Đề nghị nâng thời hiệu khởi kiện thừa kế lên 30 năm

(PLO) - Thừa kế là một chế định lớn trong Bộ luật Dân sự, có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống của đông đảo người dân. Tuy nhiên, qua thời gian thực hiện Bộ luật Dân sự 2005, chế định này đã bộc lộ nhiều bất cập, điển hình là quy định về thời hiệu khởi kiện thừa kế. 

Một phiên Tòa tranh chấp thừa kế.
Một phiên Tòa tranh chấp thừa kế.
Thời hiệu khởi kiện 10 năm là quá ngắn
Nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, thời hiệu yêu cầu về quyền thừa kế 10 năm kể từ ngày người để lại di sản mất là quá ngắn, chưa đủ thời gian cho một người thừa kế hoàn thiện năng lực hành vi dân sự (NLHVDS) của mình để trực tiếp thực hiện quyền khởi kiện về thừa kế. Vì thời hạn 10 năm là quá ngắn, nhiều đương sự vì nhiều lý do chưa kịp khởi kiện đã hết thời hiệu nên TANDTC đã khắc phục tình trạng này bằng Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 (gọi tắt Nghị quyết 02). 
Theo đó, khi có tranh chấp về quyền thừa kế mà đã quá thời hạn 10 năm thì Tòa án sẽ giải quyết theo thủ tục chia tài sản chung. Quy định này vô hình trung đã làm cho việc quy định về thời hiệu khởi kiện về thừa kế trở thành không có ý nghĩa.
Bên cạnh đó, cách giải quyết vấn đề theo quy định tại Nghị quyết 02 đã nêu ở trên là không triệt để. Bởi vì, sau thời hạn 10 năm, để được Tòa án thụ lý giải quyết chia tài sản chung thì phải thỏa mãn hai điều kiện là “không có tranh chấp về hàng thừa kế” và “đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia”. Thực tế, để thỏa mãn hai điều kiện này trong khi các đồng thừa kế lại đang có tranh chấp với nhau là điều không tưởng. Điều này khiến quy định của Nghị quyết 02 chỉ mang tính hình thức.
Theo quan điểm của tôi, quy định thời hiệu yêu cầu về quyền thừa kế là 10 năm có sự chênh lệch lớn với thời hiệu xác lập quyền sở hữu. 
Theo quy định tại các Điều 171, 172 Dự thảo  thì thời hiệu xác lập quyền sở hữu đối với động sản là 10 năm, còn đối với bất động sản là 30 năm. Điều này dẫn tới một thực tế là: Nếu một người chiếm hữu bất động sản liên tục, ngay tình, công khai trong thời hạn 30 năm thì được xác lập quyền sở hữu và chủ sở hữu tài sản trước đó mất quyền đòi lại tài sản. Tuy nhiên, nếu tài sản đó được anh, em ruột cùng hàng thừa kế quản lý thì chỉ sau 10 năm không khởi kiện đã mất quyền khởi kiện đòi quyền sở hữu tài sản, đồng thời người thừa kế đang quản lý và sử dụng bất động sản cũng không thể xác lập được quyền sở hữu vì đang có tranh chấp.
Để giải quyết triệt để vấn đề, khắc phục được những vướng mắc, bất cập nêu trên, thiết nghĩ nên kéo dài thời hiệu yêu cầu Tòa án chia di sản thừa kế, đồng thời cho phép người đang trực tiếp quản lý, chiếm hữu và sử dụng di sản được xác lập quyền sở hữu đối với di sản theo hướng: “Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 30 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Sau thời hạn này, người đang trực tiếp quản lý, chiếm hữu và sử dụng di sản được xác lập quyền sở hữu đối với di sản đó”.
Mất năng lực hành vi dân sự, có quyền lập di chúc?  
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 630 Dự thảo BLDS thì người đủ 18 tuổi, người bị mất NLHVDS, người bị hạn chế NLHVDS và người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi của mình đều có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình? Điều này dẫn tới 02 cách hiểu trái ngược: Người mất NLHVDS, người bị hạn chế NLHVDS và người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi có quyền lập di chúc như người có đầy đủ NLHVDS? 
Hay người mất NLHVDS có quyền lập di chúc thông qua người đại diện theo pháp luật, còn người bị hạn chế NLHVDS và người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi của mình có quyền lập di chúc với sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật? Trường hợp cần sự đồng ý thì pháp luật cũng không quy định rõ sự đồng ý đó được thể hiện vào thời điểm nào và dưới hình thức nào?
Chúng tôi cho rằng, người bị mất NLHVDS là người không thể nhận thức và làm chủ được hành vi của mình nên họ không thể minh mẫn, sáng suốt và tự nguyện trong việc lập di chúc được. Do đó, cần có quy định người mất NLHVDS không được lập di chúc.
Theo Khoản 2 Điều 630 Dự thảo thì người từ đủ 15 tuổi đến 18 tuổi muốn lập di chúc phải được sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ về việc lập di chúc. Tuy nhiên, điều luật cần quy định rõ về thời điểm và hình thức sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ theo hướng: Sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ được thừa nhận vào thời điểm nào, trước, trong hay sau khi con lập di chúc, hay cả 03 thời điểm đều có giá trị pháp lý? Sự đồng ý đó thể hiện bằng miệng hay văn bản? 
Từ các phân tích trên, theo tôi, Điều 630 Dự thảo cần được sửa đổi theo hướng: “1. Người đã thành niên có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình, trừ người bị mất NLHVDS; 2. Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi được lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý bằng văn bản riêng hoặc có bút tích của cha, mẹ hoặc người giám hộ vào cuối bản di chúc do người này lập ra. Sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ được thể hiện trước, trong hoặc sau khi di chúc được lập đều có giá trị pháp lý"./.

Đọc thêm