Đề nghị giám đốc thẩm vì việc phân chia đất không theo di chúc

(PLVN) - Cho rằng nhận định của tòa án phúc thẩm có nội dung không đúng với quy định của pháp luật, không phù hợp với di chúc của cha mẹ để lại… gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình, ông Tiến đã làm đơn gửi TAND cấp cao tại Hà Nội, đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm.
Ảnh minh họa.

Không xem xét vì tại tòa sơ thẩm, bị đơn không có đơn phản tố

Theo hồ sơ vụ án dân sự sơ thẩm số 41/2019/DS-ST ngày 17/12/2019 của TAND huyện Hoài Đức và bản án DS-PT số 389/2021/DS – PT ngày 29/10/2021 của TAND TP Hà Nội, cụ Lê Quang Diệu và cụ Vũ Thị Phúc ở xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội có 5 con trai là ông Lê Quang Chiểu, Lê Quang Dân, Lê Quang Liên, Lê Quang Thọ và Lê Quang Tiến (SN 1962, ở xã An Khánh). Ngày 6/1/2009, hai cụ lập di chúc bằng văn bản với nội dung mảnh đất tại khu tập thể Nhà máy M1 xã An Khánh, cho 5 con. Di chúc trên được lập thành 5 bản chính, có chữ ký của 2 cụ, 5 người con được hưởng thừa kế và 2 người làm chứng.

“Sau khi cụ Phúc mất (tháng 7/2009), anh em tôi đã lập sơ đồ phân chia đất theo sự chỉ đạo của bố (cụ Diệu)”, ông Tiến nói. Tiếp lời, ông Tiến cho biết năm 2010, cụ Diệu đã làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho thửa đất trên với diện tích là 564,8m2 (gồm 450m2 đất được Bộ Tư lệnh thông tin liên lạc cấp và 114,8m2 tôn tạo thêm trước năm 1993). Gia đình cụ Diệu đã nộp lệ phí để làm 3 GCNQSDĐ mang tên ông Diệu, ông Liên và ông Tiến. Tuy nhiên, thửa đất trên chưa được cấp GCNQSDĐ.

Đến tháng 3/2014 cụ Diệu mất, toàn bộ thửa đất do 5 người con của hai cụ trực tiếp quản lý, sử dụng và đã xây dựng các công trình tài sản trên đất. Cuối năm 2017, ông Chiểu và ông Dân dỡ bỏ nhà cũ để xây mới thì xảy ra tranh chấp với gia đình ông Tiến. Do đó ông Chiểu, ông Dân, ông Liên và ông Thọ làm đơn ra tòa, yêu cầu chia diện tích đất theo quy định của pháp luật. Ban đầu, đơn khởi kiện với diện tích là 564,8 m2, sau đó thay đổi nội dung khởi kiện với diện tích đất 450m2, phần diện tích đất do ông Diệu khai hoang 114,8 m2, họ không yêu cầu tòa án xem xét giải quyết.

Sau khi xét xử, TAND huyện Hoài Đức nhận định di chúc của cụ Diệu, cụ Phúc lập ngày 6/1/2009 và sơ đồ phân chia kèm không phải là di chúc hợp pháp. Do đó, tòa tuyên chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn, chia di sản thừa kế thành 5 phần. Trong đó, ông Tiến – bị đơn được quyền sở hữu, sử dụng diện tích 144,5m2 cùng các công trình trên đất và có trách nhiệm thanh toán chênh lệch giá trị tài sản cho các đồng thừa kế.

Sau phiên tòa sơ thẩm, ông Tiến kháng cáo yêu cầu chia thừa kế cả phần diện tích đất lấn chiếm.

Đưa vụ án ra xét xử, sau khi nghị án, HĐXX TAND TP Hà Nội nhận định tại cấp sơ thẩm, ông Tiến không có đơn phản tố nên HĐXX không xem xét, chỉ xem xét giải quyết đối với diện tích 450m2 theo yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Đối với đề nghị công nhận tính hợp pháp và chia di sản thừa kế của cụ Phúc, cụ Diệu theo bản di chúc ngày 6/1/2009 và sơ đồ phân chia đất kèm theo đối với diện tích 564,8m2 của ông Tiến, HĐXX không chấp nhận vì cho rằng di chúc không phù hợp với quy định của pháp luật, sơ đồ phân chia cũng chỉ có chữ ký của các con cụ mà không có chữ ký của hai cụ.

Theo đó, tòa phúc thẩm tuyên sửa một phần bản án sơ thẩm. Cụ thể, chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn, xác định diện tích 450m2 có giá trị 5,4 tỷ là di sản của cụ Diệu và cụ Phúc; chia cho ông Tiến được quyền sở hữu, quản lý, sử dụng diện tích 144,5m2 cùng các công trình có trên đất và có trách nhiệm thanh toán chênh lệch giá trị tài sản cho các đồng thừa kế số tiền 163,5 triệu đồng. Các thừa kế có quyền liên hệ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được xem xét giải quyết với phần đất công gia đình khai phá, mở rộng và sử dụng trước ngày 15/10/1993 có diện tích 153,4m2 được giới hạn theo sơ đồ kỹ thuật kèm theo bản án…

Làm đơn đề nghị giám đốc thẩm vụ án

Cho rằng nhận định của cấp phúc thẩm có nội dung không đúng với quy định của pháp luật, chưa xem xét nội dung chứng cứ mình đưa ra… làm ảnh hưởng đến quyết định của bản án phúc thẩm, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình nên ông Tiến đã làm đơn gửi TAND cấp cao tại Hà Nội đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm.

