Cô gái lan tỏa nông nghiệp sạch đến cộng đồng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Rời công việc ổn định ở phố thị, chị Võ Thị Nhung Nhi (30 tuổi, ngụ thôn 5, xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) trở về quê hương xây dựng mô hình nông nghiệp tuần hoàn. Sau hơn 2 năm miệt mài, chị đã gặt hái thành công đáng nể với lợi nhuận lên tới 500 triệu đồng mỗi năm.
Chị Nhi giới thiệu các sản phẩm sạch từ trang trại của mình tại gian hàng thanh niên khởi nghiệp.
Chị Nhi giới thiệu các sản phẩm sạch từ trang trại của mình tại gian hàng thanh niên khởi nghiệp.

Mô hình “vườn - ao - chuồng” khép kín

Giữa cái nắng gay gắt của mùa khô Tây Nguyên, trang trại rộng 2 ha của chị Nhi ở xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà vẫn xanh mướt và tràn đầy sức sống. Ít ai biết, trước khi trở thành một chủ trang trại trẻ, chị Nhi từng có nhiều năm gắn bó với công việc truyền thông tại một doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh, có cơ hội được đi nhiều nước và tiếp xúc với các mô hình nông nghiệp hữu cơ tiên tiến trên thế giới.

Năm 2017, chị Nhi tốt nghiệp Đại học ngành tài chính - marketing ở TP Hồ Chí Minh. Ra trường, chị làm truyền thông cho một doanh nghiệp với mức thu nhập ổn định. Tuy nhiên, sau thời gian làm việc tại thành phố lớn, chị Nhi bắt đầu nung nấu ý tưởng đưa các kỹ thuật canh tác sạch, bền vững về áp dụng ngay tại quê nhà. Dù nhiều người khuyên ngăn, nhưng với quyết tâm thực hiện ước mơ, năm 2021, chị quyết định về quê khởi nghiệp.

Ban đầu, hành trình trở về không dễ dàng. Khu vườn hoang hóa lâu năm của gia đình buộc chị phải cải tạo từ đầu, học hỏi từng kỹ thuật nhỏ nhất từ trồng cây ăn trái, xử lý đất, làm cỏ đến chăm sóc cây trồng trong điều kiện khắc nghiệt của vùng đất Tây Nguyên. Ngoài ra, chị Nhi còn thường xuyên tìm đến học hỏi các mô hình nông nghiệp hiệu quả trên địa bàn để trao đổi kinh nghiệm và từng bước khắc phục khó khăn khi sản phẩm đầu tay ra đời.

Từ bỏ phố thị, chị Nhi trở về quê gầy dựng trang trại cây ăn trái kết hợp chăn nuôi heo rừng theo hướng hữu cơ.

Từ bỏ phố thị, chị Nhi trở về quê gầy dựng trang trại cây ăn trái kết hợp chăn nuôi heo rừng theo hướng hữu cơ.

“Có những thời điểm khó khăn tưởng chừng muốn buông xuôi, nhưng mỗi khi nhìn lại con đường đã chọn, tôi càng tự nhủ bản thân phải nỗ lực hơn nữa. Thành công sẽ không đến dễ dàng nếu bản thân không dám vượt qua thử thách”, chị Nhi chia sẻ.

Với mô hình nông nghiệp tuần hoàn, chị Nhi đã tận dụng tối đa những tài nguyên sẵn có tại địa phương. Vỏ cà phê, thân cỏ được tận dụng làm phân bón hữu cơ cho vườn cây, cây chuối và hoa quả hỏng trở thành nguồn thức ăn hữu ích cho đàn heo rừng và gà thả đồi. Ngoài ra, hệ thống ao cá với nhiều loài như cá lóc, cá chép được chị phát triển nhằm cung cấp thêm nguồn thu nhập ổn định.

Sau hơn 2 năm, mô hình vườn - ao - chuồng khép kín của chị không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội mà còn giúp chị mở rộng quy mô, thử nghiệm thêm các giống cây dược liệu tiềm năng, góp phần đa dạng hóa sản phẩm của trang trại. Đến nay, trang trại của chị Nhi mang lại lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng mỗi năm.

Phát triển nông nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường

Với sự giúp sức của bạn bè và các đoàn viên của đoàn thanh niên huyện đoàn Đăk Hà, sản phẩm từ trang trại của chị Nhi nhanh chóng nhận được sự đón nhận tích cực từ thị trường. Chất lượng sản phẩm được người dùng đánh giá cao, khách hàng tin tưởng giới thiệu nhau, giúp chị từng bước mở rộng thị trường và xây dựng chuỗi liên kết với các hộ nông dân trong vùng để nâng cao giá trị sản phẩm.

Chị Võ Thị Nhung Nhi về quê xây dựng mô hình nông nghiệp sạch.

Chị Võ Thị Nhung Nhi về quê xây dựng mô hình nông nghiệp sạch.

Chị Nhi bày tỏ: “Mô hình tuần hoàn không chỉ tối ưu chi phí, tạo ra nông sản sạch và an toàn mà còn giúp giảm thiểu tác động đến môi trường. Tôi tin rằng, với sự liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất và người tiêu dùng, nông nghiệp sạch sẽ ngày càng phát triển, tạo đà cho kinh tế địa phương vững mạnh”.

Anh Hà Quốc Mạnh, Bí thư Huyện đoàn Đăk Hà đánh giá rất cao những thành quả mà chị Nhi đạt được. Anh Mạnh cho biết, chị Nhi là một điển hình tiêu biểu của người trẻ biết vận dụng kiến thức, dám từ bỏ công việc ổn định để trở về xây dựng quê hương bằng con đường khởi nghiệp. “Mô hình của chị Nhi không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn gắn liền với định hướng phát triển nông nghiệp bền vững của địa phương, là tấm gương để nhiều bạn trẻ học tập và noi theo”, anh Mạnh nhấn mạnh.

Đọc thêm