Ngày 11/10, tại Hà Nội diễn ra hội thảo “Chính sách và thực hành chống tham nhũng trong ngành giáo dục Việt Nam; con đường hướng tới kết quả và giám sát tiến trình” do tổ chức quốc tế Trung tâm tài nguyên phòng chống tham nhũng và UNICEF tổ chức đã coi dạy thêm cũng là một hành vi tham nhũng trong giáo dục.
Hội thảo “Chính sách và thực hành chống tham nhũng trong ngành giáo dục Việt Nam; con đường hướng tới kết quả và giám sát tiến trình”. (Ảnh: Phạm Thịnh) |
Hội thảo có đề cập đến 3 nguy cơ cao trong việc tham nhũng của ngành giáo dục như: Tuyển sinh đầu cấp, thu phí ngoài chương trình và đặc biệt việc dạy thêm cũng được liệt vào danh sách của hành vi tham nhũng. Kết quả khảo sát của Công ty tư vấn quản lý và chuyển đổi tổ chức (T&C Consulting) thực hiện dưới sự chủ trì của Thanh tra Chính phủ, tiến hành tháng 5/2010 mang tên “khảo sát thực trạng một số vấn đề về có nguy cơ tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục“ tập trung vào việc khảo sát dạy thêm, thu phí ngoài quy định đã khiến nhiều người phải giật mình. Đối tượng khảo sát là 850 giáo viên và phụ huynh của 3 thành phố lớn là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Kết quả cho thấy, trong tuyển sinh đầu cấp, có 60% phụ huynh phải nhờ các nguồn trợ giúp khi xin cho con học trái tuyến và 33% giáo viên thừa nhận từng giúp đỡ cho con em người quen vào học trái tuyến. Khi vào trường, phụ huynh dù đúng hay trái tuyến, thường phải chi nhiều khoản khác nhau đóng góp xây dựng trường, mua thiết bị lớp học, bồi dưỡng thầy cô lớp … Trên 45% phụ huynh thừa nhận việc học thêm là gánh nặng tâm lý, thời gian và tài chính. 40-45% giáo viên thừa nhận việc dạy thêm của mình làm cho phụ huynh học sinh cảm thấy yên tâm. Và đến 72% phụ huynh nghĩ rằng chỉ học chương trình chính khóa cho con là không đủ. Và đặc biệt, theo điều tra, trên 575 giáo viên cho rằng, có những người không giỏi vẫn tự mình tổ chức dạy thêm.
TS. Nguyễn Văn Thắng chuyên gia T&C Consulting trình bày các kết quả điều tra xã hội học về tham nhũng giáo dục. |
Việc tuyển sinh đầu cấp là gánh nặng tâm lý cho 42% phụ huynh và gánh nặng thời gian cho 26% số phụ huynh. 70% số phụ huynh cho rằng bỏ thêm chi phí cho con vào trường tốt là chuyện bình thường và người quen của họ đều làm thế. Về việc học thêm - dạy thêm, khảo sát này cho biết tần suất tham gia học thêm 44% là do nhà trường tổ chức; 49% do thầy cô dạy thêm riêng: 49% và do cơ quan ngoài tổ chức là 36%. Có đến 82-85% phụ huynh thừa nhận việc dạy thêm là bình thường và mọi người quen đều cho con học thêm. Dù nhận định các dạng tham nhũng được nghiên cứu ở đây, về cơ bản là tham nhũng "nhỏ", nhưng nghiên cứu này cũng cho rằng, phạm vi của nó rộng lớn, gần như tới mọi gia đình và hậu quả xã hội là khá nặng nề. Bà Nguyễn Thị Thanh Nga, chuyên gia giáo dục của tổ chức Unicef (Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc) nhận định việc dạy thêm học thêm trở nên tràn lan đã ảnh hưởng đến tâm lý chung của cả giáo viên và học sinh và phụ huynh. Giáo viên ép học sinh đi học thêm, vì thế dạy thêm đã trở thành hình thức trá hình của tham nhũng. Giáo dục là ngành đào tạo con người mà ngay từ môi trường giáo dục đã để tình trạng này xảy ra là một điều hết sức nghiêm trọng, cần điều chỉnh càng sớm càng tốt. Bà Nga cũng cho rằng, nếu chỉ dựa vào tờ đơn tự nguyện xin học thêm mà kết luận đó không phải là tham nhũng thì còn chưa đầy đủ. Phụ huynh nào cũng muốn con mình được đối xử tốt, và có kết quả tốt, nên không dám gửi đơn chống lại nhà trường và cô giáo.
Bà Bà Nguyễn Thị Thanh Nga, chuyên gia giáo dục của tổ chức Unicef :"Dạy thêm đã trở thành hình thức trá hình của tham nhũng" |
Để chấm dứt tình trạng này, bà Nga nhấn mạnh vào việc phải thay đổi nhận thức của các bậc phụ huynh. Bên cạnh đó Bộ GD&ĐT cần có các biện pháp thanh tra bài bản, xây dựng những bộ công cụ thiết yếu để thường xuyên kiểm tra giám sát. Đồng thời cần có chế độ lương phù hợp với giáo viên, có mức khen thưởng kỷ luật rõ ràng. Hiện nay phụ huynh còn quá nặng về các chỉ số bề nổi của học tập; niềm tin trường điểm, học thêm giúp trẻ phát triển tốt hơn; niềm tin về đào tạo chính thống bị lung lay ở một số khía cạnh và vòng luẩn quẩn của sự lan tỏa xã hội... Từ góc độ giáo viên, hiện tượng này được cho là do sức ép về thu nhập; sự chấp nhận của xã hội đối với các hành vi "mờ": dạy thêm, thu thêm các khoản phí, giúp đỡ người quen vào trường; sức ép của đồng nghiệp đối với các hành vi "mờ". Ông Phạm Văn Tại, Phó Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ GD&ĐT cũng quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng chống tham nhũng cho cán bộ, giáo viên học sinh. Một số lĩnh vực có nguy cơ phát sinh tham nhũng cao như: tuyển sinh, tuyển dụng nhà giáo, cán bộ quản lý, thành lập cơ sở giáo dục, cấp phép mở mã ngành đào tạo, phân bổ kinh phí, quản lý các nguồn thu, dạy thêm, học thêm... đã được chú trọng ban hành các văn bản quy định cụ thể. Hiện nay Bộ GD&ĐT đang soạn thảo Nghị định trình Chính phủ về thực hiện chế độ thâm niên đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; Quyết định trình Thủ tướng Chính phủ về bảo lưu phụ cấp nhà giáo được điều động làm công tác quản lý.
Theo VTC News