Đê điều Hải Phòng: Nhiều tuyến không bảo đảm an toàn

Hằng năm, có từ 1-3 cơn bão đổ bộ vào Hải Phòng; trong đó cấp độ 12 trở lên chiếm 1/3. Vì vậy, hệ thống đê điều càng cần trở thành “lá chắn” vững chắc ngăn sóng lớn, bão lũ, bảo vệ thành phố. Mùa mưa bão năm nay, nỗi lo hiện trạng đê điều phòng, chống lụt bão trên địa bàn thành phố vẫn luôn thường trực.

Hằng năm, có từ 1-3 cơn bão đổ bộ vào Hải Phòng; trong đó cấp độ 12 trở lên chiếm 1/3. Vì vậy, hệ thống đê điều càng cần trở thành “lá chắn” vững chắc ngăn sóng lớn, bão lũ, bảo vệ thành phố. Mùa mưa bão năm nay, nỗi lo hiện trạng đê điều phòng, chống lụt bão trên địa bàn thành phố vẫn luôn thường trực.

Đê biển mới đủ sức chống bão cấp 9
Hải Phòng có 24 tuyến đê với tổng chiều dài hơn 420 km, đứng thứ 2 toàn quốc, sau Thanh Hoá. Trong đó có 6 tuyến đê biển với chiều dài gần 104 km, 18 tuyến đê sông với chiều dài hơn 317 km, 84 công trình kè với chiều dài hơn 66 km. Trong mấy năm gần đây, thành phố và trung ương đầu tư khá lớn cho việc nâng cấp, tu bổ hệ thống đê điều, nhờ vậy, số lượng đê, kè an toàn tăng đáng kể. Tuy nhiên, trên các tuyến đê của Hải Phòng còn ẩn họa nhiều nỗi lo. Theo khảo sát của Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão Hải Phòng, hiện nay, thành phố có gần 260 km đê bảo đảm an toàn, chiếm 61,6% tổng chiều dài đê; còn hơn 132 km đê kém ổn định (chiếm 31,1%), hơn 30 km đê xung yếu nguy cơ mất an toàn cao (chiếm 7%).

Kè Gia Lộc (thị trấn Cát Hải) không bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão.                                                                                                     Ảnh: Duy Lân

Ông Lê Văn Hiến- Phó giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT cho biết: “Dù đã được đầu tư kinh phí tu bổ, nâng cấp các đoạn đê xung yếu thuộc tuyến đê biển 1, bê tông hoá toàn bộ tuyến đê biển 2 nhưng các tuyến đê biển Hải Phòng mới đủ khả năng bảo đảm chống bão cấp 9, triều cường tần suất 5%. Hiện, trên địa bàn thành phố còn hơn 15 km đê biển xung yếu, nguy cơ mất an toàn cao. Với trường hợp bão trên cấp 9 gặp triều cường tần suất lớn hơn sẽ xảy ra tình trạng hư hỏng đê. Đặc biệt lo ngại là tuyến đê biển Cát Hải”. Trên hệ thống đê biển của thành phố hiện nay, tại không ít đoạn đê xuất hiện mạch sủi, bị thấm, sạt trượt nhưng chưa được xử lý.

Nhiều đoạn đê sông thấp, nhỏ
Trên hệ thống hơn 317 km đê sông của Hải Phòng hiện còn tới hơn 78 km kém ổn định; 16 km nguy cơ mất an toàn cao. Đê sông được bồi trúc dần qua nhiều năm nên chất lượng thân đê không đồng đều; trong thân đê tiềm ẩn nhiều nguy cơ lún sụt do xói ngầm, tổ mối... Nhiều tuyến đê chủ yếu tôn cao theo độ chống tràn nước lũ nên bề rộng mặt đê nhỏ, chưa có cơ đê hoặc cơ đê chưa bảo đảm quy mô. Trên các tuyến đê sông Hải Phòng hiện còn hơn 112 km đê có tổ mối, ẩn hoạ trong thân đê, hơn 40 km đê có nền địa chất yếu, hơn 3km đê lún nứt… Trong đó, có hơn một nửa hư hỏng chân kè, xô sạt mái kè, bị xói lở…Toàn thành phố hiện có hơn 52 km đê sông có dòng chủ áp sát chân đê làm hệ thống kè trở lên nhỏ bé, manh mún. Một số tuyến kè đê sông bị biến dạng do địa chất nền đê yếu hoặc bị xói lở do dòng chảy của sông như kè Thâm Động (đê sông Hoá), kè Thượng Lộc (đê sông Luộc). Kè Liễu Dình (đê sông Lạch Tray), kè Kìm Sơn, kè Cẩm Văn, Ngũ Phúc (đê sông Văn Úc).

Ẩn hoạ từ các cống dưới đê  
Trên 420 km đê của thành phố hiện có 391 cống dưới đê, mật độ bình quân là 1 cống/ km đê, so với các địa phương khác thì số lượng cống dưới đê của Hải Phòng quá lớn. Trong đó, phần lớn là cống xây dựng từ những năm 60 với quy mô nhỏ, có khẩu độ dưới 2 m, thân cống ngắn so với mặt cắt đê, móng cống thường xây bằng bê tông gạch vỡ không có cốt thép nên bị xuống cấp nghiêm trọng. Hiện trạng cống dưới đê xuống cấp, xuất hiện tình trạng nứt thân cống, gãy móng, hư hỏng tường cánh, bộ phận đóng mở… dẫn tới việc nước rò xuyên mang hoặc dọc cống. Một số trường hợp cống bị sập, trôi khi nước triều dâng cao. Hiện toàn thành phố có 74 cống dưới đê nguy hiểm, không bảo đảm phòng, chống lụt bão. Khi có bão lớn, triều dâng cao xảy ra, những cống này chính là ẩn hoạ gây ra sự cố vỡ đê, gây ngập lụt nghiêm trọng…
Từ hiện trạng này có thể thấy, khi mùa mưa bão đến, hệ thống đê điều Hải Phòng còn ẩn họa nhiều nỗi lo. Vì vậy, việc chủ động phương án hộ đê, phòng, chống lụt bão và bảo vệ các trọng điểm xung yếu theo phương châm “bốn tại chỗ” là biện pháp phi công trình cần được quan tâm thực hiện.
                                                                                                                                                         Hoàng Yên

Đọc thêm