Truyền thông Chính sách

Đề nghị bổ sung các trường hợp không được đăng ký tham gia đấu giá

(PLVN) -Một trong những mục tiêu khi ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản theo Bộ Tư pháp là tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy tính chuyên nghiệp, công khai, minh bạch, khách quan của hoạt động đấu giá.

Luật Đấu giá tài sản quy định trình tự, thủ tục chung áp dụng đối với tất cả các loại tài sản phải bán theo quy định của pháp luật, tạo ra tính thống nhất, chặt chẽ trong hoạt động đấu giá, giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật, phân định rõ trách nhiệm của người có tài sản đấu giá trong các giai đoạn đấu giá, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đấu giá tài sản phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa.

Tuy nhiên, theo Bộ Tư pháp, pháp luật về đấu giá tài sản còn một số quy định chưa chặt chẽ về trình tự, thủ tục, chưa phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn, vướng mắc cho tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá và các cá nhân, tổ chức có liên quan (chẳng hạn như quy định về thời hạn bán, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá còn chưa hợp lý; chế tài xử lý chưa đủ mạnh đối với các hành vi vi phạm, chưa có cơ chế hủy kết quả đấu giá trong một số trường hợp; quy định về trường hợp cấm tham gia đấu giá còn chưa đầy đủ..); việc áp dụng một số quy định chung của Luật Đấu giá tài sản đối với một số loại tài sản đặc thù như tài sản thi hành dân sự còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Chất lượng dịch vụ đấu giá nhìn chung còn chưa có hiệu quả, tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, thông đồng, dìm giá trong các phiên đấu giá ngày càng có xu hướng tinh vi, phức tạp; cơ chế kiểm soát việc đấu giá còn bộc lộ một số vướng mắc. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là việc áp dụng hình thức đấu giá trực tuyến còn một số hạn chế, khó khăn. Một số tổ chức đấu giá không tuân thủ nghiêm túc về trình tự, thủ tục đấu giá, còn tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Điều này gây ảnh hưởng đến uy tín và sự phát triển lành mạnh của hoạt động đấu giá.

Còn tình trạng người có tài sản đấu giá, nhất là tài sản công chưa thực hiện vai trò, trách nhiệm của mình trong quá trình đấu giá tài sản, thậm chí một số trường hợp còn có biểu hiện thông đồng, móc nối với tổ chức đấu giá tài sản, người tham gia đấu giá để trục lợi; lợi dụng các tổ chức “sân sau’ để đấu giá.

Do đó, việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy tính chuyên nghiệp, công khai, minh bạch, khách quan, tính bền vững của hoạt động đấu giá; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động bán đấu giá tài sản, cũng như công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.

Theo đó, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định về bán, tiếp nhận hồ sơ, thành phần hồ sơ, thời gian nộp hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá theo hướng đảm bảo tính đồng bộ, khả thi trong việc người có tài sản thẩm tra hồ sơ, xác định năng lực, điều kiện của người tham gia đấu giá. Đáng chú ý, dự thảo bổ sung các trường hợp không được đăng ký tham gia đấu giá để tăng cường tính khách quan, minh bạch, bảo mật thông tin, tránh thông đồng, dìm giá. Theo đó, cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột; công ty mẹ, công ty con, cá nhân, tổ chức có khả năng chi phối cá nhân, tổ chức khác thông qua sở hữu, thâu tóm phần vốn góp hoặc thông qua việc ra quyết định khi đăng ký tham gia đấu giá trong cùng một tài sản đấu giá không được đăng ký tham gia đấu giá .

Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung quy định về hình thức đấu giá trực tuyến, theo đó, trong trường hợp áp dụng hình thức đấu giá trực tuyến thì tổ chức đấu giá tài sản sử dụng Trang thông tin đấu giá trực tuyến quốc gia hoặc Trang thông tin đấu giá trực tuyến của các tổ chức đấu giá tài sản. Về hình thức đấu giá gián tiếp cũng được quy định theo hướng rõ ràng, chặt chẽ, đảm bảo tính bảo mật, khách quan của việc gửi phiếu trả giá, công bố phiếu trả giá.

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 47 về trách nhiệm của người có tài sản trong quá trình tổ chức đấu giá. Theo đó, người có tài sản có quyền yêu cầu tổ chức đấu giá tài sản dừng việc tổ chức đấu giá; đấu giá viên dừng cuộc đấu giá khi có quyết định hoãn, tạm đình chỉ thi hành án, tạm dừng việc thi hành án để giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp đấu giá tài sản thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng quy định về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về đấu giá ở Trung ương trong việc xây dựng, quản lý và hướng dẫn sử dụng Cổng đấu giá tài sản quốc gia và trách nhiệm của tổ chức vận hành Cổng thông tin nhằm đảm bảo tính độc lập, khách quan, an toàn, bảo mật thông tin trong việc vận hành hệ thống; về chế tài xử lý đối với người tham gia đấu giá tron trường hợp không nộp hoặc nộp không đúng tiền trúng đấu giá.

Đọc thêm