Quyết tâm bứt phá trong năm 2025
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025 của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đặt ra mục tiêu tham vọng cho ngành Nông nghiệp Việt Nam trong năm 2025. Thủ tướng yêu cầu ngành phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP từ 3,5 - 4% và kim ngạch xuất khẩu 70 tỷ USD. Đây là những mục tiêu then chốt để góp phần vào tăng trưởng GDP quốc gia ít nhất 8% và phấn đấu đạt mức tăng trưởng hai con số.
Ngành Nông nghiệp năm 2024 đã ghi nhận những thành tựu đáng chú ý với tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3,3%, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt kỷ lục 62,5 tỷ USD và thặng dư thương mại 17,9 tỷ USD. Tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định ở mức 42,02%, số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 78,7%, và 58% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch. Các nỗ lực xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường tại các quốc gia lớn như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và EU đã mang lại kết quả khả quan. Đồng thời, lễ hội trái cây Việt Nam tại Bắc Kinh lần đầu tiên được tổ chức cũng mở ra nhiều cơ hội mới cho ngành.
Năm 2025, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh các đột phá chiến lược về phát triển thể chế, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực. Ngành cần tập trung ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, thúc đẩy kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn. Các giải pháp chiến lược bao gồm phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao, xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam và tăng cường liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ. Trong lĩnh vực ngoại giao nông nghiệp, ngành cần hợp tác sâu rộng với các quốc gia và tổ chức quốc tế nhằm đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu. Đặc biệt, nhiệm vụ tháo gỡ “thẻ vàng” của EC đối với hải sản là một trong những ưu tiên hàng đầu. Thủ tướng nhấn mạnh rằng, để hiện thực hóa các mục tiêu, ngành Nông nghiệp cần cải cách mạnh mẽ, loại bỏ các “điểm nghẽn”, tăng cường hợp tác giữa các bên liên quan và duy trì tinh thần quyết liệt. Thủ tướng tin tưởng rằng, với nền tảng sẵn có và sự nỗ lực đồng lòng, ngành sẽ đạt được những kết quả vượt mong đợi, đóng góp vào sự phát triển bền vững và thịnh vượng của đất nước.
Ngành Nông nghiệp cũng xác định năm 2025 là thời điểm quan trọng để tăng tốc và bứt phá, hoàn thành các mục tiêu trong Kế hoạch phát triển giai đoạn 2021 - 2025 và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Tư duy phát triển sẽ chuyển đổi mạnh mẽ từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang kinh tế nông nghiệp, với trọng tâm là xây dựng nông nghiệp sinh thái, bền vững và gắn kết với nông thôn mới hiện đại,… để gia tăng xuất khẩu, tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định EVFTA, CPTPP cho hàng nông sản Việt Nam.
Ngành đã xác định sáu nhiệm vụ trọng tâm: tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; phát triển mạnh thị trường tiêu thụ nông - lâm - thủy sản; tăng cường hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị toàn cầu; thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ cao, công nghệ sạch; thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; và phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thủy lợi và phòng, chống thiên tai.
Phát huy tiềm năng nội tại từ mỗi địa phương
Tiếp nối những thành công của năm 2024, các địa phương trên cả nước đặt mục tiêu đầy tham vọng, hướng tới một năm 2025 đột phá, mang lại một diện mạo mới cho ngành Nông nghiệp Việt Nam, thúc đẩy kinh tế địa phương và nâng cao đời sống người dân.
|
Ngành Nông nghiệp cũng xác định năm 2025 là thời điểm quan trọng. (Ảnh minh họa: Báo Long An) |
Điển hình, tại tỉnh Bình Định, năm 2024, ngành Nông nghiệp toàn tỉnh đạt được nhiều thành tựu nổi bật, tạo nền tảng vững chắc cho mục tiêu tăng trưởng GRDP từ 3,2 - 3,6% trong năm 2025. Cụ thể, với tốc độ tăng trưởng 3,04%, ngành trồng trọt ghi nhận năng suất vượt trội ở lúa (70,1 tạ/ha), đậu phộng (40,8 tạ/ha) và cây mì (283 tạ/ha). Các cây lâu năm như dừa, bưởi mở rộng diện tích, năng suất cao, giúp gia tăng thu nhập cho nông dân. Ngành chăn nuôi duy trì ổn định với hơn 10 triệu con gia súc, gia cầm. Giá thịt heo tăng mạnh (56.000 - 68.000 đồng/kg), cải thiện thu nhập cho người chăn nuôi; thị trường gia cầm cũng ổn định.
