Để di sản văn hóa không mai một nơi phên dậu Tổ quốc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hiện nay, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các loại hình du lịch phát triển khá mạnh. Du lịch tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế nhưng đồng thời cũng gây ảnh hưởng tiêu cực đến vấn đề bảo tồn, phát huy di sản văn hóa.
Trường Tiểu học xã Cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc, một trong những trường tiêu biểu với hàng trăm học sinh là con em các dân tộc như: Mông, Pu Péo, Pà Thẻn, Lô Lô, Cờ Lao, Giáy, Dao.
Trường Tiểu học xã Cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc, một trong những trường tiêu biểu với hàng trăm học sinh là con em các dân tộc như: Mông, Pu Péo, Pà Thẻn, Lô Lô, Cờ Lao, Giáy, Dao.

Những hệ lụy không còn xa

Vừa qua, tại Làng văn hóa dân tộc Mông xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam phối hợp với tỉnh Hà Giang tổ chức Tọa đàm “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vùng biên”.

Ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội LHTN Việt Nam cho biết, vùng biên giới ở nước ta có hệ thống di sản văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng với nhiều sắc thái văn hóa đặc sắc, hấp dẫn. Nơi đây cũng là vùng biên cương, là phên dậu của Tổ quốc với ý nghĩa hết sức quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Đồng bào sinh sống tập trung thành từng thôn, bản, có khi rải rác, đan xen nhưng vẫn tạo thành nhiều dân tộc với bản sắc văn hóa riêng, còn lưu giữ được các giá trị văn hóa đặc sắc.

“Tuy nhiên, trong dòng chảy của đời sống hiện đại, bản sắc văn hóa, ngôn ngữ của đồng bào đang ít nhiều bị mai một, thậm chí còn có hiện tượng lãng quên trong một bộ phận lớp trẻ. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vùng biên là vấn đề cần được quan tâm”, ông Minh nói.

Cô Thò Mí Pó - Trưởng thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi, Mèo Vạc (Hà Giang) chia sẻ, Hà Giang là tỉnh cực Bắc của đất nước, với nhiều nét đặc sắc về thiên nhiên và con người. Nổi bật là Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, danh thắng Mã Pì Lèng, phố cổ Đồng Văn, cột cờ Lũng Cú, di tích nhà Vương, những vườn hoa tam giác mạch,… Hà Giang cũng là địa bàn cư trú của 19 dân tộc anh em sinh sống, trong đó dân tộc Mông chiếm đa số, còn lại là các dân tộc khác, như: Tày, Lô Lô, Dao, Giáy, Nùng, Cờ Lao, La Chí, Pà Thẻn,... Mỗi dân tộc đều có nét văn hóa, phong tục tập quán truyền thống riêng, tạo nên nét độc đáo trong đời sống sinh hoạt của các dân tộc Hà Giang. Những giá trị văn hóa đặc sắc đó được thể hiện qua những bộ trang phục sặc sỡ của các chàng trai, cô gái, những tiếng khèn, tiếng sáo, điệu múa, điệu nhảy, các lễ hội truyền thống của các dân tộc, đặc biệt nhất phải kể đến những chợ phiên vùng cao nguyên đá…

Thế nhưng, điều đáng buồn, bản sắc văn hóa truyền thống của một số dân tộc đang dần bị mai một, hiện nay nhiều người dân đã không còn biết sử dụng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình. Những bộ trang phục truyền thống đã bị cách tân lai căng giữa các dân tộc khác. Kiến trúc nhà ở truyền thống dần bị phá bỏ thay vào đó là những ngôi nhà xây dựng bằng bê tông theo kiến trúc hiện đại. Các ngành nghề truyền thống, các làn điệu dân ca, dân vũ, lễ hội, các phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc dần bị mai một và lai tạp với các dân tộc khác, không còn giữ nguyên nét văn hóa truyền thống của đồng bào… có thể làm tổn hại đến tính thống nhất của quốc gia dân tộc Việt Nam.

