Để nghị quyết vào cuộc sống

(PLO) - Nhìn một cách tổng thể, Nghị quyết 18-NQ/TW về tinh gọn và nâng cao hiệu quả bộ máy hệ thống chính trị là một chủ trương và quyết sách hợp lòng dân. Đơn giản, ai cũng hiểu là một bộ máy cồng kềnh, kém hiệu quả thì không tiền thuế nào của dân nuôi nổi và còn gây ra những hệ lụy to lớn mà toàn xã hội phải gánh chịu. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Dùng một dẫn chứng nóng hổi để diễn đạt, khi Quốc hội đang nghe báo cáo về dự án sân bay Long Thành với những khoản chi khổng lồ thì không có cách nào khác như đề xuất của Trưởng ban Tổ chức Trung ương là phải “thắt lưng, buộc bụng”, nếu nuôi một bộ máy cồng kềnh thì làm gì có tiền xây một sân bay. Cũng như nhiều quan chức sở hữu biệt phủ thì dân làm sao thoát nghèo, nước làm sao mạnh được! 

Hiện tại, động bất cứ vào cơ quan, chính quyền địa phương nào cũng phát hiện ra việc bổ nhiệm sai hoặc vi phạm trong tuyển công chức, viên chức. 

Mới đây nhất, qua kiểm tra, phát hiện tỉnh Ninh Thuận bổ nhiệm sai lãnh đạo 53 trường hợp, ở một huyện ở Tây Nguyên cũng phát hiện hàng chục trường hợp tương tự. 

Báo cáo của Thanh tra Chính phủ trước Quốc hội chỉ ra rằng nhiều nơi, trong đó có các cơ quan Trung ương, số lãnh đạo nhiều hơn nhân viên. Cả huyện, tỉnh và Trung ương đều có hiện tượng này, bổ nhiệm tràn lan như vậy, bộ máy trở nên cồng kềnh là tất yếu! 

Đó là chưa kể đến tình trạng ký hợp đồng làm việc với công chức rồi cắt để ký lại, gây ra xáo trộn trong bộ máy và tạo ra mảnh đất màu mỡ cho tiêu cực, chạy chọt phát triển. Hoặc, ở các trường hợp cụ thể khi cán bộ mắc vào một chuyện gì đó thì mới biết việc bổ nhiệm “tắt” đối với ông ta, có những chuyện không thể tin khi Viện trưởng Viện kiểm sát của một tỉnh chưa tốt nghiệp cấp 3,... 

Vừa rồi, một Chủ tịch xã ở Thanh Hóa đã xin từ chức khi những hình ảnh ông ta vui vẻ với nữ thuộc cấp bị phát tán. Nên thế, đó chính là sự thừa nhận lỗi lầm của mình, vi phạm tác phong, lối sống của cán bộ mà tự từ chức không để đến lúc buộc phải cách chức, nghĩa là, vẫn có sự tự trọng trong con người đó.

Song, không nhiều người được thế, sai phạm đến mức bị kỷ luật nhưng vẫn tham quyền, cố vị, tìm cách để giữ ghế. Do vậy, tạo cơ chế để phát hiện, tạo điều kiện để người bị phát hiện rút lui khỏi chức vụ và cuối cùng, phải xử lý nghiêm khắc những cán bộ sai phạm mà không còn tý tự trọng nào. 

Trên thực tế, hình như mọi chuyện đang xảy ra ngược lại, người ta tìm đủ cách để bưng bít sự phát hiện, thậm chí “thần tốc” xử lý người phát hiện, không tạo đường rút lui danh dự cho cán bộ vi phạm và xử lý nhẹ nhàng những trường hợp mắc sai phạm. 

Giờ thì Nghị quyết 18 đã được ban hành và đi vào cuộc sống. Rất đáng chú ý là việc loại bỏ các cán bộ yếu kém ra khỏi bộ máy, mở đường cho những người tài năng, tâm huyết. Đó là việc cần thiết và góp phần rất lớn trong việc đảm bảo cho một bộ máy tinh gọn và hiệu quả.

Đọc thêm