Năm 2025, Bình Định đặt mục tiêu sản lượng cây lương thực đạt 707.000 tấn, ưu tiên các cây trồng chủ lực như đậu phộng, dừa xiêm và cây ăn quả. Các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sẽ được phát triển nhằm đảm bảo đầu ra bền vững. Ngành chăn nuôi hướng đến phát triển trang trại lớn, giảm chăn nuôi nhỏ lẻ, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Nuôi trồng thủy sản tập trung nuôi biển, nuôi nước ngọt, cùng biện pháp khắc phục khai thác bất hợp pháp. Lâm nghiệp ưu tiên bảo vệ rừng tự nhiên, phát triển rừng gỗ lớn và cấp chứng chỉ FSC, nâng cao giá trị xuất khẩu. Công tác phòng, chống cháy rừng, nâng cao chất lượng nông - lâm - thủy sản cũng được chú trọng.
Một điển hình khác, ngành Nông nghiệp Bình Thuận năm 2024 đã vượt qua nhiều khó khăn để đạt những thành tựu đáng khích lệ, tạo nền tảng vững chắc cho mục tiêu phát triển bền vững trong năm 2025. Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành nông - lâm - thủy sản đạt 3,43%, vượt kế hoạch. Sản lượng lương thực đạt 880.377 tấn (tăng 3,4%), đàn heo tăng 5,8%, đàn gia cầm tăng 3,8%, sản lượng thủy sản khai thác đạt 239.600 tấn (tăng 1,8%) và kim ngạch xuất khẩu nông - thủy sản đạt 249 triệu USD (tăng 10,6%). Ngành đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, duy trì tỷ lệ che phủ rừng 43%, nhưng vẫn gặp thách thức như sản lượng thanh long VietGAP chưa đạt chỉ tiêu và liên kết tiêu thụ nông sản chưa ổn định.
Bình Thuận đặt mục tiêu năm 2025 tăng trưởng GRDP ngành từ 3 - 3,5%, nâng tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch lên 75% và tập trung phát triển các vùng sản xuất lớn. Ngành ưu tiên ứng dụng công nghệ cao vào nuôi biển, chế biến hiện đại, giảm tổn thất sau thu hoạch và phát triển thủy sản giá trị cao. Lãnh đạo tỉnh yêu cầu tổ chức lại sản xuất, tăng cường quản lý vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, chống khai thác hải sản bất hợp pháp (IUU), đồng thời tiếp tục xây dựng nông thôn mới, đảm bảo phát triển bền vững.
Các tỉnh, thành trên cả nước đều đang hướng tới một năm 2025 đầy tham vọng, xác định phát triển nông nghiệp là đòn bẩy chiến lược để thúc đẩy kinh tế địa phương. Mỗi địa phương, từ miền xuôi đến miền núi, đều đặt mục tiêu bứt phá, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ cao và nâng cao giá trị nông sản, góp phần xây dựng nền nông nghiệp bền vững, hiệu quả. Đơn cử, ngành Nông nghiệp Nam Định đặt mục tiêu tăng trưởng giá trị sản xuất toàn ngành đạt 2%, tổng diện tích gieo trồng duy trì trên 170.000ha, năng suất lúa bình quân 120 tạ/ha và tổng sản lượng lương thực trên 850.000 tấn. Tỉnh phấn đấu đạt thêm 3 - 4 xã chuẩn nông thôn mới nâng cao, 7 xã chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và 40 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. Tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch dự kiến đạt 98%. Để hiện thực hóa các mục tiêu, tỉnh tập trung cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hữu cơ và ứng dụng công nghệ cao. Hạ tầng nông nghiệp tiếp tục được đầu tư, bao gồm các công trình thủy lợi và cơ sở phòng, chống thiên tai, nhằm đảm bảo điều kiện sản xuất ổn định.
Ngành Nông nghiệp tỉnh Lào Cai cũng xác định, năm 2025 là thời điểm quan trọng để hoàn thành Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2020 - 2025). Ngành Nông nghiệp tỉnh cần phát huy tiềm năng, đổi mới tư duy, đẩy mạnh sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, ứng dụng canh tác bền vững, chế biến sâu và nâng cao chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, tỉnh cần phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng, mở rộng các chuỗi sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP, đồng thời kêu gọi doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, tạo động lực mạnh mẽ cho ngành Nông nghiệp.
Bước sang năm mới, ngành Nông nghiệp trên cả nước vẫn tiếp tục giữ vững tinh thần lao động hăng say, sáng tạo, đặt mục tiêu đột phá mạnh mẽ trong từng lĩnh vực. Với sự đồng lòng từ nông dân, doanh nghiệp đến các cấp chính quyền, những kế hoạch đầy tham vọng hứa hẹn mang lại những vụ mùa bội thu, tạo đà cho phát triển bền vững.