Ông Tiến cho rằng TAND TP Hà Nội nhận định do ông không có yêu cầu phản tố tại cấp sơ thẩm nên HĐXX không xem xét là không đúng quy định của pháp luật. "Theo quy định tại khoản 2, Điều 200 Bộ luật Tố tụng dân sự, yêu cầu phản tố của bị đơn là nhằm mục đích bù trừ nghĩa vụ đối với nguyên đơn. Đây là vụ án tranh chấp chia tài sản thừa kế, ông Tiến không có bất kỳ khoản nợ nào đối với các nguyên đơn và ngược lại. Do đó, việc đưa ra yêu cầu phản tố để bù trừ nghĩa vụ đối với nhau trong vụ án này là không có và không đúng theo quy định của pháp luật." - ông Tiến nói.

Bên cạnh đó, ông Tiến cho rằng sơ đồ phân chia thừa kế của Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm là không đúng quy định của pháp luật. Ông Tiến dẫn chứng tại biên bản số 3702/BB-TTLL-UBND ngày 22/6/2018, về việc bàn giao mốc giới trên thực địa và hồ sơ quản lý đất đai khu gia đình nhà máy M1 và Kho K92 giữa Bộ tư lệnh thông tin liên lạc cho UBND huyện Hoài Đức quản lý, thửa đất có diện tích 603.4m2, đã thể hiện rõ tọa độ mốc giới từng điểm rõ ràng. Khu đất bao gồm 564.8 m2 của bố mẹ ông Tiến và khoảng 39m2 ông khai phá, tôn tạo trước năm 1993. “Tuy nhiên TAND huyện Hoài Đức lại không căn cứ vào mốc giới này để đo đạc mà lại tự vạch mốc giới để đo không có ý kiến của tôi”, ông Tiến nói.

Và theo lời trình bày của ông Tiến, năm 2010, khi bố ông làm hồ sơ đề nghị cấp GCNQSDĐ đã tiến hành đo vẽ toàn bộ khu đất có diện tích là 564,8m2, không bao gồm diện tích 39m2 đất riêng của ông nằm phía sau nhà ông Liên như hiện tại. Tuy nhiên, tại hồ sơ kỹ thuật thửa đất do TAND TP Hà Nội phân chia di sản thừa kế lại bao gồm cả phần diện tích đất riêng 39m2 của ông. “Tôi cho rằng, TAND huyện Hoài Đức và TAND TP Hà Nội đã tự ý phân chia đất không thuộc khu vực tranh chấp như vậy là không đúng quy định của pháp luật”, ông Tiến nói.

Đối với bản di chúc ngày 6/1/2009 của cụ Diệu, cụ Phúc, theo luật sư, di chúc đã thể hiện ý chí của bố, mẹ ông Tiến về việc định đoạt di sản, hoàn toàn hợp pháp, phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005. Bởi về tính hợp pháp của di chúc, di chúc của cụ Diệu, cụ Phúc có đầy đủ chữ ký của người lập, người làm chứng, các con, lập ngày 6/1/2009. Nội dung di chúc nói về việc phân chia tài sản đang ở và cho các con tự phân chia ra 5 phần đều nhau.

Ông Tiến cũng khẳng định sau khi lập di chúc bố, mẹ ông đã thực hiện phân chia cho các con với hiện trạng đất theo bản đồ do ông Dân vẽ dựa theo yêu cầu và ý chí của các cụ đã được sự đồng ý và ký nhận của 5 người con... Các con đã nhận từng phần đất được phân chia theo địa giới bằng chữ ký chính thức của mình vào sơ đồ được ông Dân thể hiện. Ông Tiến và các luật sư cho rằng việc tòa yêu cầu có chữ ký của bố mẹ ông trong sơ đồ phân chia là không cần thiết. “Việc nguyên đơn khai báo là anh em thống nhất vẽ ra sau khi cha mẹ mất là không đúng”, ông Tiến chia sẻ.

Và theo ông Tiến, việc TAND TP Hà Nội chưa xem xét nội dung chứng cứ của ông về việc công nhận của các nguyên đơn theo tờ bản đồ, đó là đơn trình bày và file ghi âm thể hiện các nguyên đơn đã đồng ý sự phân chia theo ý chí của bố mẹ ông đã ảnh hưởng đến quyết định của bản án phúc thẩm, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông, không đúng quy định của pháp luật.

Mặt khác, theo Luật sư, TAND huyện Hoài Đức và TAND TP Hà Nội đã không xác định vị trí mảnh đất diện tích 450 m2 được Bộ tư lệnh Thông tin cấp cho cụ Diệu chiều rộng 4,5 m và chiều dài 100 m nằm ở vị trí nào? Và diện tích đất hiện nay các ông Chiểu, Dân, Liên, Thọ đang chiếm hữu sử dụng nằm ngoài diện tích 450 m2 chưa được Tòa án xem xét đến.

Với những nội dung trên, ông Tiến làm đơn đề nghị giám đốc thẩm vụ án theo hướng hủy án sơ thẩm, phúc thẩm, trả lại hồ sơ để xét xử lại theo quy định chung nhằm xử lý vụ án đúng pháp luật và đảm bảo được quyền lợi hợp pháp của ông Tiến.

Tại tòa, diện UBND xã An Khánh cho biết từ tháng 6/2018, UB xã nhận bàn giao quản lý từ Bộ Tư lệnh thông tin. Khi tiếp nhận bàn giao, diện tích thực tế thửa đất của cụ Diệu là 603,4m2, thừa so với quyết định là 153,4m2 là do lấn chiếm đất công trước 15/10/1993. Thửa đất hiện phù hợp với quy hoạch đất ở nông thôn. Theo quy định phần diện tích đất lấn chiếm trước 15/10/1993 thì đủ điều kiện cấp GCNQSDĐ.

Đọc thêm