Để nhà vệ sinh trường học không còn là nỗi ám ảnh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Theo thống kê mới nhất từ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), hiện cả nước có khoảng 188 nghìn nhà vệ sinh ở các cấp học. Bên cạnh 67% nhà vệ sinh kiên cố thì có tới 33% công trình cần sự đầu tư, hỗ trợ nâng cấp, thậm chí xây mới hoàn toàn.
Chương trình góp sức để trang bị các điều kiện, cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy và học cho các em học sinh. (Khởi công xây dựng Nhà vệ sinh cho em tại huyện Mèo Vạc năm 2022)
Chương trình góp sức để trang bị các điều kiện, cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy và học cho các em học sinh. (Khởi công xây dựng Nhà vệ sinh cho em tại huyện Mèo Vạc năm 2022)

Câu chuyện ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Cũng từ các báo cáo cho thấy, nhiều địa phương và nhất là ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn..., các trường học còn thiếu rất nhiều nhà vệ sinh bảo đảm tiêu chuẩn, gây nhiều bất cập, khó khăn cho học sinh. Còn theo báo cáo của UNICEF tại Việt Nam năm 2020 chỉ ra rằng, việc thiếu khả năng tiếp cận với nước sạch và vệ sinh môi trường, cùng với các thực hành vệ sinh kém góp phần làm tăng cao tỷ lệ nhiễm bệnh, ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ nhỏ.

Còn nhớ, Hoa hậu Hoàn vũ H’Hen Niê đã nghẹn ngào vì quá xúc động, khi phát biểu tại Lễ phát động “Điều ước cho em” - một chương trình thiện nguyện mà cô là Đại sứ. Trước hình ảnh thiếu thốn những điều thiết yếu như bữa ăn, lớp học, nhà vệ sinh của các học sinh vùng khó khăn trên cả nước, H’hen Niê nói: “Là cô gái Ê-đê, em muốn có mặt tại đây hôm nay không phải với tư cách một hoa hậu, mà là một đại diện cho các em dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, để kêu gọi cộng đồng chung tay, góp sức, lan tỏa yêu thương.

Là học sinh miền núi, nhà vệ sinh trường học trong trí nhớ của em là những nơi không hề dễ chịu. Những năm cấp 1 và cấp 2, em không dám đi vệ sinh ở trường, hạn chế uống nước để đỡ phải… “giải quyết nhu cầu”. Lên cấp 3, do nhà xa trường, mà vẫn có nỗi ám ảnh về những nhà vệ sinh nhưng lại không hề “vệ sinh”, nên cả buổi học em sẽ… nhịn uống nước luôn. Bây giờ, nhìn lại mới thấy đó là việc làm không tốt cho sức khỏe”.

Hoa hậu H’Hen Niê cũng nhắn nhủ sau câu chuyện của riêng mình: “Một nhà vệ sinh sạch sẽ giống như người bạn của các em ở trường học. Không chỉ là nơi để làm chức năng cơ bản của nó, đối với em, nó còn là nơi mà khi bạn ấm ức, bạn có thể trốn vào trong đó khóc một hồi cho thỏa, để rồi sau đó bước ra với gương mặt và cả nỗi lòng nhẹ nhõm hơn. Nhà vệ sinh trường học sạch sẽ cũng rèn luyện cho các em nếp sống văn minh và rất quan trọng đối với sức khỏe học đường”.

Trước thực trạng nêu trên, Hội đồng Đội Trung ương, Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam đã triển khai chương trình “Nhà vệ sinh cho em” nhằm chăm lo, hỗ trợ thiếu nhi, lan tỏa các giá trị nhân ái trong cộng đồng, chung tay trang bị cơ sở vật chất, nâng cao điều kiện, chất lượng dạy và học cho học sinh, đặc biệt là tại các địa bàn khó khăn.

Từ tháng 11/2022 đến 12/2023, chương trình sẽ xây dựng, trao 150 công trình “Nhà vệ sinh cho em” với tổng kinh phí 7,5 tỷ đồng tại các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên cả nước. Đáng chú ý, cùng với việc xây dựng các công trình nêu trên, dự kiến, trong năm 2023, hai bên sẽ tiếp tục phối hợp xây dựng 100 nhà vệ sinh thông minh 5 sao đạt quy chuẩn ASEAN tại các công viên, tuyến phố, bãi biển. 100 nhà vệ sinh 5 sao này sẽ được triển khai với sự tham gia của các cơ sở Đoàn thông qua tài trợ từ Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam đối với các sáng kiến khởi nghiệp, quản lý, khai thác, vận hành các điểm nhà vệ sinh theo hình thức xã hội hóa.

