp. Thứ trưởng lưu ý, “Là đơn vị độc lập, có thẩm quyền quản lý nhà nước nên phải thay đổi nhận thức, tư duy quản lý, bộ máy phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao, từ tư duy tham mưu sang tư duy trực tiếp quản lý. Đây là 1 điểm lớn, là nhiệm vụ trọng tâm về công tác cán bộ từ năm 2013”.

Huy Anh

Đọc thêm