Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" sau hơn 1 năm thực hiện người tiêu dùng mua sắm hàng hóa Việt đã tăng lên đáng kể, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao sức mạnh của hàng hóa thương hiệu Việt và phát triển thị trường nội địa. Tuy nhiên để “thượng đế” ưu tiên mua hàng hóa của mình thì các doanh nghiệp Việt còn nhiều việc phải làm.
Tìm lại giá trị từ việc lắng nghe khách hàng
Có một thực tế mà hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam gặp phải là cho dù giá bán có rẻ hơn sản phẩm nước ngoài nhưng vẫn tiêu thụ rất chậm. Sản phẩm nước xả Siusop của Công ty Hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo là một ví dụ điển hình. Theo ông Tăng Quang Trọng, Giám đốc Mỹ Hảo: “Siusop của Mỹ Hảo sản xuất hiện bán trên thị trường với giá 1.000đ/gói 38ml so với giá 1.500đ/gói 25ml Comfort nhưng vẫn tiêu thụ chậm”.
Có rất nhiều lý giải về nguyên nhân này. Nhiều người cho rằng, chính việc làm truyền thông, thương hiệu một cách bài bản đã khiến cho những thương hiệu ngoại chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Hằng ngày, cứ bật TV lên là chúng ta thấy những đoạn quảng cáo (TVC) của các thương hiệu nổi tiếng như: Sunsilk, Clear, Comfort… ngập các kênh truyền hình. Và hình ảnh chất lượng, uy tín của các sản phẩm này đã in sâu vào tâm trí của người tiêu dùng Việt.
Nói như ông Nguyễn Khánh Trung, chuyên gia thương hiệu, người từng nhiều năm làm việc cho các công ty lớn của Việt Nam: “Bạn đi mua một chiếc áo, bạn sẽ giải thích ra sao khi bạn phải bỏ ra 1,5 triệu đồng để mua một chiếc áo Valentino thay vì 200 ngàn đồng để mua chiếc áo Việt Tiến? Rõ ràng, nếu họ chỉ cần một chiếc áo để mặc thì không ai làm như vậy. Do đó, theo tôi, thương hiệu là động lực chính để khách hàng lựa chọn hàng hóa cho mình.”
Bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm TRAPHACO chia sẻ với chúng tôi rằng: “Cuộc vận động tạo ra thách thức với doanh nghiệp Việt Nam là làm thế nào để đáp ứng nhu cầu của người dân”.
Tất cả những ý kiến trên cho thấy một điều: Làm thương hiệu chính là yếu tố quan trọng để giúp khách hàng lựa chọn sản phẩm của mình. Và thương hiệu nên được hiểu và bắt đầu từ chính việc lắng nghe ý kiến của khách hàng.
Khi thực hiện những chuyến đưa hàng về nông thôn, ông Trọng chia sẻ với chúng tôi như thế này: Các khách hàng họ có thái độ nghi ngờ, họ hỏi đây có phải là phiên chợ của hàng VN chất lượng cao chính hãng không? Hay là hàng giả, giá cả có hợp lý không, hàng có rõ nguồn gốc không… Và ông kết luận rằng “cần phải làm truyền thông nhiều hơn nữa”. Còn bà Thuận, TRAPHACO thì cho rằng: “Người tiêu dùng đã quan tâm hơn về chất lượng hàng nội và hàng ngoại trước khi chọn mua hàng”.
Tất nhiên, trước những thực tế đó, việc lắng nghe tâm tư và nhu cầu của người tiêu dùng là yếu tố quan trọng để đảm bảo “hàng bán được”.
“Hiểu được nhu cầu” là từ mà ông Trọng công ty Mỹ Hảo chia sẻ với chúng tôi. Ông cho rằng, việc Mỹ Hảo đã chiếm lĩnh tâm trí khách hàng và thành công trong sản phẩm Siusop chính là việc phát hiện ra tâm lý của khách hàng rằng sản phẩm của Mỹ Hảo ít đậm đặc hơn sản phẩm của đối thủ. Và sau khi thay đổi công thức, Siusop đã tăng sản lượng lên đến 15%.
Còn theo bà Thuận, TRAPHACO thì hàng Việt được mua nhiều hơn vì “người tiêu dùng không những “được xem”, lại còn “được nghe”, “được hiểu” và để rồi biến thành hành động là “mua hàng về nhà”.
Hãy giúp khách hàng "tự hào" khi dùng hàng Việt
Trong khi thực hiện chuyên đề này, phóng viên chúng tôi đã hỏi ý kiến của rất nhiều khách hàng về hàng Việt và nhận được khá nhiều ý kiến trái ngược nhau. Anh Lưu Tuấn, một người làm nghề giáo nhận xét: “Nhiều sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cũng khá ổn nhưng nhiều sản phẩm vẫn chưa thể bằng với các sản phẩm ngoại cả về mẫu mã, chất lượng lẫn giá thành.” Đó cũng là tâm lý chung của rất nhiều khách hàng khi chúng tôi hỏi về hàng Việt. Và để thay đổi được tâm lý này là điều không hề dễ dàng.