Cụ thể, các bên sẽ gây quỹ, tạo nguồn kinh phí duy trì các hoạt động bảo dưỡng, sử dụng liên tục, lâu dài hệ thống nhà vệ sinh đã xây dựng. Qua đó, phát huy vai trò của tuổi trẻ trong tham gia tuyên truyền, nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh công cộng, bảo vệ môi trường. Được biết, tổng giá trị kinh phí triển khai các nội dung trên là khoảng 50 tỷ đồng.

Và tiếp tục chung tay

Ông Lê Văn Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà vệ sinh cho biết: Hiệp hội ra đời từ năm 2014, khi các thành viên sáng lập nhận thấy thực trạng đáng báo động của không ít nhà vệ sinh trong khu vực trường học, thậm chí ngay tại các thành phố lớn trên cả nước.

Năm 2025, 100% trường học có nhà vệ sinh

Hiện nay, Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021 - 2025 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đặt mục tiêu năm 2025, 100% trường học có nhà vệ sinh, trong đó 50% trường học có đủ nhà vệ sinh cho học sinh theo quy định và 80% nhà vệ sinh bảo đảm điều kiện hợp vệ sinh. Dự án “Vệ sinh học đường” hưởng ứng chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021 - 2025 để giúp trẻ em Việt Nam ngày càng khỏe mạnh hơn.

Sau khi thành lập một nhóm nghiên cứu, các nhà sáng lập của Hiệp hội đã tiến hành khảo sát thực tế tại 17 quốc gia với sự tham gia của đại diện tổ chức Nhà vệ sinh thế giới. Riêng tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu đã khảo sát tại hơn 40 tỉnh, thành phố với trọng tâm là các trường học, bệnh viện. Kết quả, những hình ảnh, clip phản ánh xác thực tình trạng của các nhà vệ sinh trong khuôn khổ đợt khảo sát đã trở thành hồi chuông cảnh báo đối với toàn cộng đồng.

“Hiệp hội hoạt động dựa trên nguyên tắc không xin tài trợ từ ngân sách nhà nước, không thu phí của người thụ hưởng mà chỉ sử dụng cơ chế xã hội hóa. Từ các phương thức truyền thông tại chính các công trình nhà vệ sinh 5 sao, chúng tôi lại tiếp tục gây quỹ để xây dựng, cải tạo miễn phí nhà vệ sinh ở vùng sâu, vùng xa”, ông Lê Văn Hiệp cho hay. Cùng chung tay, thời gian qua, Quỹ Hy vọng vừa ký kết biên bản ghi nhớ với FPT Long Châu về việc đồng hành triển khai chương trình “Vệ sinh học đường” tại huyện Đồng Văn, Hà Giang.

Mục đích dự án nhằm hướng đến xây dựng các công trình vệ sinh đạt chuẩn, cải thiện chất lượng sống và xây dựng môi trường học tập tốt đẹp, có nguồn nước sạch cho học sinh vùng cao nói chung và tại huyện Đồng Văn, Hà Giang nói riêng.

Hà Giang là một trong những tỉnh miền núi nghèo nhất Việt Nam. Trong đó, Đồng Văn là “vùng lõi nghèo”, với số hộ nghèo chiếm trên 10 nghìn hộ, chiếm 61,12%. Nơi đây có 54 trường học, với 27.610 học sinh. Bên cạnh tình trạng xuống cấp, không sử dụng được, không có hệ thống tự huỷ, hệ thống nước... nhiều nhà vệ sinh ở đây rơi vào tình trạng quá tải, xây tạm, thiếu phân khu cho học sinh nam nữ, cho giáo viên. Nhiều điểm trường thậm chí không có nhà vệ sinh.

Thực tế, công trình nhà vệ sinh trong các trường học có ý nghĩa quan trọng trong chăm sóc sức khỏe, tạo môi trường thân thiện, góp phần giáo dục, nâng cao nhận thức, thái độ của học sinh về bảo vệ môi trường, vệ sinh cá nhân và tiết kiệm nước sạch...

