Để hợp tác xã Công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp phát triển bền vững

Việc tập trung ưu tiên phát triển mô hình HTX Công nghiệp (CN) -TTCN được xem là biện pháp hữu hiệu nhằm đảm nhận vai trò “đầu  tàu” cho các hộ xã viên trong việc tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm...

Với một địa phương có tiềm năng thế mạnh về nguyên vật liệu để phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp như Lâm Đồng thì việc tập trung ưu tiên phát triển mô hình HTX Công nghiệp (CN) -TTCN được xem là biện pháp hữu hiệu nhằm đảm nhận vai trò “đầu  tàu” cho các hộ xã viên trong việc tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong vùng nông thôn.
Gia công hàng hàng may mặc ở HTX Hiệp Nhất (Đạ Tẻh).
Gia công hàng hàng may mặc ở HTX Hiệp Nhất (Đạ Tẻh).
Tuy nhiên, hiện nay vẫn có nhiều HTX CN - TTCN đã bộc lộ một số hạn chế nhất định, đòi hỏi các cấp, ngành cần phải có những biện pháp đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động cũng  như tính cạnh tranh trong lĩnh vực kinh tế tập thể này.

Thống kê của Sở Công thương Lâm Đồng cho biết, tính đến thời điểm này toàn tỉnh có 20 HTX đang hoạt động trong lĩnh vực công thương, với tổng vốn hoạt động trên 20 tỷ đồng, bao gồm có 4 HTX hoạt động thương mại và 16 HTX hoạt động trong lĩnh vực sản xuất CN - TTCN, giải quyết công ăn việc làm thường xuyên cho 280 xã viên và 500 lao động trên địa bàn toàn tỉnh. Các HTX này chủ yếu hoạt động trên các lĩnh vực như: thêu tay, dệt thổ cẩm, chế biến gỗ, thủ công mỹ nghệ, dâu tằm tơ, cơ khí và sửa chữa ô tô… Mặc dù các HTX CN - TTCN có quy mô còn nhỏ bé, song lại luôn được sự quan tâm của các ban ngành, địa phương trong tỉnh như: tạo điều kiện cho vay vốn ưu đãi, tổ chức tham quan, học tập, bồi dưỡng kiến thức quản lý nâng cao khả năng cạnh tranh cho các HTX, hỗ trợ truyền nghề, khôi phục ngành nghề thủ công truyền thống, mở ra các ngành sản xuất và sản phẩm mới bằng nguồn kinh phí khuyến công... Chính vì vậy, gần đây có nhiều HTX đã chủ động cải thiện, khắc phục khó khăn, mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, tìm hướng đi mới, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động trong vùng nông thôn, duy trì và phát triển ngành nghề truyền thống đặc trưng của địa phương… Theo đó, trong 9 tháng đầu năm nay các HTX CN -TTCN trên địa bàn đạt tổng doanh thu trên 25,6 tỷ đồng, trong đó giá trị sản xuất công nghiệp đạt gần 11 tỷ đồng, tăng 45,96% so với cùng kỳ này năm ngoái.

Một số người quan tâm đến  lĩnh vực này cho rằng, tuy khu vực HTX CN - TTCN đã đạt được một số kết quả nhất định, song vẫn chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh của một địa phương có nhiều lợi thế để phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp theo mô hình kinh tế hợp tác. Những nguyên nhân tồn tại trên trước hết phải kể đến tình hình sản xuất kinh doanh, doanh thu, lợi nhuận sau thuế của các HTX còn thấp; quy mô sản xuất kinh doanh nhỏ, cơ sở vật chất kỹ thuật nghèo nàn, trình độ công nghệ lạc hậu, thiết bị máy móc thô sơ, cũ kỹ từ nhiều thập kỷ trước; mẫu mã sản phẩm đơn điệu, chưa có thương hiệu nổi bật, do đó chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, năng lực quản lý điều hành của phần lớn đội ngũ cán bộ lãnh đạo HTX còn yếu, trong khi đó lại không thu hút được lực lượng cán bộ trẻ có năng lực để đảm nhiệm vai trò dẫn dắt các HTX CN - TTCN của địa phương phát triển bền vững. Chính vì vậy, mà phần lớn các HTX CN - TTCN hiện nay chưa tạo được sức hấp dẫn và lôi cuốn xã viên và người lao động yên tâm gắn bó lâu dài xây dựng HTX phát triển ổn định và vững chắc trong xu thế hội nhập… Đây thực sự là những thách thức, trở ngại không nhỏ cho sự sống còn và phát triển của các HTX CN - TTCN trên địa bàn toàn tỉnh.
Trong xu thế hội nhập hiện nay, để các HTX CN -TTCN trong tỉnh phát triển bền vững, trước hết các HTX cần chủ động nâng cao tinh thần tự lực, tự cường, quan tâm đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, tiếp cận khai thác thị trường mới, khơi dậy nguồn lực trong xã viên. Trên cơ sở đó, cần tập trung xây dựng được một môi trường công nghiệp sôi động trong đơn vị, đặc biệt chủ động xây dựng một chiến lược sản xuất kinh doanh dài hơi và có những phương án sản xuất kinh doanh tối ưu trong từng giai đoạn nhằm khái thác có hiệu quả nguồn vốn ưu đãi của Trung ương và địa phương để tập trung phát triển ổn định và vững chắc trong xu thế hội nhập. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần có những quyết sách và giải pháp phù hợp nhằm giúp cho khu vực kinh tế hợp tác này phát triển mạnh mẽ và trở thành hạt nhân nòng cốt trong nền kinh; đồng thời khuyến khích thành lập các HTX CN - TTCN với vai trò làm vệ tinh cho các nhà máy chế biến công nghiệp và liên kết với sản xuất nông nghiệp ở các vùng nguyên liệu tạo thành một vòng khép kín; đặc biệt cần quan tâm phát triển các ngành nghề truyền thống ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm thu hút nhiều lao động trong vùng nông thôn, góp phần nâng cao đời sống cho lao động nông nhàn, từng bước làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong khu vực vùng sâu, vùng xa xôi hẻo lánh, đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh.
Hải Phong

Đọc thêm