Chính phủ quyết liệt “mổ xẻ” thực trạng Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) và quyết tâm cải tổ toàn diện tập đoàn này. Bộ Chính trị mới đây cũng kết luận phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong thời gian tới. Đây là những biện pháp cần thiết nâng cao hiệu quả của DNNN, để DNNN thực sự là “quả đấm thép” cho nền kinh tế.Đóng vai trò lớn
Chuyện xảy ra với Vinashin cũng như những tồn tại nhất định của DNNN là có nhưng không thể vì thế mà có cái nhìn phiến diện để có thể bỏ qua vai trò quan trọng của khối doanh nghiệp này trong nền kinh tế.
Gần đây nhất, nhìn lại năm 2009 - thời điểm kinh tế Việt Nam trải qua giai đoạn “lửa thử vàng” - DNNN đã có phần đóng góp lớn. Khi đó, khủng hoảng kinh tế thế giới trong năm 2008 đã làm thu hẹp đáng kể thị trường xuất khẩu, thị trường vốn, thị trường lao động và tác động đến nhiều lĩnh vực của đất nước. Nhưng, nhờ đồng tâm hiệp lực, chúng ta đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, ngăn chặn được đà suy giảm kinh tế, đẩy lùi lạm phát cao trở lại. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2009 tuy đạt thấp hơn năm 2008 nhưng vẫn ở mức khá cao, an sinh xã hội ổn định....
Trong kết quả này có sự đóng góp quan trọng của các DNNN mà chủ lực là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đang giữ vai trò quan trọng then chốt trong nền kinh tế, làm công cụ vật chất để Nhà nước định hướng và điều tiết vĩ mô, thực hiện nhiều chính sách an sinh xã hội. Theo Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, tổng doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty trong năm khó khăn đó vẫn vượt 42,4% kế hoạch năm, đạt 1.164.469 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận trước thuế của những doanh nghiệp này đạt 80.799 tỷ đồng, vượt 52,8% kế hoạch năm. Đóng góp cho ngân sách nhà nước của các tập đoàn, tổng công ty trong năm 2009 vẫn vượt hơn 40% kế hoạch năm.... Nhiều tập đoàn, tổng công ty trong năm khó khăn đó tiếp tục tăng trưởng, có mức doanh thu cao như Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Viễn thông quân đội, Tổng công ty Mía đường, Tổng công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn... Một số tổng công ty trước đây thua lỗ, khó khăn đã hoạt động hiệu quả hơn.
Mặc dù vậy, trong báo cáo tổng kết hồi đầu quý 1-2010, Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cũng thừa nhận rằng hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước còn nhiều hạn chế. Đó là tăng trưởng chưa cao, năng suất lao động tăng chậm, chưa tận dụng được lợi thế của doanh nghiệp có quy mô lớn. Năng lực quản lý của lãnh đạo doanh nghiệp chưa đáp ứng đòi hỏi của thực tế; công tác nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ, sản phẩm chưa được đẩy mạnh; đầu tư vẫn còn dàn trải, chưa tương ứng với khả năng huy động vốn.
Vinashin là một ví dụ điển hình khi đầu tư dàn trải, vượt khả năng cân đối tài chính. Vinashin đã phải vay nợ mới để trả nợ cũ, vay ngắn hạn trả dài hạn, thậm chí lấy vốn lưu động để chi đầu tư. Năng lực quản trị, điều hành của lãnh đạo Tập đoàn yếu kém, lại thêm cơ chế giám sát, quản lý vốn lỏng lẻo... Đó là nguyên nhân trực tiếp, chủ yếu dẫn đến việc Vinashin thua lỗ, đứng trước nguy cơ phá sản.
