Để hoạt động của sàn giao dịch bất động sản không còn là “hình thức”

Theo số liệu Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) vừa công bố, tính đến ngày 31/12/2009 cả nước đã có 368 sàn giao dịch bất động sản được thành lập và đã được đưa lên website của mạng các sàn giao dịch bất động sản Việt Nam.

Dù số lượng sàn phát triển khá nhanh nhưng lượng giao dịch qua sàn vẫn rất thấp và chỉ mang tính hình thức. Ảnh minh họa.
Dù số lượng sàn phát triển khá nhanh nhưng lượng giao dịch qua sàn vẫn rất thấp và chỉ mang tính hình thức. Ảnh minh họa.

Theo số liệu Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) vừa công bố, tính đến ngày 31/12/2009 cả nước đã có 368 sàn giao dịch bất động sản được thành lập và đã được đưa lên website của mạng các sàn giao dịch bất động sản Việt Nam.

Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, dù số lượng sàn phát triển khá nhanh, song nhìn chung lượng giao dịch bất động sản qua sàn trong thời gian qua vẫn rất thấp và chỉ mang tính hình thức.

Hình thức vì cơ chế?

Việc lượng bất động sản được giao dịch thông qua sàn hiện nay vẫn chiếm tỉ lệ rất thấp so với số lượng dự án có một phần nguyên nhân từ những quy định của nhà nước đối với bất động sản được phép giao dịch qua sàn.

Trả lời phỏng vấn DiaOcOnline.vn, Ông Phùng Văn Năng, Trưởng ban Điều hành Mạng sàn giao dịch miền Nam kiêm Tổng Giám Đốc Công ty Bất Động Sản Nam Việt cho biết nhiều quy định trong hoạt động giao dịch bất động sản vẫn còn nhiều bất cập. Thực tế cho thấy, hiện nay hầu hết sản phẩm chung cư hoặc đất nền dự án khi chủ đầu tư tung ra bán thì chủ yếu là bán dưới dạng hợp đồng góp vốn, chưa làm xong phần móng hoặc chưa xong cơ sở hạ tầng. Trong khi Pháp luật quy định nhà đất mua bán qua sàn phải là sản phẩm hoàn chỉnh, nghĩa là thì phải có sổ hồng.

“Khi các sàn chào bán những sản phẩm này sẽ vi phạm Thông tư 13 bởi không thể đáp ứng được 3 yếu tố: Thứ nhất là đảm bảo hồ sơ pháp lý và hoàn thành phần móng hoặc hạ tầng; thứ 2 không đảm bảo việc quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng như không có quảng cáo trên Đài truyền hình nơi có dự án và thứ 3 là các thông tin không được cung cấp đầy đủ theo qui định”

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Giám đốc sàn giao dịch bất động sản Tín Nghĩa cho biết một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là dù mang danh “sàn” nhưng thực chất nhiều sàn giao dịch bất động sản chỉ là vỏ bọc bên ngoài mà chưa chú trọng đến chất lượng chuyên môn của sàn. Điều này làm giảm lòng tin của người dân đối với các sàn giao dịch bất động sản.

Đồng tình với quan điểm này, nhiều chuyên gia cho rằng hiệu quả giao dịch qua sàn chưa cao bởi tính chuyên nghiệp tại các sàn còn yếu, phần lớn các sàn giao dịch do chủ đầu tư tự thành lập để bán sản phẩm của chính mình. Vì vậy tính cạnh tranh thấp, thông tin thiếu minh bạch, các sàn không xây dựng chiến lược lâu dài và chỉ mang tính chất đối phó.

Ngoài ra, còn có nguyên nhân các chủ đầu tư bởi phần lớn chủ đầu tư các dự án bất động sản vẫn chưa muốn giao dịch qua sàn nên họ đã tìm mọi cách để “lách luật” bằng cách huy động vốn sớm thông qua các hợp đồng góp vốn ngay cả khi dự án vẫn còn trên giấy nhằm tối đa hóa lợi nhuận và tránh những rắc rối về tính pháp lý của dự án khi giao dịch qua sàn.

Hướng giải quyết?

Từ những khó khăn nêu trên, ông Phùng Văn Năng cho rằng để hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản không còn là hình thức Mạng các sàn giao dịch bất động sản nên thường xuyên tổ chức hội thảo “Hoạt động của sàn giao dịch bất động sản” nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nêu lên những bất cập tìm ra nguyên nhân cốt lõi có tính hệ thống và kiến nghị biện pháp khắc phục những bất cập để Bộ Xây dựng xem xét và hiệu chỉnh cho phù hợp với tình hình thị trường và thực tế xã hội.

“Nếu khắc phục được những vấn đề đã nêu trên và đưa ra những qui định phù hợp thì thị trường bất động sản cũng như hoạt động của các sàn sẽ tốt hơn nhiều và trở nên minh bạch hơn”, ông Năng nhấn mạnh.

Theo ý kiến của bà Hương, để các sàn giao dịch bất động sản thực hiện đúng vai trò là cầu nối giữa doan nghiệp và nhà đầu tư thì các doanh nghiệp phải xác định được là mình thành lập sàn giao dịch để làm gì bởi nếu lập sàn giao dịch mà chỉ để bán các sản phẩm của mình mà không phục vụ cho thị trường thì tốt nhất là không nên thành lập. Ngoài ra, các cơ quan quản lý nhà nước như Sở quy hoạch, Sở xây dựng,…cũng cần có sự quan tâm hỗ trợ cho các sàn giao dịch bất động sản nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp cũng như minh tính minh bạch của các sàn bởi thực tế hiện nay cho thấy phần lớn các sàn giao dịch bất động sản đều “tự bơi” trong hoạt động của mình.

“Bên cạnh việc hỗ trợ thông tin, chính sách cho các doanh nghiệp thì các cơ quan quản lý nhà nước cần lập ra một “chuẩn” để các doanh nghiệp phấn đấu đạt được. “chuẩn” này không những phản ánh quy mô, chất lượng dịch vụ của sàn giao dịch bất động sản mà còn phải bao gồm cả những đánh giá của khách hàng đối với hoạt động của sàn, những đóng góp của sàn giao dịch đối với thị trường bất động sản nói chung,…” bà Hương kiến nghị.

Theo DiaOcOnline.vn

Đọc thêm