Đề nghị chỉ "siết" điều kiện nhập cư ở nội thành

Tại Điều 19 của Luật Thủ đô chỉ quy định các điều kiện hạn chế hơn về đăng ký thường trú đối với các trường hợp đăng ký thường trú vào nội thành, tức là khu vực gồm các quận của thành phố Hà Nội, còn đối với khu vực ngoại thành, Luật Thủ đô không đưa ra các quy định hạn chế đăng ký thường trú. Do đó, Ủy ban Pháp luật đề nghị chỉ áp dụng các điều kiện hạn chế đăng ký thường trú trong nội thành của các thành phố trực thuộc trung ương.

Trong phiên họp thứ 16, UBTVQH chiều qua cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú.

Theo quy định của dự thảo Luật, ngoài quy định tăng thời gian tạm trú từ 1 năm lên 2 năm, dự thảo Luật đã bổ sung quy định công dân được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương khi có chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân, tổ chức thì còn phải bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của HĐND thành phố, có xác nhận của chính quyền địa phương hoặc công chứng, được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản. Nơi đề nghị đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật cho rằng việc áp dụng quy định này trên phạm vi toàn thành phố trực thuộc trung ương là quá rộng vì trên thực tế nhiều huyện ngoại thành của các thành phố trực thuộc trung ương hiện nay không phải chịu áp lực về mật độ dân cư, có huyện còn khuyến khích dân cư đến ở. Mặt khác, sự quá tải về dân cư tập trung chủ yếu ở nội thành Hà Nội thì ngày 8/12/2012, Quốc hội đã thông qua Luật Thủ đô để giải quyết vấn đề này.

Tuy vậy, tại Điều 19 của Luật Thủ đô cũng chỉ quy định các điều kiện hạn chế hơn về đăng ký thường trú đối với các trường hợp đăng ký thường trú vào nội thành, tức là khu vực gồm các quận của thành phố Hà Nội, còn đối với khu vực ngoại thành, Luật Thủ đô không đưa ra các quy định hạn chế đăng ký thường trú. Do đó, Ủy ban Pháp luật đề nghị chỉ áp dụng các điều kiện hạn chế đăng ký thường trú trong nội thành của các thành phố trực thuộc trung ương. Quan điểm của Ủy ban Pháp luật được nhiều ủy viên UBTVQH đồng tình.

Riêng về quy định trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân, tổ chức… thì phải có xác nhận của chính quyền địa phương hoặc công chứng, Ủy ban Pháp luật cho rằng quy định này tăng thêm thủ tục hành chính, gây phiền hà, tốn kém, dễ bị lợi dụng làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người dân. Vì vậy, Ủy ban đề nghị bỏ quy định này.

Thu Hằng 

Đọc thêm