Chiều qua, sau khi nghe các Bộ trưởng Bộ Công an, Tư pháp, Viện trưởng VKSNDTC, Chánh án TANDTC trình bày Tờ trình và các báo cáo thẩm tra, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về các nội dung nêu trên.
Chống tham nhũng bằng công khai tài sản
Trước khi diễn ra phiên thảo luận, Chính phủ đã gửi đến các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) báo cáo công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) năm 2010.
Đồng tình với nhiều nội dung trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp nhưng ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) cho rằng: Chính phủ thì lạc quan với tình hình PCTN nhưng thực tế cũng như dư luận lại rất …quan ngại, nhất là về tính chất phức tạp và thủ đoạn ngày càng tinh vi của tham nhũng.
“Quốc hội cần nhanh chóng sửa luật PCTN. Nên công khai tài sản chứ không chỉ là kê khai. Có như vậy thì dân chúng mới biết được ông có bao nhiêu tài sản và nguồn gốc tài sản đó thế nào”, ông Xuân nói và đề nghị phải có chiến lược cụ thể về tham nhũng.
ĐB Đặng Văn Sướng (Long An) sau khi dẫn chứng về những con số điều tra, truy tố xét xử với án tham nhũng (đều giảm) cho rằng “con số thì “rất đẹp” nhưng băn khoăn: “Tại sao một số địa phương phát hiện, xử lý ít, thậm chí có địa phương không có vụ nào” và đặt câu hỏi “liệu tình hình có tốt đẹp như vậy không?”.
“Cần phải nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị về PCTN, đừng để nhân dân, cán bộ thờ ơ với tham nhũng, chủ động phải “phòng” từ cơ sở, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu” -ĐB Đặng Văn Sướng nói và kiên quyết: Tham nhũng phát hiện rồi phải xử lý nghiêm, cho án treo nhiều là không nghiêm. Còn ĐB Lê Văn Tâm (Cần Thơ) cũng “chưa thể yên tâm với con số về PCTN, trong nhiều công trình vừa làm xong đã xuống cấp. Nếu không tham nhũng thì nó đi đâu”
Lấy phòng là chính
Báo cáo về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, Chính phủ cho biết, tội phạm hình sự đã giảm hơn 7% so với 2009, nhưng con số này vẫn chưa làm yên tâm các ĐBQH khi mà thời gian qua xảy ra nhiều vụ trọng án, rồi tội phạm chống người thi hành công vụ gia tăng…
ĐB Trần Thị Dung (Điện Biên) cho rằng, việc quản lý thiếu chặt chẽ trong một số lĩnh vực dẫn đến vi phạm pháp luật tăng. ĐB Dung dẫn chứng, game online là “nguồn cơn” của các vụ bạo lực học đường, phạm tội có tổ chức; đáng lo ngại nhất là tội phạm ở lứa tuổi học sinh, sinh viên, thậm chí tuổi vị thành niên.
Đồng tình với ĐB Dung, ĐB Nguyễn Thanh Toàn (Thừa Thiên Huế) cho rằng, công tác phòng ngừa hiện nay còn yếu, bên cạnh trách nhiệm của lực lượng nòng cốt (Công an) phải huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội, gia đình, nhà trường …trong phòng chống tội phạm.
ĐB Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh) nói hiện nay, đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ tội phạm. “Tôi đồng tình với các nguyên nhân mà Chính phủ và cơ quan thẩm tra chỉ ra song còn một nguyên nhân khác ảnh hưởng không nhỏ đến công tác đấu tranh phòng chống tội phạm là pháp luật của chúng ta hiện thiếu đồng bộ, nhiều quy định chậm sửa đổi”, ĐB này đề nghị cần nhanh chóng sửa đổi các quy định này và nâng cao năng lực của các cơ quan tư pháp.
ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Bình) đề cao công tác “phòng hơn chữa” và lấy ví dụ từ vấn đề tai nạn giao thông hiện nay. “ Phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để giảm thiểu. Mức phạt với các hành vi vi phạm của ta hiện nay quá thấp, tôi đề nghị cần tăng mức xử phạt để răn đe, giáo dục” .
Chia sẻ với những khó khăn của các cơ quan tư pháp trong yêu cầu đấu tranh về phòng chống tội phạm, nhiều ĐB đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm cải thiện chế độ đãi ngộ cho các cán bộ công tác trong các cơ quan pháp luật để đảm bảo “giữ chân” người tài…
T. Hằng - H.Giang