Dạy thêm, học thêm có phải là tham nhũng?

Trong 3 ngày (11-13.10), tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo “Chính sách và thực hành chống tham nhũng trong giáo dục: Tìm đường hướng tới kết quả và giám sát tiến độ” do Bộ GDĐT chủ trì.

Trong 3 ngày (11-13.10), tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo “Chính sách và thực hành chống tham nhũng trong giáo dục: Tìm đường hướng tới kết quả và giám sát tiến độ” do Bộ GDĐT chủ trì.

Ba tệ nạn tham nhũng nổi bật nhất trong ngành giáo dục là tuyển sinh đầu cấp, dạy thêm học thêm và các khoản phí ngoài quy định đã được “gọi tên” tại hội thảo. Cty tư vấn quản lý và chuyển đổi tổ chức (T&C) đã đưa ra kết quả cuộc khảo sát, tập trung vào 3 vấn đề được “gọi tên” tham nhũng. Kết quả thăm dò qua phiếu của Cty T&C được công bố đã gây “sốc” và dẫn tới nhiều ý kiến trái chiều trong đội ngũ giáo viên. Để rộng đường dư luận, Báo Lao Động mở diễn đàn “Nạn tham nhũng trong giáo dục - cần được gọi đúng tên”. Với mong muốn xã hội có sự đánh giá đúng đắn về 3 tệ nạn tham nhũng trong môi trường sư phạm. Mở đầu diễn đàn, Lao Động xin giới thiệu ý kiến của nhà giáo Đông Xuyên (Hà Nội).

Tôi nghĩ tham nhũng chỉ có thể thao túng, hoành hành khi có điều kiện “xin - cho”, mâu thuẫn giữa cung và cầu, “cung” thì ít mà “cầu” thì nhiều, hoặc lợi dụng chức quyền, “móc, ngoặc” đục khoét tiền công quỹ bỏ vào túi riêng của mình. Xem ra tham nhũng dễ xảy ra ở khâu tuyển sinh đầu cấp với các khoản phí ngoài quy định. Chạy cho con vào “trường chuyên, lớp chọn” mất độ mươi “vé”, có khi cao hơn, vì các bậc cha mẹ hoặc không hiểu biết, hoặc bệnh “sĩ” nặng, thích con phải vào trường lớp “có số, có má”, đua nhau “cống nạp”, tiếp tay cho tham nhũng một cách vô ý thức, góp phần huỷ hoại nhân cách người thầy. Các khoản phí ngoài quy định là miếng đất béo bở để những người có chức có quyền coi ngó để kiếm chác.

“Ngoài quy định” nên mỗi trường “vẽ” ra một kiểu thu tiền, mức thu khác nhau, núp dưới nhiều danh nghĩa mỹ miều, nào là tiền đóng bàn ghế, cải thiện bữa ăn trưa cho các cháu bán trú, nâng cấp sửa chữa trường lớp. Nào là số lượng học “trái tuyến” nhiều, phụ huynh muốn xin cho con học, phải đóng thêm khoản lệ phí được gọi là “thoả thuận”. Rồi quỹ lớp, quỹ hội phụ huynh, đồng phục, sách giáo khoa... Các khoản quỹ ngoài quy định, các trường “biến báo” hợp pháp hoá bằng cách yêu cầu phụ huynh viết đơn “tự nguyện” hoặc thu tiền thông qua ban đại diện cha mẹ học sinh. Ai mà biết “ma ăn cỗ” như thế nào trong các loại phí “đi đêm” ngoài quy định ấy.

Mô tả ảnh.

Ảnh minh họa

Còn Bộ GDĐT gán tội tham nhũng cho “dạy thêm, học thêm” thì tôi e không “đúng người, đúng tội”, khó thuyết phục cả thầy lẫn trò (tức mối quan hệ giữa người dạy thêm và người học thêm). Hiện nay, dạy thêm, học thêm, đặc biệt ở các thành phố đang là nhu cầu rất lớn, phát triển dưới nhiều hình thức khác nhau, vượt xa con số mà Bộ GDĐT thống kê. Ví dụ thầy cô dạy thêm không phải chỉ 49%. Ngay từ lớp 1 học thêm đã trở thành phong trào, lên THPT, có lẽ trừ môn thể chất không dính dáng đến thi cử, vốn bị coi “môn phụ” là không có “dạy thêm, học thêm”.

Trường có đội ngũ thầy - cô giáo tay nghề cao, ban giám hiệu quản lý chặt, biết làm “kế hoạch 3” tạo điều kiện cải thiện đời sống cho cán bộ, giáo viên trong trường, tổ chức dạy thêm theo đơn vị trường, học phí đóng góp chỉ “một giá” quy định thì tham nhũng ở khâu nào? Những thầy - cô có chuyên môn giỏi, có nhân cách, học trò tìm đến “thụ giáo” rất đông, học phí đóng theo giá chấp nhận được, tuy cao hơn giá “nhà nước”, nhưng học trò tiến bộ trông thấy, tự nguyện hợp tác “đôi bên cùng có lợi” thì tham nhũng liệu có “cửa” để len vào? Đương nhiên còn một loại hình dạy thêm khá phổ biến, đang gây bức xúc đối với phụ huynh, học sinh, xã hội. Nhiều thầy - cô giáo dạy trên lớp còn chưa xong, nhưng họ không “biết mình, biết người”, vì mục đích kiếm tiền, dùng mọi thủ đoạn “ép” học sinh đến nhà học thêm.

Đơn giản, học sinh học thêm thì điểm kiểm tra rất cao, không học thêm thì điểm kiểm tra thấp kém. Học sinh có thể bỏ học chính quy, nhưng không dám trốn học thêm. Cứ cho động cơ dạy thêm của các thầy này là sai, khó chấp nhận, nhưng thực tế họ cũng đổ mồ hôi, công sức, thời gian để làm ra đồng tiền, không “ngồi mát ăn bát vàng”, nhận của đút, của lót. Nói như họ vẫn thường tâm sự “cũng là bán cháo phổi để nuôi dạ dày” thì có lý do gì khép họ vào tội tham nhũng?

Nếu dạy thêm, học thêm bị gọi tên là “tham nhũng”, e rằng các cơ quan chức năng “thắp đuốc giữa ban ngày”, tốn công, tốn sức, tốn tiền bạc của nhân dân cũng khó mà tìm ra được thủ phạm, bởi vì chắc chắn dạy thêm, học thêm không “cùng hội, cùng thuyền” với tham nhũng.

Bộ GDĐT muốn gọi đúng tên tham nhũng trong ngành của mình hãy tìm nơi “béo bở”, người ta có thể đút túi hàng chục tỉ đồng, đó là các công trình xây dựng trường lớp bị “rút ruột” kiểu như Trường Tiểu học Tân Hội A - Hà Nội mà lực lượng công an đang nhập cuộc bắt quả tang “chỉ tận tay day tận trán”...

Theo Lao Động

Đọc thêm