Chủ trương tạo điều kiện thuận lợi
Theo báo cáo của UBND Thừa Thiên-Huế, Quần thể Di tích cố đô Huế là tài sản vô giá của quốc gia, được UNESCO công nhận di sản văn hóa của nhân loại, mặc dù đã được tập trung đầu tư bảo tồn, tu bổ, phục hồi đồng bộ trong thời gian qua nhưng đến nay vẫn còn nhiều công trình, hạng mục xuống cấp nghiêm trọng.
Quá trình di dân trong thời gian chiến tranh (1945-1975), cùng với quá trình đô thị hóa, sự gia tăng dân số hàng năm tạo áp lực lớn lên vùng bảo vệ di tích, trong đó khu vực 1 di tích Kinh thành Huế đang có khoảng 4.201 hộ dân sinh sống.
Do sống trong khu vực 1 di tích không được nâng cấp, tu sửa công trình, cùng với diện tích chật hẹp, địa hình dốc hẹp, đi lại khó khăn, người dân trong khu vực nghèo khó sống trong những căn nhà tạm bợ, chật hẹp, các điều kiện về vệ sinh, môi trường không bảo đảm, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe nhân dân và mỹ quan đô thị, xâm phạm nghiêm trọng di tích. Ngoài ra, rất đông dân cư sinh sống trên các di tích đã thải nhiều chất thải sinh hoạt làm mất vệ sinh và làm cho di tích nhanh chống xuống cấp, cấp thiết cần được di dời.
Do đó, Thừa Thiên-Huế lập đề án “Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 hệ thống di tích Kinh thành Huế thuộc Quần thể di tích cố đô Huế”. Trong đó, giai đoạn 1 (2019-2021), dự kiến di dời 2.938 hộ với gần 11.000 nhân khẩu. Tại cuộc làm việc, tỉnh cũng trình Khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thực hiện di dời dân cư, giải phóng mặt bằng tại khu vực 1 Kinh thành Huế.
Theo đó, kinh phí thực hiện di dời vào khoảng 1.880 tỷ đồng trong giai đoạn 1 và 855 tỷ đồng cho giai đoạn 2 (2022-2025). Tỉnh kiến nghị Trung ương hỗ trợ vốn, cho phép áp dụng khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đặc thù cũng như nêu một số đề xuất khác.
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nỗ lực của lãnh đạo Thừa Thiên-Huế. “Các đồng chí rất chủ động, tích cực, trách nhiệm trong việc trùng tu, tôn tạo, giữ gìn di tích Kinh thành Huế. Các đồng chí đã làm liên tục trong mấy chục năm qua. Đây là cố gắng rất lớn của các thế hệ người dân Huế cũng như Đảng bộ, chính quyền ở đây”.
Theo Thủ tướng, việc bảo vệ di tích Kinh thành Huế, di sản văn hóa thế giới, là di sản quốc gia đặc biệt, theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị là nhiệm vụ của các cấp, các ngành, trước hết là trách nhiệm của Thừa Thiên-Huế.
Trước mắt, Thủ tướng cho rằng, cần tập trung di dời dân cư trong khu vực 1 với 2.938 hộ.Thủ tướng lưu ý, Thừa Thiên Huế phải dành đất đai có vị trí thuận lợi cho người dân tái định cư, “để họ không phải đi quá xa Kinh thành Huế và tiếp tục sinh sống bằng nghề nghiệp cũ”.
Tỉnh cần làm tốt công tác vận động dân cư. Về nguồn vốn thực hiện đề án, Thủ tướng giao Bộ Tài chính làm việc với tỉnh Thừa Thiên-Huế để sử dụng một phần tiền bán vé tham quan di tích Cố đô Huế- khoảng gần 400 tỉ đồng mỗi năm; cùng với một số nguồn hỗ trợ khác để trùng tu di tích quốc gia đặc biệt này theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, tỉnh cũng cần tích cực xã hội hóa nguồn lực thông qua đấu giá quyền sử dụng đất; công khai, minh bạch ở khu vực tái định cư để thực hiện đề án này.
Chính quyền và nhân dân phấn khởi
Tham dự buổi làm việc trên, phía tỉnh Thừa Thiên - Huế có Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Ngọc Thọ cùng đại diện các sở, ban, ngành liên quan.
Ông Phan Ngọc Thọ cho biết, đây có thể xem là cuộc di dân lịch sử lần đầu tiên của tỉnh Thừa Thiên - Huế và có những thuận lợi lớn do người dân hết sức đồng tình, ủng hộ, mới đây lại được Chính phủ quan tâm. Chính quyền địa phương chúng tôi đã sẵn sàng.
Không giấu niềm vui, ông Phan Thanh Hải (Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế) là đơn vị lập đề án di dời dân cư này cho biết, đề án nhằm hai mục đích: ổn định cuộc sống người dân và bảo tồn nguyên vẹn di tích. Nếu di dời dân xong thì khu di tích Kinh thành Huế thật sự được trả lại tính nguyên vẹn, không chỉ làm khang trang bộ mặt đô thị mà còn giải phóng một nguồn tài sản văn hóa cực lớn, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn.
Còn theo Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế, khu tái định cư cho dự án này có diện tích 73ha tại phường Hương Sơ, gồm có nhà chung cư và đất nền. Sẽ bắt đầu xây vào đầu năm 2019, nếu thuận tiện thì xây xong sẽ di dời dân. Sau nhiều năm chờ đợi, người dân sống ở khu vực 1 di tích Kinh thành Huế vui mừng trước thông tin Thủ tướng khẳng định sẽ hỗ trợ tối đa cho Thừa Thiên - Huế triển khai Đề án giải tỏa di tích Kinh thành Huế.
Ông Trần Lượng (77 tuổi, ngụ tổ dân phố 14, phường Thuận Lộc) kể, ông quê ở xã Vinh Thanh, huyện Phú Vang lên TP Huế bán bánh mì. Đến năm 1967, ông lấy vợ rồi ở khu thượng thành. “Cách đây chừng 10 năm, chính quyền có nói sẽ di dời chúng tôi qua khu tái định cư nhưng ngóng mãi vẫn không thấy. Nhưng mới đây khi xem vô tuyến, biết được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với chính quyền Huế và hứa sẽ tạo điều kiện thuận lợi, điều này khiến tôi rất mừng. Chỉ cần có “lệnh”, dân chúng tôi sẽ “đi liền” chứ ở đây môi trường ô nhiễm, thiếu thốn đủ bề”.