Cải cách để cạnh tranh lành mạnh
Bộ Chính trị mới đây đã thảo luận và đưa ra kết luận về vấn đề sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN. Bộ Chính trị nhấn mạnh: đẩy mạnh sắp xếp DNNN theo hướng DNNN chỉ tập trung vào những ngành, lĩnh vực quan trọng, then chốt mà Nhà nước cần nắm giữ, chi phối; kiên quyết sắp xếp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoạt động không hiệu quả, làm ăn thua lỗ kéo dài, không có khả năng khôi phục; chấn chỉnh tình trạng tập đoàn, tổng công ty mở quá rộng ngành nghề mới nhưng không liên quan đến ngành nghề chính, không làm cho ngành nghề chính lớn mạnh mà còn làm cho nguồn lực tập đoàn, tổng công ty bị phân tán, mang nhiều rủi ro trong kinh doanh.
Tập đoàn Vinashin đã báo cáo không đúng thực trạng về sử dụng vốn, đầu tư, về phát triển thêm doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh và tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, mỗi lần báo cáo số liệu khác nhau. Năm 2009 và quý 1-2010 thua lỗ nhưng Tập đoàn vẫn báo cáo có lãi. Thực tế này cho thấy rất cần tăng cường khâu ngăn ngừa, giám sát, quản trị nguồn vốn DNNN để không lặp lại những bài học đau lòng như Vinashin.
“Doanh nghiệp nhà nước tiếp tục giữ vai trò chủ đạo nhưng cần có cách nhìn mới để có thể tạo sự đột phá, mũi nhọn cho bản thân DNNN cũng như toàn bộ nền kinh tế”, TS Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu Phát triển KT - XH Hà Nội nhận xét. Ông nói, thông điệp mà Bộ Chính trị đưa ra cần được quán triệt một cách mạnh mẽ. Đó là DNNN phải thực sự hướng vào những ngành, lĩnh vực đặc biệt then chốt, quan trọng hay những ngành, lĩnh vực mà tư nhân không làm hoặc không muốn làm, những ngành cần có DNNN làm “chim mồi” để thu hút đầu tư hay những ngành cần có DNNN để phá thế độc quyền của doanh nghiệp tư nhân... Lấy Vinashin làm ví dụ, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng Tập đoàn này được tái cơ cấu toàn diện với việc tập trung phát triển ngành công nghiệp đóng tàu, doanh nghiệp tư nhân tham gia làm vệ tinh sản xuất chi tiết, phụ tùng hỗ trợ sẽ là hình thức liên kết rất tốt.
Đó là câu chuyện Vinashin. Còn nhìn rộng ra các DNNN, mô hình phát triển cụ thể sắp tới, theo TS Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo KT-XH quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), là chỉ giữ lại những doanh nghiệp cũng như những khâu trong doanh nghiệp thực sự hiệu quả để phục vụ cho vai trò chủ đạo, tạo ra được sức lan tỏa cho nền kinh tế. Những doanh nghiệp còn lại cần phải được cổ phần hóa và cơ cấu lại. Cổ phần hóa và cơ cấu lại sẽ tạo ra một sân chơi bình đẳng, môi trường cạnh tranh lành mạnh, công khai cho mọi loại hình doanh nghiệp. TS Lê Đình Ân dẫn ra ví dụ: những chính sách cho phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chưa phát huy được, doanh nghiệp nhỏ hiện khó vay vốn, khó tiếp cận cơ hội đầu tư trong khi những cơ hội này với doanh nghiệp lớn lại dễ dàng. Bởi thế, “cạnh tranh lành mạnh còn là Nhà nước cần phải có chính sách đầu tư thích đáng cho các thành phần kinh tế, kể cả doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân” TS Lê Đình Ân lưu ý.
Điều cần thiết nữa là sớm tách quản lý nhà nước ra khỏi hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong lối đi đó, cơ quan nhà nước đóng vai trò định hướng và giám sát. Tạo ra được một hành lang pháp lý rộng rãi để các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh sẽ thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, nguồn lực của Nhà nước được tăng lên, vai trò của Nhà nước vì thế càng được củng cố.
Nguyễn Huyền