Để DN xuất khẩu lao động không ’vàng - thau’ lẫn lộn

Thống kê của Bộ LĐTBXH cho thấy, tính đến nay cơ quan này đã cấp phép hoạt động cho 169 doanh nghiệp xuất khẩu lao động (DN XKLĐ), trong đó có 37 giấy phép mới. Số lượng DN không quá đông song do công tác quản lý còn buông lỏng nên thực tế DN tốt và DN làm ăn chụp giựt đang trong cảnh “vàng -thau” lẫn lộn…

Mặc dù hoạt động XKLĐ 2 năm gần đây khá ảm đạm nhưng số lượng doanh nghiệp (DN) được cấp phép mới trong lĩnh vực này không ngừng tăng lên. Thống kê của Bộ LĐTBXH cho thấy, tính đến nay cơ quan này đã cấp phép hoạt động cho 169 DN, trong đó có 37 giấy phép mới. Số lượng DN không quá đông song do công tác quản lý còn buông lỏng nên thực tế DN tốt và DN làm ăn chụp giựt đang trong cảnh “vàng -thau” lẫn lộn…

Sai nhiều- xử chẳng bao nhiêu

Cách đây vài tháng, dư luận xôn xao trước việc chi nhánh Cty CP Nhân lực Quốc tế Việt (Vilaco) tại Thanh Hóa để xảy ra nhiều sai phạm, xâm hại quyền lợi của người lao động (NLĐ). Vụ việc nghiêm trọng tới mức cơ quan công an đã vào cuộc, ngân hàng từ đó tới nay ‘đóng băng” không giải ngân cho lao động đi xuất khẩu (dù ở các DN khác). Những tưởng các sai phạm này sẽ bị xử lý nghiêm minh, ít nhất DN cũng bị đình chỉ hoạt động một thời gian để khắc phục hậu quả và thậm chí là bị rút giấy phép hoạt động. Vậy nhưng, Vilaco vẫn đàng hoàng hoạt động, coi những sai phạm đã xảy ra chỉ như “sự cố” nho nhỏ.

Vilaco không phải trường hợp duy nhất được xử “nhẹ tay” khi xảy ra sai phạm. Vụ việc đưa lao động sang Nga của Cty Vinahandcoop cũng tốn bao giấy mực của báo giới. DN này đến nay vẫn chây ỳ thanh toán cho NLĐ trong khi cơ quan quản lý nhà nước cũng không hề cho thấy họ sẽ “mạnh tay” hơn ngoài việc đình chỉ 6 tháng và có công văn yêu cầu giải quyết theo đúng hợp đồng.

ld.jpg

Bên cạnh đó, tình trạng các DN nâng phí môi giới, giành giật đơn hàng, buông lỏng quản lý khi lao động làm việc ở nước ngoài… diễn ra như “cơm bữa” song cũng không được xử lý nghiêm minh. “Chúng tôi cùng chung đối tác Malaysia với Cty Sovilaco chi nhánh phía Bắc, trong lúc chúng tôi cố gắng đàm phán nâng mức lương cơ bản cho NLĐ và yêu cầu phải cải thiện nơi ăn chốn ở cho lao động thì đại diện của Sovilaco “gạt phắt” các điều kiện này đi. Kết quả hợp đồng thuộc về Sovilaco còn quyền lợi của lao động đương nhiên bị ảnh hưởng”, phó giám đốc một Cty XKLĐ sang Malaysia phàn nàn. Các DN làm thị trường Israel mới đây cũng phản ứng Cty Hoàng Long vì cho rằng Cty này đã nâng phí môi giới cao hơn 5 DN còn lại, cạnh tranh không lành mạnh nhằm giành giật được đơn hàng.

Thực trạng này đã được ghi nhận khi Đoàn giám sát của Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội thực hiện công tác giám sát XKLĐ. Theo đó,các DN có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, giảm chi phí dịch vụ để lôi kéo đối tác, thậm chí không lấy phí dịch vụ của đối tác mà thu của NLĐ. Các DN còn tranh nhau nâng hoa hồng tạo nguồn cho các địa phương, tạo cơ chế xin- cho trong tuyển dụng nguồn lao động, thậm chí là mua bán nguồn lao động XK.

Xếp hạng DN, không khó mà vẫn chần chừ?

Để ổn định thị trường, đẩy mạnh công tác XKLĐ, việc trước tiên là “loại” các DN xấu, làm ăn chụp giựt ra khỏi thị trường đó, nhất là các thị trường đang thí điểm. Đây không phải ý kiến của một DN. Hầu hết các DN làm ăn đàng hoàng đều mong muốn thoát khỏi tình trạng “vàng - thau” lẫn lộn. Bởi thực tế, NLĐ ở các địa phương khó lòng nhớ được tên các DN XKLĐ do vậy khi một DN làm ăn chụp giựt, gây ra tiếng xấu cho thị trường đó thì hàng loạt các DN khác sẽ phải đi “đổ vỏ”.

Hơn bao giờ hết, việc “xếp hạng” DN XKLĐ được đặt ra một cách bức thiết. “Hàng năm, Hiệp hội XKLĐ có khen thưởng Top các DN đứng đầu, căn cứ trên số lượng lao động đưa đi được (trên 1.000 lao động/năm) song đây chưa thực sự là việc xếp hạng DN một cách chính thống. Việc xếp hạng DN cần được thực hiện với một bộ tiêu chí rõ ràng như số lượng lao động đưa đi, số vụ việc phát sinh, kết quả giải quyết các phát sinh… cũng như tiêu chí về đội ngũ cán bộ hoạt động XKLĐ của DN đó. Căn cứ vào “bảng” xếp hạng, cơ quan quản lý nhà nước sẽ ban hành các cơ chế đặc thù để các DN hoạt động tốt hơn, lành mạnh hơn và quan trọng là NLĐ có thể dễ dàng “chọn mặt gửi vàng”, giám đốc một DN thẳng thắn bày tỏ.

Báo cáo giám sát của Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng đã nêu ý kiến phản ảnh của DN về vấn đề này và đã có kiến nghị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động XKLĐ. Tiến hành đánh giá, xếp hạng các DN có uy tín, năng lực để công bố công khai, minh bạch cho NLĐ, địa phương và các đối tác trong và ngoài nước biết. Và chính các DN cũng có kiến nghị cần xử lý nghiêm các DN vi phạm pháp luật.

Như vậy có thể thấy việc xếp hạng DN không phải quá khó mà đã là yêu cầu đặt ra từ thực tiễn công tác XKLĐ. Đáng tiếc, câu chuyện xếp hạng đã được đặt ra từ nhiều năm nay song không được khởi động, không rõ có lý do “tế nhị” gì hay chỉ là muốn tồn tại mãi cảnh “tranh tối tranh sáng” để “ngư ông đắc lợi”?

Thanh Lương

Đọc thêm