ĐB Lê Như Tiến: “Người đứng đầu thường giỏi che đậy“

(PLO) - ĐB Lê Như Tiến có chung quan điểm trong việc chống tham nhũng, cần quy trách nhiệm người đứng đầu. Nhưng ông cho rằng triển khai trong thực tế rất khó bởi đó là những đối tượng khéo léo, giỏi che đậy, lấp liếm. 
ĐBQH Lê Như Tiến
ĐBQH Lê Như Tiến
- Thưa ĐB Lê Như Tiến, trong công tác phòng chống tham nhũng, nhiều ý kiến cho rằng cần kiên quyết thực hiện nguyên tắc quy trách nhiệm người đứng đầu khi phát hiện có tham nhũng. Nhưng dường như đó chỉ là chủ trương, rất khó có thể thực hiện? 
ĐB Lê Như Tiến: Như tôi đã nói nhiều lần, một trong những nguyên nhân khiến công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) chưa đạt hiệu quả là như mong đợi chính là trách nhiệm người đứng đầu. Đã có qui định về trách nhiệm người đứng đấu để xảy ra tham nhũng nhưng đa số các vụ tham nhũng lại là dân phát hiện ít vì người đứng đầu thường là khéo, giỏi che đậy, lấp liếm. Nhiều khi cơ quan bảo vệ pháp luật, thanh tra, điều tra, ủy ban kiểm tra đôi lúc còn ngần ngại, còn không dám xử lý người đứng đầu. Đó chính là 1 nguyên nhân tình trạng người đứng đầu tham nhũng hay có dấu hiệu tham nhũng mà ta chưa kiên quyết điều tra, xử lý.
 - Vậy theo ông giải pháp nào là cần thiết?
ĐB Lê Như Tiến: Giải pháp thì luật đã có: Luật PCTN, chống rửa tiền, Luật Cán bộ công chức… Bộ máy cũng đã có từ T.Ư đến địa phương đầy đủ. Nghĩa là đã đầy đủ cả căn cứ pháp lý và tổ chức bộ máy nhưng sao chưa có kết quả như mong đợi? Là do khâu triển khai thực hiện còn thiếu kiên quyết và tôi cũng đồng ý với báo cáo của Chính phủ là do tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp, câu kết  với nhau thành lợi ích nhóm nên không dễ phát hiện và nếu phát hiện thì cũng không dễ xử lý kịp thời.
 - Theo báo cáo của Chính phủ, hiện tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng thấp. Ông nghĩ làm sao để tăng tỷ lệ này?
ĐB Lê Như Tiến: Như báo cáo của Thủ tướng Chính phủ, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng thấp rất nhiều so với tài sản thất thoát do tham nhũng nên cần làm cương quyết, tham nhũng bao nhiêu phải xử lý thu hồi bấy nhiêu. Nếu chỉ thu được phần nhỏ thì tác dụng răn đe phòng ngừa tham nhũng bị ảnh hưởng. Đây là trách nhiệm của các cơ quan thi hành pháp luật, đặc biệt là THA vì đã có bản án, thực thi bản án việc của CP nên cần làm mạnh mẽ, quyết liệt công tâm hơn nữa.
 - Ông đánh giá như thế nào về bệnh thành tích trong thi đua khen thưởng hiện nay?
ĐB Lê Như Tiến: Chúng ta đã nói nhiều, bệnh thành tích có ở khắp nơi nhưng bệnh thành tích trong thi đua khen thưởng nghĩa là thành tích chưa đến mức nhưng vẫn kê khai, làm hồ sơ đề nghị khen thưởng ở mức nọ, mức kia, thậm chí là mức cao. Bệnh này cần khắc phục. Có như thế nào thì đánh lại đúng thực trạng như vậy. Nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ nhàm trong thi đua khen thưởng. Nơi nơi có huân chương, người người có bằng khen thì thi đua khen thưởng không còn mang ý nghĩa tốt đẹp.
- Theo ông, tại sao để xảy ra tình trạng khai man trong thi đua khen thưởng?
 ĐB Lê Như Tiến: Có thể do dễ dãi trong thi đua khen thưởng đó là 1 yếu tố, tin vào các báo cáo quá, có hiện tượng ở đâu đó chạy chọt để được danh hiệu. Đây là vấn đề cần ngăn chặn vì chỉ có những thành tích thật mới có danh hiệu thật, nếu thành tích giả mà có danh hiệu thật thì thi đua khen thưởng mất tác dụng.
- Xin cám ơn ông!

Đọc thêm