Để mỗi gia đình là một tế bào mạnh khỏe

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Ai cũng biết câu “gia đình là tế bào của xã hội”. Tế bào có mạnh khỏe thì xã hội mới ổn định. Thế nhưng, trong một hội thảo do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam vừa tổ chức, những số liệu cho thấy có một số vấn đề chưa ổn.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ý kiến đóng góp của một lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho rằng ngày nay nhiều mối quan hệ vợ chồng bị biến đổi theo chiều hướng xấu. Sự thủy chung, tình nghĩa, hòa thuận vợ chồng có biểu hiện suy giảm. Tỷ lệ ly hôn tăng nhanh do người trẻ bị chi phối bởi lối sống cởi mở, thực dụng, chạy theo lợi ích vật chất. Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 cho thấy tỷ lệ ly hôn là 1%, đến 2019 đã tăng lên 1,8%.

Quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa, chuyển dịch lao động; thay đổi về việc làm, sinh kế, thu nhập cũng tác động lớn đến mối quan hệ của các gia đình. Mâu thuẫn về tài sản, đất đai, lợi ích kinh tế đã làm tan vỡ các mối quan hệ gia đình, dòng tộc, thậm chí có cả những thảm án.

Lãnh đạo Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) cho rằng, hiện nay phụ nữ vẫn chủ yếu đảm nhiệm công việc nội trợ, song song với đi làm kiếm thu nhập. Gánh nặng công việc gia đình của người vợ chưa được người chồng đánh giá san sẻ đúng mức. Điều này khiến nhiều phụ nữ bị giảm sút sức khỏe, không có thời gian nghỉ ngơi, giải trí, hạn chế sự phát triển, giảm chất lượng mối quan hệ vợ chồng. Số cuộc ly hôn tăng dần qua các năm và tỷ lệ nữ đứng đơn ly hôn ngày càng nhiều hơn nam giới. Lá đơn ly hôn do phụ nữ đứng tên phản ánh "tác động của nền kinh tế thị trường đã len lỏi vào đời sống gia đình, chi phối cả tình cảm vợ chồng và dẫn đến những cuộc ly hôn đáng tiếc".

Lãnh đạo Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nêu thực trạng một bộ phận thanh niên kết hôn muộn, không muốn lập gia đình, ngại sinh con. Thực trạng này bắt nguồn từ những áp lực của xã hội về cơ hội nghề nghiệp, tài chính, chi phí chăm sóc, nuôi dạy con cái và nhãn quan của họ về hệ thống giáo dục, y tế và phúc lợi xã hội.

Bối cảnh kinh tế, văn hóa, xã hội của Việt Nam chuyển đổi nhanh khiến gia đình Việt Nam đứng trước những thay đổi chưa từng có. Chung sống không kết hôn, hôn nhân xuyên biên giới, môi giới hôn nhân, mang thai hộ, làm mẹ đơn thân, quan hệ đồng giới... xuất hiện nhiều hơn và được một bộ phận xã hội chấp nhận. Sự phân hóa của gia đình Việt Nam không chỉ diễn ra trên bình diện điều kiện kinh tế, mức sống, chi tiêu mà còn ở cả hệ giá trị, chuẩn mực, lối sống, thành các nhóm, các tầng lớp với những năng lực, nhu cầu khác nhau.

Những nghiên cứu trên cho chúng ta thấy không chỉ cần Nhà nước có những chính sách, quyết sách, mà mỗi một người sống trong xã hội cần nhìn nhận lại vấn đề riêng trong gia đình mình, vấn đề chung với toàn xã hội. Cần cụ thể hóa bằng sự bình đẳng giữa các thành viên, giữa nam và nữ, giữa vợ và chồng; cụ thể như có sự bàn bạc dân chủ với mọi việc trong gia đình, duy trì phân công lao động theo giới nhưng có sự chia sẻ giữa các thành viên. Mối quan hệ gia đình được vun đắp bền vững, tốt đẹp dựa trên sự phân công hợp lý và tích cực, các thành viên hỗ trợ lẫn nhau, để mỗi người đều cảm thấy vui vẻ và ấm áp, phát huy hết các khả năng cá nhân. Trong các mối quan hệ, cần lắng nghe, chia sẻ để đạt tới sự thấu hiểu và tôn trọng. Có như vậy, mỗi gia đình mới là một tế bào thực sự mạnh khỏe, để có một xã hội tiến bộ, thịnh vượng.

Đọc thêm