Đề nghị EU gỡ bỏ thẻ vàng trong phòng chống đánh bắt cá bất hợp pháp cho Việt Nam

(PLVN) - Theo Bộ Ngoại giao, ngày 17/2, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng và bà Paola Pampaloni - Phó Tổng Vụ trưởng Châu Á – Thái Bình Dương của Cơ quan Đối ngoại Châu Âu (EEAS) - đã đồng chủ trì cuộc họp lần thứ nhất Tiểu ban các vấn đề chính trị trong khuôn khổ Ủy ban hỗn hợp về triển khai Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam – EU (PCA). 
Hình ảnh tại cuộc họp.
Hình ảnh tại cuộc họp.

Cuộc họp đầu tiên của Tiểu ban chính trị đã diễn ra ngay sau khi Nghị viện châu Âu bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA), mở ra những triển vọng mới cho quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và EU. 

Tại cuộc họp, hai Trưởng Đoàn bày tỏ hài lòng về các bước phát triển tích cực của mối quan hệ giữa Việt Nam và EU trong 3 thập kỷ qua cũng như trong thời gian gần đây với việc triển khai kết quả phiên họp đầu tiên của Ủy ban hỗn hợp về triển khai PCA tháng 5/2019 tại Hà Nội; nhấn mạnh mong muốn tiếp tục làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác toàn diện nhằm đáp ứng lợi ích và yêu cầu của cả hai bên. 

Trên tinh thần đó, Thứ trưởng Tô Anh Dũng đề nghị hai bên tăng cường trao đổi đoàn các cấp, phối hợp triển khai các hoạt động kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, sớm đưa vào thực thi hai Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và EU và đề nghị EU gỡ bỏ thẻ vàng trong việc phòng chống đánh bắt cá bất hợp pháp (IUU). 

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng và Phó Tổng Vụ trưởng Châu Á – Thái Bình Dương Paola Pampaloni đã trao đổi về các ưu tiên của Ban lãnh đạo EU nhiệm kỳ 2019-2024, Năm Chủ tịch ASEAN 2020 và nhiệm kỳ Chủ tịch Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc 2020-2021 của Việt Nam; trao đổi về nhiều biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác Việt Nam - EU trên nhiều lĩnh vực; đồng thời chia sẻ thông tin về tình hình quan hệ của nhau với các đối tác lớn cũng các vấn đề khu vực và quốc tế hai bên cùng quan tâm. 

Về vấn đề Biển Đông, hai bên khẳng định các tranh chấp phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS); ủng hộ việc duy trì an ninh, an toàn hàng hải và hàng không, thượng tôn pháp luật tại Biển Đông và nhấn mạnh vai trò ngày càng quan trọng của ASEAN trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực. 

Việt Nam hoan nghênh vai trò của EU trong các nỗ lực nhằm nâng cao hiệu quả quản trị toàn cầu và liên kết khu vực. EU đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và vị thế của Việt Nam tại khu vực, mong muốn tăng cường phối hợp để thúc đẩy quan hệ ASEAN – EU.

 EU và Việt Nam nhất trí tăng cường hợp tác trong các vấn đề toàn cầu, đóng góp cho hòa bình và phát triển tại khu vực và trên thế giới.

Đọc thêm