Có chủ trương từ 12 năm trước, đến nay đề án giãn dân phố cổ Hà Nội mới hoàn thiện cơ bản trình các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt. Nhưng chiều qua , thảo luận về đề án này, dù đồng tình cần nhanh chóng thực hiện nhưng không ít ý kiến vẫn băn khoăn…
Phá tình trạng “chen chúc”
Khu phố cổ Hà Nội hiện có diện tích khoảng 81ha nằm trên địa bàn 10 phường thuộc quận Hoàn Kiếm, là một khu di sản quốc gia có giá trị về kiến trúc, văn hóa, lịch sử đặc trưng của Hà Nội. Với vị trí “đắc địa”, nằm ở trung tâm Thủ đô, Khu phố cổ còn được mệnh danh là một “khu đất vàng” bởi không chỉ từ giá trị kinh tế khổng lồ, cơ hội kinh doanh có thể có được mà còn bởi sự đông đúc của dân cư.
Kết quả khảo sát, đánh giá về môi trường sống đô thị khu phố cổ Hà Nội của Sở KH&ĐT TP cho thấy, tình trạng quá tải, xuống cấp trầm trọng diễn ra ở khắp các hệ thống hạ tầng kỹ thuật, các công trình hạ tầng xã hội, các kiến trúc và công trình phố cổ, môi trường.
|
Nguyên nhân chính được chỉ ra là số lượng dân cư đang trong tình trạng “chen chúc” ở đây, với mật độ khoảng 823 người/ha - rất cao so với yêu cầu của qui hoạch khống chế đến năm 2020 là 500 người/ha.
Khu đô thị mới Việt Hưng có quỹ đất khoảng 11,12 ha, trong đó, dự kiến di chuyển khoảng 780 hộ dân sống trong các di tích, công sở, trường họ từ quý I/2012, tiếp sau di chuyển 1.020 hộ dân là các hộ đồng ý di chuyển từ quý III/2013. Toàn bộ Đề án theo ước tính nhu cầu đất giãn dân cho đề án giãn dân phố cổ khoảng 40,6ha. Nên cần bổ sung chỉ tiêu khoảng 29,34 ha). |
Để từng bước cải thiện chất lượng môi trường sống và môi trường xã hội cho người dân, giảm mật độ dân cư theo qui hoạch chung trên địa bàn TP, cũng như thực hiện mục tiêu bảo tồn các giá trị di sản vật thể của Khu phố cổ, dự kiến phải di chuyển 26.200 người dân (tương đương 6.550 hộ gia đình).
Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Vũ Văn Viện cho biết, đề án giãn dân khu phố cổ được chia thành nhiều giai đoạn. Trong giai đoạn 1 (đến quý III/2013), dự kiến sẽ di chuyển khoảng 1.800 hộ gia đình với 7.200 dân đang sống trong các di tích, trường học, công sở, số nhà đông hộ và các hộ dân tự nguyện di chuyển sang định cư tại khu đô thị giãn dân Việt Hưng.
Tính “kế” chặn… tăng dân
Đó là một trong những mối quan tâm khi thảo luận về Đề án giãn dân phố cổ. Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Quốc Tuấn nhấn mạnh, “một nhà chuyển ra nhưng 3-4 hộ khác chuyển vào thì không thể thực hiện được”, nên phải “quan tâm đến vấn đề hộ tịch sau khi giãn dân theo hướng không cho tăng thì mới thực sự là giảm tải”.
Hiện dự thảo Đề án chưa đề cập đến biện pháp ổn định mật độ dân số ở khu vực phố cổ, đảm bảo mục tiêu 500 người/ha (40.460 dân). Bởi theo ông Viện, cơ chế kiểm soát dân trở lại chưa rõ vì pháp luật cũng chưa có những qui định cụ thể.
Thừa nhận kiểm soát tăng dân số trở lại là khó nên Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết: “Nếu Đề án được phê duyệt thì cũng cần 1-2 năm để hoàn thiện các dự án nhà tài định cư tại Việt Hưng. Trong thời gian đó, vấn đề kiểm soát tăng dân số trở lại sẽ tiếp tục được nghiên cứu cho phù hợp với qui định thời điểm đó. Hiện còn phải chờ”.
Cũng quan tâm vấn đề “chống tái tăng dân số”, Giám đốc Sở Tài chính TP Nguyễn Thị Hà Ninh cho rằng, cần đưa ra được mô hình dân số và kiến trúc của khu phố cổ để người dân thấy “hình hài phố cổ sẽ được bảo vệ như thế nào và lợi ích sau khi giãn dân”. Nhưng biện pháp trước mắt để kiểm soát dân số khu vực phố cổ sau khi giãn dân được khẳng định là, đối với những hộ đã giãn dân thì không cho tái xây dựng và buộc phải phá dỡ.
Được ưu đãi nhà ở
Việc di chuyển hàng chục nghìn dân ra khỏi trung tâm TP sẽ liên quan đến vấn đề tái định cư cho họ. Quỹ đất bổ sung để giãn dân được đề xuất là quỹ đất 20% ở các dự án của các nhà đầu tư, chủ yếu ở khu đô thị Việt Hưng. Ông Tuấn cũng đề xuất, một số địa bàn khác trên TP có quỹ đất 20% trong các khu đô thị hoàn chỉnh có thể sử dụng để xây dựng khu giãn dân như Nam Trung Yên, không nhất thiết đưa tất cả sang Việt Hưng.
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi lưu ý, cần ưu tiên cho những hộ gia đình tình nguyện di chuyển “có thể được chọn vị trí đẹp khi ở nhà tái định cư” và “không ngại huy động các nguồn lực, quan trọng là cân đối để đạt hiệu quả về kinh tế, kỹ thuật, xã hội, tiết kiệm, hiệu quả nhưng vẫn đạt mục tiêu của đề án”. Quận Hoàn Kiếm cũng áp dụng chính sách để nhà đầu tư cho các dự án tái định cư nhà cho người dân phố cổ phải di chuyển sẽ được 10% lãi trong giá thành và được 10% quỹ nhà để kinh doanh. Những hộ có hoàn cảnh khó khăn, tự nguyện di chuyển sẽ được áp dụng chính sách mua nhà ở xã hội; thậm chí có thể áp dụng chính sách bán nhà trả góp nhưng “phải tránh tình trạng “gò” 2 đầu nghĩa là người dân không chịu di chuyển nhưng vẫn giữ tiêu chuẩn tái định cư” – bà Ninh nhấn mạnh.
Hiện Sở QHKT TP triển khai khớp nối hạ tầng kỹ thuật và qui hoạch kiến thiết dọc đường Ngô Gia Tự để hoàn thiện, dự kiến hoàn tất qui hoạch khu tái định cư cho đề án (giai đoạn 1), trình UBND trước ngày 20/7.
H.Giang