Sau Tết Nguyên đán, bên cạnh những phong tục như khai bút, khai xuân, mở hàng, mừng thọ thì du xuân ngắm cảnh, lễ chùa cầu may cũng được coi là một mỹ tục của nhiều người dân Việt Nam . Nắng và gió xuân phơi phới khiến lòng người thêm rạo rực. Tuy nhiên, xen kẽ những hoạt động ấy không thiếu những hình ảnh chưa đẹp, khiến du khách phiền lòng.
|
Du khách thăm Chùa Chiếu (quận lê Chân) Ảnh: Vũ Dũng |
Nét đẹp đầu xuân…
Sáng 8 - 2 (tức mồng 6 tháng Giêng), không khí xuân tràn ngập phố phường, đường làng, ngõ xóm. Thời tiết ấm áp khiến dòng người đi lại trên đường tấp nập. Chỉ khác một điều, thay vì dòng người, xe hối hả với những công việc đời thường hằng ngày, họ đi chậm rãi để thưởng thức không khí xuân tươi vui, nhộn nhịp.
Sau khi đến chúc Tết, thăm hỏi anh em, họ hàng, đồng nghiệp, vãn cảnh chùa trở thành nét đẹp văn hóa tâm linh của người Việt. Người đi vãn cảnh chùa với nhiều mục đích khác nhau nhưng đều giống nhau ở sự thành tâm. Người ưa cuộc sống bình dị thì cầu xin cho gia đình một năm mới mát mẻ, sức khỏe, bình an, mọi sự hanh thông. Người làm nghề buôn bán thì cầu khấn gặp nhiều may mắn, phát tài phát lộc. Cũng có người đến chùa thưởng ngoạn vẻ đẹp bình yên, thanh tịnh, để tâm hồn thanh thản đồng thời chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc độc đáo của những ngôi chùa có lịch sử hàng trăm năm. Nhóm học trò lại mong học hành giỏi giang, tấn tới, thi cử đỗ đạt…
Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm ở phố Tôn Đức Thắng (quận Lê Chân) cho biết: “Theo tục, sáng mồng một Tết, sau khi thắp nén hương lên bàn thờ tổ tiên, bà cháu tôi lại đi chùa cầu may. Chỉ là nén hương, chút hoa quả dâng lên Đức Phật nhưng năm nào không đi được tôi thấy trong lòng bứt rứt không yên. Lớn tuổi rồi nên điều tôi cầu mong không phải là tiền tài, danh vọng mà là sức khỏe, là sự bình an”.
Một trong những nét khác biệt của người Việt so với một số nước theo đạo Phật khác trên thế giới là đồ lễ dâng lên đức Phật rồi lại được hạ lễ để thụ lộc bởi quan niệm “một miếng lộc thánh bằng một gánh lộc đời”. Đồ đi lễ sau khi thụ lộc được chia đều cho mọi người trong gia đình như là sự san sẻ may mắn và hạnh phúc. Nét đẹp văn hóa ấy vẫn thể hiện long trọng, thành kính nhưng cũng rất thực, rất bình dị.
Nét mới năm nay của người dân Hải Phòng không chỉ dừng ở các điểm đến trong nội thành như chùa Dư Hàng, chùa Vẽ, chùa Đỏ, từ Lương Xâm mà tự tổ chức thành các đoàn đến tham quan, vãn cảnh các chùa ở ngoại thành theo tuyến. Kinh phí tùy thuộc vào hành trình đi và các điểm đến, dao động từ 100 nghìn đồng đến một triệu đồng/người. Tháng Giêng ngày rộng tháng dài, người dân cũng có thể tổ chức những chuyến đi xa như hành trình chùa Hương (Hà Nội), chùa Bái Đính (Ninh Bình) và xuôi về đền Cửa Ông, lễ hội xuân Yên Tử (Quảng Ninh)…
...và chưa đẹp
Loạn giá dịch vụ trông xe là một trong những điều khiến không ít người phàn nàn. Mặc dù giá in trên vé chỉ 2 nghìn đồng/xe máy, 10 nghìn đồng/ô tô nhưng thực tế ở nhiều điểm trông xe trên địa bàn thành phố đều có giá cao gấp 4-5 lần. Cả năm mới có dịp để “chặt chém” nên giá trông xe tăng ngất ngưởng, phổ biến là 10 nghìn đồng/xe máy; 50 nghìn đồng/xe ô tô. Có nơi giá “mềm” hơn: 5 nghìn đồng/xe máy, 20 đồng/ô tô. Không phải bỏ vốn lại dễ kiếm tiền nên dịch vụ trông xe đua nhau mọc lên chung quanh khu vực đình, chùa, miếu…Điển hình như ở chùa Đỏ, chùa Hàng, chùa Chiếu, ngay từ đầu lối vào chùa đã có gần chục điểm nhận trông xe. Chưa kịp dừng xe đã có hai, ba người ra chặn đầu xe, chèo kéo, tranh giành khách. Không ít người phần vì bị “đón lõng” ngay từ đầu đường, phần ngại đưa xe vào sâu bên trong cổng chùa tặc lưỡi gửi ngay phía ngoài đường. Bộ phận trông xe trong chùa Hàng phải dùng loa liên tục nhắc nhở du khách gửi xe ở khu vực phía trong cổng chùa, không gửi xe ở ngoài đường tránh lộn xộn, ách tắc giao thông.
Đoạn đường từ phố Lê Lai vào chùa Đỏ - ngôi chùa có tượng Đức Phật Tổ nghìn tay nghìn mắt được coi là to, đẹp và cổ xưa nhất- chỉ dài chừng 30 mét nhưng có tới 3-4 người xin ăn.
Ở một số cơ sở tín ngưỡng, thờ tự có đông khách tham quan, lễ phật còn xuất hiện kiểu xin ăn núp dưới danh nghĩa từ thiện. Du khách đến chùa Vẽ đều bắt gặp một người phụ nữ khoảng 40 tuổi, ngồi gần cổng chùa, phía trước mặt đặt một chiếc hòm to có ghi dòng chữ: “Hòm từ thiện giúp Trường học sinh mù Hải Phòng”. Chị luôn miệng: “Mong mọi người làm từ thiện ủng hộ học sinh trường mù Hải Phòng”. Người phụ nữ cho biết, chị cùng một số người khiếm thị khác được nhà trường cử đi làm nhiệm vụ quyên góp từ thiện ở một số chùa. Được biết, Trường nuôi dạy trẻ khiếm thị Hải Phòng không hề có chủ trương này…
Không chỉ bị “cái bang” làm phiền, “từ thiện giả móc túi”, du khách còn bị kẻ gian trộm cắp ví tiền, điện thoại di động. Hiện tượng này không chỉ có ở chùa Đỏ mà xuất hiện ở nhiều đình, chùa, miếu mạo khác trên địa bàn bàn thành phố. Ban quản lý di tích các đình, chùa cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương có biện pháp quản lý chặt chẽ, ngăn chặn tình trạng trộm cắp, móc túi, xin ăn, từ thiện giả gây mất an ninh trật tự, làm phiền lòng du khách trong, ngoài nước và ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm chốn cửa Phật.
Trịnh Thanh