Để chợ không bị “bà hỏa” tấn công

Chợ và trung tâm thương mại luôn là nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ, bởi lượng hàng hóa buôn bán tại các gian hàng bố trí liên hoàn, nhiều loại rất dễ bắt cháy khi gặp lửa.

Chợ và trung tâm thương mại luôn là nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ, bởi lượng hàng hóa buôn bán tại các gian hàng bố trí liên hoàn, nhiều loại rất dễ bắt cháy khi gặp lửa.

Thao tác diễn tập giả định tình huống cháy được lực lượng PCCC chợ Hàn thực hiện hằng tuần tại các ki-ốt.

Thao tác diễn tập giả định tình huống cháy được lực lượng PCCC chợ Hàn thực hiện hằng tuần tại các ki-ốt. 

Bên cạnh đó, nhiều chợ xây dựng từ lâu, nay đã xuống cấp nên tình trạng chập điện, phát tia lửa điện gây cháy nổ luôn rình rập. Còn nhớ, cách đây khoảng 3 năm, một tiểu thương buôn bán hàng thực phẩm khô, hương đèn tại một chợ lớn thuộc khu vực trung tâm thành phố do bất cẩn thắp nhang cúng đã để cháy cả một gian hàng làm thiệt hại hàng chục triệu đồng. Không ít tiểu thương đến ngày rằm, mồng 1 vẫn cúng bái, thắp nhang đèn bừa bãi tại những khu vực rất dễ bắt cháy. Đây là điều mà Ban Quản lý các chợ cần phải tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý.

Trong số 5 chợ có quy mô lớn của thành phố Đà Nẵng là Trung tâm Thương nghiệp (chợ Cồn), chợ Hàn, chợ Đống Đa, chợ Mới, chợ Đầu mối, chỉ có một số ít chợ bảo đảm đủ tiêu chuẩn an toàn theo quy định về phòng cháy, chữa cháy của Bộ Công an. Còn có một số chợ hàng hóa bố trí không hợp lý, thiếu khoảng cách cần thiết về độ an toàn.

Trên thực tế, phần lớn các chợ tại Đà Nẵng đều thiếu chỗ để xe nên phải tận dụng vỉa hè, thậm chí bố trí sát cả khu vực kinh doanh những vật liệu dễ cháy... Một điều dễ nhận thấy là, trong khi diện tích các chợ không tăng thêm nhưng do buôn bán manh mún nên tình trạng cơi nới lấn chiếm diện tích xung quanh, che khuất tầm nhìn dễ dẫn đến nguy cơ chập điện, nhất là trong mùa khô. Đây là vấn đề đáng quan tâm của ngành chức năng.

Theo quy hoạch, đến năm 2010, Đà Nẵng sẽ có hơn 50 chợ và trung tâm thương mại. Tình trạng xuống cấp ở một số chợ là đáng báo động. Theo cơ quan chức năng, nguyên nhân cháy là do sử dụng điện và thiết bị điện không an toàn. Do đó, để ngăn chặn đến mức thấp nhất nguy cơ cháy nổ, cần xã hội hóa công tác phòng cháy chữa cháy, đồng thời xây dựng lực lượng chữa cháy bán chuyên nghiệp để có thể hỗ trợ kịp thời trong khi chờ lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đến.

Việc tiểu thương cùng hợp tác với Ban Quản lý chợ, đóng góp tiền để trang bị thêm các bình chữa cháy đặt gần gian hàng kinh doanh của mình đã tạo điều kiện tốt hơn cho việc bảo đảm an toàn cháy nổ. Cho đến thời điểm hiện tại, chợ Hàn là một trong những nơi thực hiện tốt chủ trương này. Bà Lê Thị Hoa, Phó Ban Quản lý chợ Hàn cho biết, nhờ vận động ý thức chấp hành quy định của tiểu thương nên trong những năm qua công tác PCCC tại chợ luôn bảo đảm.

Lực lượng bảo vệ chợ hằng tuần vào chiều thứ sáu đều tiến hành kiểm tra và thực hành cách thao tác chữa cháy. Hệ thống chữa cháy ở đây khá đồng bộ với 13 họng nước chờ, hơn 30 bình chữa cháy cầm tay và hệ thống nước phun được lắp đặt trên tầng thượng. Lực lượng chữa cháy được trang bị dụng cụ bảo hộ, ủng, găng tay, dây, thang leo... “Để bảo đảm an toàn hệ thống điện, chúng tôi đã lắp đặt đường dây điện mới và kiểm tra định kỳ theo quy định của cơ quan chức năng về an toàn lưới điện trong khu vực kinh doanh” - bà Hoa cho biết.

Ban Quản lý chợ Hàn đã nghiêm cấm tiểu thương thắp hương, đốt vàng mã trong chợ. Ngoài ra, 4-6 hộ kinh doanh liền kề đều được yêu cầu phải tự trang bị một bình chữa cháy dạng bọt để có thể hỗ trợ lẫn nhau khi xảy ra sự cố và trên mỗi bình có bảng hướng dẫn các thao tác chữa cháy. Thiết nghĩ, cách làm này của Ban Quản lý và tiểu thương chợ Hàn cần được nhân rộng nhiều chợ của thành phố nhằm hạn chế tối đa sự cố cháy nổ, gây thiệt hại về người và tài sản cho tiểu thương và xã hội.

Bài và ảnh: DIỆU MINH

Đọc thêm