ĐBSCL: Phát triển hệ thống đô thị, nông thôn thích ứng với biến đổi khí hậu

(PLVN) - Hiện nay, vùng đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ đô thị hóa thấp hơn trung bình của cả nước, toàn vùng chỉ đạt trên 30% trong khi đó cả nước đạt khoảng 40% (năm 2020). Để tìm ra nguyên nhân và hướng đi đúng cho toàn vùng, vừa qua Bộ Xây dựng phối hợp với Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức tại Việt Nam (GIZ) tổ chức Hội thảo “Định hướng phát triển hệ thống đô thị, nông thôn tại vùng đồng bằng sông Cửu Long”.

Hệ thống đô thị vùng ĐBSCL được xây dựng theo cấu trúc mạng lưới

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Thanh Nghị cho biết, hệ thống đô thị trong vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ từng bước được xây dựng theo cấu trúc mạng lưới phù hợp với điều kiện địa lý, sinh thái tự nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu. Các đô thị trung tâm sẽ được tổ chức phân bố để trở thành hạt nhân, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của từng tỉnh, trên toàn vùng và góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng tại biên giới Tây Nam tổ quốc.

Đồng thời, hướng tới mục tiêu phát triển vùng ĐBSCL theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, trở thành vùng trọng điểm quốc gia về sản xuất nông nghiệp và đánh bắt, nuôi trồng thủy sản cũng như nền kinh tế biển, du lịch sinh thái và cảnh quan sông nước. Tập trung xây dựng không gian vùng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, mang đặc thù riêng nhằm phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo vệ môi trường cảnh quan sinh thái đặc trưng của vùng hạ lưu sông Mê kông.

TP Cần Thơ giữ vai trò là đô thị hạt nhân, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của toàn vùng ĐBSCL.

TP Cần Thơ giữ vai trò là đô thị hạt nhân, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của toàn vùng ĐBSCL.

Tuy nhiên, các ý kiến tại Hội thảo cũng chỉ ra công tác triển khai quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL vẫn còn chậm và nhiều thách thức. Đó là, nền kinh tế có khả năng cạnh tranh thấp, thu nhập bình quân đầu người chưa ngang tầm quốc gia, chưa tạo đủ việc làm. Nông nghiệp phát triển chưa hiện đại, còn rủi ro và thiếu bền vững, chưa khai thác được tiềm năng đất đai và cảnh quan độc đáo.

Tỷ lệ đô thị hóa và tốc độ đô thị hóa của vùng vẫn còn thấp hơn so với trung bình cả nước, tính đến năm 2020 chỉ đạt trên 30% (cả nước khoảng 40%), hệ thống cơ sở hạ tầng vẫn còn yếu và thiếu đồng bộ. Bên cạnh đó, việc thu gom, xử lý nước thải và chất thải rắn chưa có nhiều chuyển biến, đa phần vẫn còn sử dụng công nghệ lạc hậu. Công tác dự báo, đánh giá chính xác tác động thiên tai, biến đổi khí hậu còn nhiều hạn chế.

Tìm kiếm giải pháp đột phá phát triển hệ thống đô thị, nông thôn của ĐBSCL

Theo ý kiến của Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, vùng ĐBSCL có thể làm giàu bằng một nền nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo hướng công nghiệp hóa, thương mại hóa, nâng cao chất lượng đời sống đô thị và nông thôn.

Phát triển sản xuất công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản và thực phẩm theo hướng gắn với vùng sản xuất nguyên liệu, tiếp tục đầu tư chiều sâu cho các nhà máy chế biến hiện có, mở rộng sản xuất những sản phẩm tinh chế để nâng cao giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghiệp, gắn với mở rộng thị trường tiêu thụ. Xây dựng các chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại và phát triển thương hiệu nông sản của vùng. Phát triển du lịch gắn với các đặc thù tự nhiên về sông nước, biển, rừng và các vùng sinh thái.

Nền nông nghiệp của vùng đang từng bước hiện đại hóa góp phần phát triển kinh tế và hệ thống đô thị, nông thôn.

Nền nông nghiệp của vùng đang từng bước hiện đại hóa góp phần phát triển kinh tế và hệ thống đô thị, nông thôn.  

Chuyên gia của Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) đã đề ra những định hướng xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cấp, thoát nước và xử lý nước thải, chất thải rắn trong bối cảnh mới cho vùng. Cụ thể, hiện tại, trong vùng có 2 khu xử lý chất thải rắn cấp vùng đang được quy hoạch, đồng thời một số tỉnh thành cũng đã tiến hành đầu tư các hệ thống thu gom, xử lý nước thải từ nguồn vốn ODA.

Trong tương lai, cần tổ chức nghiên cứu, điều chỉnh các quy hoạch giao thông, cấp, thoát nước... tại các vùng kinh tế trọng điểm và lưu vực sông nhằm góp phần bảo vệ, sử dụng hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên nước. Cân đối bố trí đủ nguồn lực đầu tư cho các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, đặc biệt là các công trình hạ tầng kỹ thuật trọng điểm tại các đô thị lớn. Thực hiện các giải pháp trữ nước, bảo vệ nguồn nước, đảm bảo an toàn nước sạch cho vùng hạ lưu sông Mê Kông.

Bên cạnh đó, Vụ Quy hoạch – Kiến trúc (Bộ Xây dựng) đề xuất 6 tiểu vùng sinh thái nông nghiệp của vùng ĐBSCL (gồm: tiểu vùng Đồng Tháp Mười, tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên, tiểu vùng dọc sông Tiền - sông Hậu, tiểu vùng Tây sông Hậu…) cần phát triển dựa trên mục tiêu trọng tâm phát triển nông nghiệp đa dạng và chuyên môn hóa cao, công nghiệp hóa và thương mại hóa theo thế mạnh của từng tiểu vùng.

Đồng thời phát triển vùng ĐBSCL theo không gian mô hình đa trung tâm với quy mô các đô thị trung bình. Tập trung xây dựng các hệ thống đô thị trong vùng theo tầng bậc, làm cơ sở hình thành các trung tâm thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Phát triển theo mô hình đô thị nén, tập trung quy mô lớn và trên diện rộng; hạn chế mở rộng các vùng đô thị hóa liên tục tại các vùng ngập sâu, vùng giữa đồng bằng và vùng ven biển.

Thiết lập không gian dành cho nước (trữ nước, điều tiết nước, thấm nước) theo tầng bậc địa hình trong phạm vi cấp vùng và đô thị. Phát triển đồng bộ hệ thống giao thông thủy - bộ và bảo vệ các vùng sinh thái tự nhiên đặc trưng gắn với chuyển đổi vùng sản xuất nông nghiệp và bảo vệ tài nguyên nước trong vùng.

"Những ý kiến, đóng góp của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu tại Hội thảo sẽ làm tiền đề quan trọng để Bộ Xây dựng và các Bộ ngành liên quan xây dựng và hoàn thiện hệ thống quy hoạch quốc gia. Đồng thời, hoàn thiện các cơ chế chính sách trong lĩnh vực quy hoạch xây dựng, phát triển hệ thống đô thị, nông thôn của vùng ĐBSCL trong thời gian tới" - Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định.

Đọc thêm