Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, việc giảm xả từ các thủy điện Trung Quốc với thời gian kéo dài 20 ngày sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh ĐBSCL vào cuối tháng 1 và đầu tháng 2, đúng dịp Tết Nguyên đán. Ðộ mặn 4g/l có thể xâm nhập vào sâu trên dòng chính, các cửa sông Cửu Long 50 đến 70 km và 85 đến 95 km trên sông Vàm Cỏ… Trước tình trạng này, các tỉnh ĐBSCL đã chủ động sử dụng các biện pháp phòng chống hạn, mặn ngay từ bây giờ để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân dịp Tết 2021.
|
Ông Trần Văn Dũng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang phất cờ khởi động những cột thép đầu tiên trên kênh Nguyễn Tấn Thành |
Tại Tiền Giang, Nguyễn Thiện Pháp – Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết, tình hình nước mặn xâm lấn vào sông Tiền tăng nhanh một cách bất thường. Để ứng phó với tình trạng xâm nhập mặn nhanh bất thường, Tiền Giang đã nhanh chóng triển khai đắp 8 đập ngăn mặn, trữ ngọt trên các tuyến kênh, rạch gồm: Nguyễn Tấn Thành, Ông Hồ, Cầu Sao, rạch Me, Mỹ Long, Chín Tương, Bà Trà, Ông Mười trước Tết Nguyên đán 2021.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNN Tiền Giang – ông Ưng Hồng Nghi thông tin thêm, việc quyết định cho đắp 8 đập đảm bảo tính đồng bộ, nhằm bảo vệ nguồn nước sinh hoạt cho khoảng 1,1 triệu dân trên địa bàn 2 tỉnh Tiền Giang và Long An, trong đó địa bàn tỉnh Tiền Giang là khoảng 800 ngàn hộ dân, phía Long An là khoảng 300 ngàn hộ dân.
Đồng thời, đảm bảo ngăn mặn từ sông Tiền vào khu vực nội đồng của Dự án Bảo Định và một số huyện phía Tây của Tiền Giang. Theo kế hoạch, các đơn vị thi công sẽ cố gắng hoàn thành đắp các đập trước Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Bên cạnh đó, Tiền Giang cũng đã chỉ đạo các sở, ngành địa phương khoan 16 giếng khoan để lấy nước ngọt khi cần thiết.
|
Bến Tre đầu tư các cống, đập, đê bao nhằm phát huy hiệu quả ngăn mặn, trữ ngọt |
Về phía tỉnh Bến Tre, lãnh đạo tỉnh đã chủ động phát động nhân dân trữ nước mưa, nước ngọt và thực hiện các giải pháp công trình ngăn mặn. Ðến nay, các cống ngăn mặn như Trung Nhuận, Xẻo Rắn, cống Cây Da và cống Trục kênh 418 đã được thi công hoàn thành có thể khép kín, bảo vệ được cánh đồng 12.000ha ở huyện Giồng Trôm và một phần của huyện Ba Tri. Bên cạnh đó, một số cống ngăn mặn ở An Hiệp, Sơn Ðông đã thi công xong và sẵn sàng khép kín khi hạn mặn đến.
Nhằm đảm bảo nguồn nước cho người dân, nhất là trong dịp Tết sắp tới và mùa hạn, mặn năm 2020-2021, các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Cà Mau,… cũng đã chủ động triển khai đê bao khép kín kết hợp hoàn thiện các công trình cống, đập; huy động nguồn vốn để xây dựng các trạm cấp nước tập trung để cấp nước sạch cho người dân; hạn chế tình trạng khoan giếng tự phát, góp phần bảo vệ nguồn nước ngầm…