PGS. TS. Lâm Bá Nam, Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam cho rằng: Di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam vô cùng vĩ đại. Ở góc độ khác, người dân sinh sống ở dọc vùng biên ải nên vấn đề hôn nhân xuyên biên giới với nhiều hệ lụy cũng thường xảy ra. Theo PGS. TS. Lâm Bá Nam, một trong những vấn đề nổi cộm là vấn đề hôn nhân xuyên biên giới. Hệ quả là đa phần các cuộc hôn nhân liên biên giới không dựa trên quan hệ tình cảm và không thông qua tìm hiểu trực tiếp giữa hai người mà chủ yếu là qua trung gian gia đình, bạn bè, thậm chí là những người môi giới chuyên nghiệp. Do đó, nhiều cô gái Việt Nam sau khi kết hôn không thích nghi với cuộc sống nhà chồng, dẫn tới tỉ lệ đổ vỡ hôn nhân cao, thậm chí là cô dâu Việt bỏ trốn. Do đa phần các cuộc hôn nhân xuyên biên giới không có đăng ký kết hôn và không thông báo cho chính quyền sở tại, nên các cơ quan quản lý gặp nhiều khó khăn trong việc theo dõi và hỗ trợ người dân khi cần thiết. Đây chính là nguyên nhân khiến việc hôn nhân xuyên biên giới bị lợi dụng cho hoạt động buôn người, mà nạn nhân chủ yếu là các cô gái Việt Nam.

Đồng thời, vấn đề lao động Việt Nam sang nước bạn tìm việc làm, họ không có sự cho phép của các cơ quan quản lý. Hệ quả là họ không được Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội bảo vệ, do đó thường bị các chủ sử dụng lao động xâm hại dưới nhiều hình thức như: ép làm việc nhiều hơn 12 giờ mỗi ngày, bị hạn chế đi lại, giữ lương hoặc giấy tờ tùy thân, bị quỵt tiền công và đánh đập. Có nhiều trường hợp bị tai nạn và tử vong trên đất bạn song không nhận được bất cứ sự hỗ trợ nào từ phía chủ thuê lao động sở tại. Do không có giấy tờ hợp pháp, nhiều công dân Việt Nam đã bị các lực lượng chức năng bắt, giam giữ, phạt tiền rồi đuổi về. Đặc biệt, đã xuất hiện dấu hiệu kẻ xấu lợi dụng việc đi lao động để mua bán người và cưỡng ép họ vào làm việc tại các trang trại, hầm mỏ và đồn điền của họ trong thời gian dài...

Những “cột mốc sống” gìn giữ bản sắc

PGS.TS Nguyễn Việt Hùng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, việc sử dụng truyền thông đa phương tiện trong công tác bảo tồn, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc vùng biên trong thời đại ngày nay là xu thế và là điều cần thiết. Đặc biệt, nhờ công nghệ và phương thức truyền thông đa phương tiện cho phép công chúng thu nhận thông tin bằng cả hình ảnh, âm thanh, văn bản làm thay đổi cách tiếp cận thông tin của công chúng, xóa bỏ khoảng cách về trình độ, về văn hóa, thậm chí về ngôn ngữ.

Trường Tiểu học xã Cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc, một trong những trường tiêu biểu với hàng trăm học sinh là con em các dân tộc như: Mông, Pu Péo, Pà Thẻn, Lô Lô, Cờ Lao, Giáy, Dao.

Trường Tiểu học xã Cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc, một trong những trường tiêu biểu với hàng trăm học sinh là con em các dân tộc như: Mông, Pu Péo, Pà Thẻn, Lô Lô, Cờ Lao, Giáy, Dao.

PGS.TS Nguyễn Việt Hùng đề xuất, cần có các tổ chức cơ quan quản lí về truyền thông, thông tin, văn hóa xây dựng các kênh youtube, tiktok, facebook của cộng đồng/nhóm Mông; xác lập hệ thống thông tin, lựa chọn thông tin và khai thác như một công cụ để xử lí, phổ biến thông tin tuyên truyền văn hóa, giá trị truyền thống. Chẳng hạn có thể chọn dân ca Mông là điểm tựa đi đến đời sống tâm hồn người Mông: tổ chức các cuộc thi biểu diễn dân ca Mông trên tiktok, youtube; thi thổi khèn Mông…

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn khẳng định: “Văn hóa không chỉ là cội nguồn, không chỉ là nguồn lực, động lực cho sự phát triển mà văn hóa còn là bức tường thành vững chắc, kiên cố nhất, có ý nghĩa nhất bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc. Tôi nghĩ nếu không có văn hóa đủ mạnh thì không chỉ không bảo vệ được cương thổ đất nước mà còn bị xâm lăng, đồng hóa văn hóa thì sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển trường tồn của dân tộc”.

