Đề cao tính chủ động trong công khai thông tin cho người dân

(PLO) - Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong tiếp cận thông tin, các cơ quan nhà nước cần tăng cường trách nhiệm và đề cao tính chủ động trong việc công khai các thông tin, từ đó góp phần giảm tải các thủ tục hành chính và chi phí cho người dân. Đó là một trong những nội dung quan trọng của Luật Tiếp cận thông tin có hiệu lực thi hành từ hôm nay - 01/7. 

Bên cạnh Luật Tiếp cận thông tin, hiện nay còn nhiều văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) khác quy định về trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong từng lĩnh vực riêng, có trách nhiệm công bố, công khai thông tin như Luật Báo chí, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Ban hành VBQPPL… Ngoài ra, còn có các VBQPPL chuyên ngành liệt kê các thông tin được tiếp cận trong từng lĩnh vực cụ thể như Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Quy hoạch đô thị… Về cơ bản, hầu hết các thông tin cơ quan nhà nước phải công khai đã được pháp điển hóa trong quy định của Luật Tiếp cận thông tin nhưng vẫn còn có những trường hợp riêng, đặc biệt mà Luật này chưa bao quát hết được.

Do đó, để thực hiện đầy đủ trách nhiệm cung cấp thông tin, việc rà soát các quy định có liên quan đến trách nhiệm của cơ quan trong việc công khai cần được thực hiện bởi đơn vị làm đầu mối cung cấp thông tin để tránh tình trạng bỏ sót nhiệm vụ. Việc rà soát các thông tin phải được công khai theo quy định của các VBQPPL khác được thực hiện phù hợp với đặc thù của từng cơ quan nhà nước. Theo đó, đối với thông tin phải được công khai theo quy định của các luật khác thì phải tuân thủ hình thức và trình tự, thủ tục công khai theo quy định của các luật đó. Trong trường hợp các luật khác không có quy định về hình thức, trình tự, thủ tục công khai thông tin thì có thể áp dụng các quy định của Luật Tiếp cận thông tin.

Ngoài ra, nhằm tăng cường trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc chủ động công khai các thông tin, từ đó sẽ giảm tải việc cung cấp thông tin theo yêu cầu của công dân, giảm chi phí hành chính cũng như chi phí tiếp cận thông tin cho người dân, Luật Tiếp cận thông tin cũng đã có quy định cụ thể. Theo đó, ngoài danh sách các thông tin phải công khai theo quy định tại khoản 1 Điều 7 của Luật, căn cứ vào điều kiện thực tế, cơ quan nhà nước chủ động công khai thông tin khác do mình tạo ra hoặc nắm giữ. Đó có thể là thông tin được nhiều người quan tâm trên thực tế như thông tin được nhiều người yêu cầu cung cấp; thông tin liên quan đến chế độ, chính sách mới dự kiến có tác động rộng đến người dân; thông tin hữu ích tới cuộc sống thường ngày hoặc những vấn đề thời sự người dân quan tâm…

Ngoài các hình thức công khai thông tin được quy định cụ thể tại Luật Tiếp cận thông tin, cơ quan nhà nước được phép căn cứ vào điều kiện thực tế để công khai thông tin thông qua các hình thức khác nhằm đảm bảo thuận lợi cho công dân trong việc tìm kiếm, khai thác và sử dụng thông tin như đăng tải trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử, niêm yết tại trụ sở… để người dân tiếp cận.

Một trong những biện pháp tạo điều kiện để người ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn có thể tiếp cận thông tin là đa dạng hóa và sử dụng linh hoạt các hình thức cung cấp thông tin. Theo đó, cơ quan cung cấp thông tin có thể xây dựng tài liệu chuyên đề, tờ rơi, ấn phẩm; trong trường hợp cần thiết và khả thi, có thể chuyển tải tài liệu bằng ngôn ngữ dân tộc, tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt cộng đồng để chia sẻ thông tin cho công dân. Ngoài ra, có thể tổ chức các buổi chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động cung cấp thông tin cho các khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; lồng ghép hoạt động cung cấp thông tin trong các sự kiện văn hóa, chính trị của cơ quan, địa phương.

Đọc thêm