Bà Trương Thị Thanh Thanh, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Hy Vọng nhận định: “Với những nhà vệ sinh đạt chuẩn sắp tới, dự án sẽ cải thiện chất lượng sống và xây dựng môi trường học tập tốt đẹp hơn cho trẻ em Hà Giang, thay đổi thói quen vệ sinh của các em, gia đình và cộng đồng xung quanh. Việc thay đổi thói quen sống và vệ sinh cũng sẽ góp phần giúp các em hòa nhập vào cuộc sống ở các đô thị, nơi các em chuyển đến sống và làm việc sau này.

Dự kiến, 20 nhà vệ sinh đạt chuẩn sẽ được xây mới tại 20 điểm trường tiểu học và trung học cơ sở của huyện Đồng Văn trong năm 2023 với sự đồng hành của Sanofi Việt Nam.

Trước đó, vào năm 2022, Dự án “Vệ sinh học đường” đã kêu gọi đóng góp, hỗ trợ xây mới 49 nhà vệ sinh trường học tại huyện Vân Hồ (tỉnh Sơn La) và huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên). Dự án đem tới những nhà vệ sinh sạch sẽ, an toàn cho 7.000 học sinh và giáo viên thụ hưởng, đồng thời nhận được 9 triệu lượt tiếp cận lan tỏa và 10 nghìn lượt chia sẻ hưởng ứng trên mạng xã hội.

Bên cạnh xây nhà vệ sinh tại các trường học, trong năm nay, dự án sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động phổ biến quy cách giữ gìn vệ sinh học đường cho học sinh và giáo viên. Tài liệu hướng dẫn cùng với hệ thống nhà vệ sinh đạt chuẩn sẽ trở thành mô hình để địa phương có thể nhân rộng, đồng bộ tại các điểm trường khác trong vùng. Từ nhà trường, dự án mong muốn tác động thay đổi thói quen vệ sinh đến gia đình và cộng đồng xung quanh.

Để các em học sinh có nhà vệ sinh mới ngay từ đầu năm học

Chương trình “Nhà vệ sinh cho em” được Hội Sinh viên Việt Nam triển khai từ năm 2021. Đến nay, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam đã vận động nguồn lực, triển khai xây dựng 25 nhà vệ sinh trong trường học tại 11 tỉnh, thành trên toàn quốc. Chương trình “Nhà vệ sinh cho em” đã được nhân rộng triển khai trên quy mô toàn quốc. Chỉ riêng trong Chiến dịch Thanh niên tình nguyện Hè năm 2022, các tỉnh, thành đoàn, Hội Sinh viên các tỉnh, thành phố xây mới 428, cải tạo, nâng cấp 1.305 nhà vệ sinh trường học với tổng nguồn lực trị giá hơn 70 tỷ đồng.

Năm 2023, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam phối hợp với Công ty Cổ phần Tập đoàn KN Holdings tiếp tục triển khai chương trình “Nhà vệ sinh cho em”.

Ông Nguyễn Minh Triết, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam cho biết, chương trình ký kết giữa Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam và Công ty Cổ phần Tập đoàn KN Holdings là nội dung quan trọng trong việc thực hiện chỉ tiêu “100% trường học có nhà vệ sinh cho học sinh, trong đó 50% trường học có đủ nhà vệ sinh cho học sinh theo quy định và 80% nhà vệ sinh bảo đảm điều kiện hợp vệ sinh” của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021 - 2025.

Theo nội dung ký kết, năm 2023, hai bên sẽ cùng triển khai 50 “Nhà vệ sinh cho em” tại 8 tỉnh, tỉnh phố, gồm: Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Hà Tĩnh, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Đồng Nai, Kiên Giang, với tổng giá trị gần 18 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Minh Triết đề nghị từ nội dung ký kết, 8 tỉnh, thành tiếp nhận triển khai “Nhà vệ sinh cho em” cần khẩn trương trong thời gian sớm nhất, đặc biệt là trong Chiến dịch Thanh niên tình nguyện Hè 2023 để các em học sinh được sử dụng nhà vệ sinh mới ngay đầu năm học 2023 - 2024.

Đọc thêm