Thời gian vừa qua, Trung ương Đoàn đã tập trung triển khai 3 trọng tâm lớn trong phát triển văn hóa là: Văn hóa trên không gian số, văn hóa biên cương và khởi nghiệp văn hóa.

Văn hóa vùng biên gắn với con người vùng biên. Lực lượng biên phòng chỉ là nòng cốt, người dân mới là sức mạnh to lớn để bảo vệ vững chắc biên cương của quốc gia. Chính người dân ở vùng biên giới với truyền thống văn hóa được kết tinh thành ý chí dân tộc sẽ là những cột mốc sống quan trọng quyết định thành bại chiến lược bảo vệ biên giới bảo vệ quốc gia.

Ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, mô hình này có ý nghĩa với tất cả trường học. Các em ngay từ nhỏ được giáo dục, bồi đắp về tự hào truyền thống văn hóa đất nước Việt Nam, truyền thống văn hóa dân tộc, tộc người; và có ý thức trách nhiệm, khát vọng bảo tồn, phát huy và lan tỏa thì chắc chắn văn hóa đó sẽ trường tồn. Quan điểm Trung ương Đoàn sẽ bắt đầu từ các cháu thiếu niên, nhi đồng để tạo nền tảng vững chắc”, ông Tuấn nói.

Em Vừ Đức Hải (11 tuổi), học sinh lớp 5, Trường Tiểu học xã Cán Chu Phìn tâm sự: “Cháu học khèn được 1 năm và học từ ông cháu. Cháu rất vui vì được học khèn và rất thích tham gia các buổi học văn hóa truyền thống, đây là những giờ học rất nhẹ nhàng, không chỉ được vui chơi mà cháu và các bạn còn được hiểu biết thêm về văn hóa truyền thống các dân tộc. Được học ở trường, khi về nhà cháu còn dạy lại các làn điệu, điệu khèn dân gian cho các bạn”…

Đại tá Văn Ngọc Quế, Phó Chủ nhiệm chính trị Bộ đội Biên phòng: “Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, công cuộc bảo vệ biên giới không đơn thuần là bảo vệ lãnh thổ, mà luôn luôn đi liền với nhiệm vụ bảo tồn bản sắc, cốt cách văn hoá của dân tộc. Từ trong cội nguồn, nền văn hoá của đồng bào các dân tộc thiểu số đã gắn bó sâu sắc với lãnh thổ thiêng liêng, mỗi tấc đất trên đường biên của Tổ quốc đều mang đặc trưng văn hoá của đồng bào dân tộc vùng cao”.

Cô giáo Hoàng Lệ Nhung, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Tiểu học, cho biết: “Thực hiện Đề án, hằng ngày trong các giờ giải lao giữa buổi hay hoạt động ngoại khóa, học sinh đều được trường tổ chức chơi các trò chơi dân gian như đẩy gậy, đánh yến, học múa khèn, múa xênh tiền, hát các bài hát dân gian của các dân tộc ở địa phương... Thông qua lồng ghép, giảng dạy VHTT, giúp nhiều học sinh đã học và có thể trình diễn được nhiều điệu múa, hát dân gian, múa khèn Mông… Đặc biệt, giúp các con giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình, góp phần giảm tải, bài trừ hủ tục lạc hậu ở địa phương mình”.

Ngoài ra, BTC đã khởi công xây dựng “Nhà hạnh phúc cho em” cho 02 em Giàng Mí Sính và Giàng Thị Dở là 02 anh em sinh đôi mồ côi cả bố và mẹ tại thôn Lũng Lừ A, xã Lũng Pù, huyện Mèo Vạc; CLB Đầu tư và khởi nghiệp Doanh nhân trẻ Việt Nam trao hỗ trợ kinh phí đến năm 18 tuổi cho 02 em. Dịp này, đoàn công tác cũng trao tặng 100 lá cờ Tổ quốc, trao một bộ trống Đội và 500 khăn quàng đỏ cho các em học sinh nhà trường.

Đọc thêm