“Cần tuyên truyền để người dân Việt Nam cảm thấy tự hào khi dùng hàng Việt chứ không phải thấy “thương hại” mà dùng hàng hóa này”, ông Nguyễn Khánh Trung, chuyên gia thương hiệu chia sẻ với chúng tôi.
Khi chúng tôi hỏi Nhà sử học Dương Trung Quốc về ý nghĩa của cuộc vận động này thì ông cho rằng, “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” cũng là sự tiếp nối lòng yêu nước và truyền thống lịch sử nước nhà, đánh thức tâm lý người Việt về trách nhiệm của họ với Tổ Quốc. Tuy nhiên, theo ông, “Khách hàng cũng phải có quyền chọn lựa cái gì tốt nhất cho họ trước thời buổi cạnh tranh công bằng của xã hội, không thể thúc ép họ cố dùng hàng Việt một khi sản phẩm nội không đáp ứng được nhu cầu tất yếu của sự phát triển”.
Ông Võ Văn Quyến, Vụ phó Vụ Thị trường trong nước thuộc Bộ Công thương, một người có liên hệ khá chặt chẽ với cuộc vận động nói trên cho rằng: “Đây là chương trình thiết thực để vận động người dân trong nước ưu tiên dùng hàng nội, nhưng không thể cứ mãi hô hào khẩu hiệu này vì họ có quyền chọn lựa sản phẩm tốt hơn. Các doanh nghiệp trong nước không thể ỷ lại với sự bảo hộ hoặc chờ vào những chỉ thị tiêu dùng từ cấp Nhà nước được.”
Và câu chuyện cũng được ông Trung một lần nữa nhắc đến đó chính là: Thương hiệu. Theo ông: “Để tồn tại, mỗi doanh nghiệp phải tìm cho mình một hướng đi phù hợp. Điều này có thể hiểu là cần có sự khác biệt mà các doanh nghiệp khác khó lòng bắt chước được. Trong những “vũ khí” khác biệt khó bắt chước ấy, có thể nói thương hiệu là lựa chọn tối ưu nhất.” Và trên thực tế, có khá nhiều doanh nghiệp Việt đã xây dựng thương hiệu rất thành công như: Vinamilk, An Phước, Trung Nguyên, Kinh Đô…
Kết quả đạt được và những điều còn đọng lại
Sau khi cuộc vận động được diễn ra sâu rộng trên cả nước, mức độ tin tưởng của người tiêu dùng Việt Nam đã tăng lên rất nhiều. Mới đây, theo điều tra của Công ty TV Plus thì sau gần 1 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”, đến nay đã có 58% người tiêu dùng quan tâm đến hàng hóa Việt Nam so với con số trước đây là 23%.
|
Đã có rất nhiều hoạt động tích cực và thu được kết quả đáng khích lệ. Trong năm qua, ngành công thương đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức hơn 200 hội chợ, hơn 20.000 gian hàng với trên 10.000 doanh nghiệp (DN) và gần 10 triệu lượt khách tham quan, mua sắm. Tổ chức hơn 40 đợt bán hàng khuyến mại với hơn 6.000 DN tham gia thu hút hơn 13,3 triệu lượt khách tham quan, mua sắm, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán 2010 và các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, khu đô thị, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ của hàng Việt tại các địa phương.
Những kết quả cụ thể mà doanh nghiệp đạt được cũng hết sức ấn tượng. Theo ông Tăng Quang Trọng, Giám đốc Mỹ Hảo “Việc tiếp xúc với khách hàng đã giúp công ty điều chỉnh lại khiếm khuyết. Qua đó đầu tư vào sản xuất và cho ra sản phẩm tốt hơn.” Cũng theo ông Trọng, công ty của ông đã mở rộng hệ thống phân phối ra khắp 63 tỉnh thành và doanh số đã tăng đến 25% trước khi có cuộc vận động này diễn ra.
Còn với bà Vũ Thị Thuận, Tổng Giám đốc của TRAPHACO thì khi hưởng ứng cuộc vận động này, bản thân công ty bà cũng phải “đổi mới quy trình công nghệ để có được những sản phẩm phù hợp hơn với yêu cầu của khách hàng”.
Khi đưa ra cuộc vận động này ý tưởng tốt đẹp của nó là điều không phải bàn cãi. Nói như ông Nguyễn Khánh Trung: “Cuộc vận động này rất có ý nghĩa và đã có những chuyển biến tích cực trong nhận thức của người tiêu dùng Việt Nam hiện nay.” Và ông dẫn giải thêm một ví dụ điển hình: Nếu người Hàn Quốc không ưu tiên dùng hàng nước họ, có lẽ, họ đã không có được một đất nước phát triển như hiện nay.
Nhưng trên thực tế, cũng theo ông Trung, các sản phẩm Việt vẫn chưa đủ sức cạnh tranh một cách sòng phẳng với thương hiệu ngoại trên sân nhà. Từ mà ông dùng để mô tả là “lịch sử”. Thật vậy, có lẽ, chúng ta chưa có một lịch sử kinh doanh, chưa có một ý thức xây dựng thương hiệu bài bản.
Và để thay đổi câu chuyện mang tính “lịch sử” này, có lẽ, không chỉ và không nên dừng lại với chỉ riêng một cuộc vận động đánh vào lòng tự hào dân tộc.
Nhóm PV DN&PL