Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao: Giải pháp nhân rộng các mô hình thí điểm thành công

(PLVN) - Tại TP Cần Thơ, Hiệp Hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam vừa tổ chức Diễn đàn Giải pháp nhân rộng các mô hình thí điểm thành công của Đề án phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030.
Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao đang triển khai 7 mô hình thí điểm. (Ảnh: Nhật Hạ)

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao được Bộ NN&PTNT phối hợp các địa phương, tổ chức, DN triển khai 7 mô hình thí điểm tại 5 tỉnh, thành vùng ĐBSCL là Đồng Tháp, Kiên Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh. Bước đầu, kết quả từ các mô hình thí điểm này đã mang lại hiệu quả cao, tăng lợi nhuận cho nông dân và giảm phát thải trong sản xuất lúa.

Ông Lê Thanh Tùng, Cục phó Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho rằng, khi nông dân vào cuộc tích cực cùng sự chung tay của DN và các cấp chính quyền đang cho thấy nhiều tín hiệu tốt. Ông Tùng nhận xét: "Lúa gạo Việt Nam không thua kém chất lượng so với bất cứ nước nào, song giá trị chưa được nâng cao. Việt Nam đang ở mức phát thải 0,9%, tức là cao hơn các nước Đông Nam Á như Philippines, Thái Lan...".

Để mở rộng diện tích thực hiện Đề án, theo ông Tùng, đòi hỏi các địa phương tham gia cần thống nhất thực hiện đúng quy trình canh tác đã được áp dụng triển khai tại 7 mô hình thí điểm vừa qua và sự tham gia liên kết của DN, định hướng tiêu thụ lúa gạo.

"Việc nhân rộng diện tích canh tác lúa tham gia đề án cũng phải đi theo lộ trình, cần phải tính toán dựa trên năng lực, tài chính hợp tác xã, DN. Phân vùng DN đảm nhận từng cụm nhỏ, để DN kiểm soát được chất lượng lúa, gạo ổn định và định hình thương hiệu cho DN", ông Tùng nêu ý kiến.

Ông Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn nhìn nhận việc phát triển HTX là nền tảng cốt lõi để thực hiện thành công Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Việc gia tăng số lượng thành viên HTX sẽ là hướng đi trong thời gian tới giúp mở rộng diện tích sản xuất, đồng thời tạo điều kiện để áp dụng cơ giới hóa và các công nghệ hiện đại trong nông nghiệp.

Hiện tại, 1 HTX trung bình ở ĐBSCL chỉ có khoảng 80 thành viên, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 200 thành viên của cả nước và con số 1.500 thành viên tại Thái Lan. Ông Hải đề xuất việc xây dựng các HTX vừa (50 - 100 thành viên) không chỉ phù hợp yêu cầu của Luật HTX 2023 mà còn giúp nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường.

Khi HTX trở thành các tổ chức vững mạnh, có khả năng quản lý hiệu quả và đáp ứng nhu cầu thị trường, sẽ phát huy vai trò cốt lõi trong nền kinh tế nông thôn hiện đại. Cần có những HTX đủ mạnh để phát triển chuỗi giá trị, tạo ra sản phẩm chất lượng, góp phần nâng cao đời sống thành viên và cải thiện hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Ngoài ra, Nhà nước và các tổ chức tài chính cần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc liên kết giữa HTX và DN. Việc hỗ trợ vốn, giảm lãi suất và các chính sách ưu đãi khác sẽ khuyến khích các DN hợp tác với HTX để mở rộng quy mô sản xuất. Đơn cử, UBND Cần Thơ đã chỉ đạo Sở NN&PTNT tham mưu để có thể đưa ra các chính sách hỗ trợ lãi suất cho các HTX, nông dân ở vùng Đề án.

Ông Hải cũng đề xuất ngân hàng nên linh hoạt trong việc giải ngân, có thể cho vay thông qua DN liên kết hoặc các tổ chức trung gian đại diện cho nông dân. Đây là hình thức thế chấp theo chuỗi, giúp giảm thiểu rủi ro và tăng cường hiệu quả sử dụng vốn.

Đọc thêm