Đã có nhiều mặt hàng tăng giá. Giá xăng dầu tăng có thể kéo nhiều mặt hàng khác tăng theo. Sau hàng loạt mặt hàng tăng giá như đường, sữa, thép xây dựng..., từ 17 giờ ngày 9-8, giá xăng dầu cũng tăng từ 350 đồng- 450 đồng/lít, tùy loại (giá mới của xăng A92 lên 16.400 đồng/lít, dầu diesel lên 14.750 đồng/lít...). Thông tin này gây nhiều lo ngại cho người tiêu dùng bởi đây là mặt hàng tác động nhiều đến đời sống, có thể ảnh hưởng xấu đến giá cả nhiều mặt hàng khác.
Đã có nhiều mặt hàng tăng giá. Giá xăng dầu tăng có thể kéo nhiều mặt hàng khác tăng theo. Sau hàng loạt mặt hàng tăng giá như đường, sữa, thép xây dựng..., từ 17 giờ ngày 9-8, giá xăng dầu cũng tăng từ 350 đồng- 450 đồng/lít, tùy loại (giá mới của xăng A92 lên 16.400 đồng/lít, dầu diesel lên 14.750 đồng/lít...). Thông tin này gây nhiều lo ngại cho người tiêu dùng bởi đây là mặt hàng tác động nhiều đến đời sống, có thể ảnh hưởng xấu đến giá cả nhiều mặt hàng khác.
Đua nhau tăng giá
Theo đại diện của Petrolimex và Saigon Petro, nguyên nhân tăng giá xăng dầu là do giá xăng dầu thế giới tăng cao: xăng A92 từ 78 USD lên 85 USD/thùng, dầu từ 84 USD lên 92 USD/thùng. Với mức tăng này, gần 2 tuần qua, họ đã bị lỗ 500 đồng/lít xăng và lỗ khoảng 400 đồng/lít dầu. Theo các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu, đợt tăng giá lần này là họ tự đề xuất lên liên bộ Tài chính - Công Thương theo tinh thần Nghị định 84 của Chính phủ...
Từ ngày 9-8, giá sữa của hãng Abbott tăng 7% từ 322.000 đồng- 368.000 đồng lên 350.000 đồng- 370.000 đồng/hộp 1 kg. Loại hộp 1,7 kg giá từ 560.000 đồng lên trên 600.000 đồng/hộp.
Trước đó, hãng sữa X.O tăng giá các loại sữa 5%-7%; các hãng sữa như Dumex, Anlene, FrieslandCampina cũng đã đồng loạt tăng giá bán từ 7%- 10%... Theo nhận định từ giới kinh doanh chỉ cần một vài hãng sữa tăng giá là sớm muộn gì các hãng sữa còn lại cũng sẽ tăng giá theo kiểu “dắt dây”. Điều đó nay đã trở thành sự thật.
Cũng từ giữa tháng 7 đến nay, hàng loạt hãng sản xuất thép trong nước đua nhau tăng giá bán nên chỉ trong gần một tháng, giá thép xây dựng đã tăng tổng cộng hơn 1 triệu đồng/tấn. Giá thép giao tại các nhà máy hiện đã lên đến 13,7 triệu đồng/tấn (thép cuộn) và 13,58 triệu đồng/tấn (thép cây). Giá bán trên thị trường lên 14,3 triệu - 14,4 triệu đồng/tấn.
Ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, cũng như nhiều người trong giới chuyên môn cho rằng giá thép tăng không phải do giá phôi cao mà chủ yếu do các nhà sản xuất “kích” giá lên khi sức mua hồi phục trở lại sau một thời gian dài suy giảm (sức tiêu thụ thép trong tháng 7 vừa qua lên đến 531.000 tấn, trong khi tháng 6 chỉ có 355.000 tấn)...
|
Giá nhiều loại gạo đã tăng từ 1.000 đồng - 2.000 đồng/kg. Ảnh: TẤN THẠNH |
Hàng bình ổn cũng tăng
Khảo sát thị trường TPHCM cho thấy giá cả mặt hàng gạo, đường (những mặt hàng đang được TP bình ổn giá) hiện cũng đang tăng đáng kể cho dù nguồn cung vẫn dồi dào. Ông Nguyễn Tuấn Khải, chủ sạp gạo tại chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh - TPHCM, cho biết giá gạo các loại đã bắt đầu tăng từ 2-3 tuần nay, mỗi lần tăng vài trăm đồng/kg, tổng cộng đã tăng từ 1.000 đồng- 2.000 đồng/kg.
Chẳng hạn các loại gạo của giống lúa 3 tháng cách đây vài tuần chỉ có 7.300 đồng- 8.000 đồng/kg thì nay tăng lên trên 8.000 đồng- 9.500 đồng/kg, còn gạo của giống lúa 6 tháng tăng từ 13.000 đồng- 14.000 đồng/kg lên 15.000 đồng- 16.000 đồng/kg.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt
Nam
, giá gạo tăng là do giá lúa trong nước đang tăng cả ngàn đồng/kg so với hồi đầu vụ hè thu; các doanh nghiệp xuất khẩu ký được nhiều hợp đồng xuất khẩu so với đầu năm. Gần đây, lượng gạo có chất lượng thấp xuất bán sang Trung Quốc được khá nhiều.
Tương tự, mặt hàng đường loại hạt nhuyễn bán tại Bà Chiểu, quận Bình Thạnh từ 18.000 đồng tăng lên 19.000 đồng- 20.000 đồng/kg; loại hạt to từ 19.000 đồng- 20.000 đồng lên 22.000 đồng/kg. Theo giới chuyên môn, giá đường trong nước tăng cao là do các doanh nghiệp đầu cơ đẩy giá lên vì họ nhận định vụ mía sắp tới sẽ thất mùa dẫn đến nguồn cung thiếu hụt. Việc giá đường thế giới gần đây đang rục rịch tăng cũng là cớ để họ làm giá.
Hàng bình ổn nên có nhiều chủng loại
Ông Vòng A Lộc, Trưởng Phòng Kế hoạch- Tài chính Sở Công Thương TPHCM, cho biết các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường tại TPHCM đã triển khai bán hàng bình ổn tại 1.894 điểm, tăng 387 điểm so với Tết năm ngoái với giá bán phải thấp hơn giá thị trường tối thiểu 10%.
Đối với mặt hàng gạo, Công ty Lương thực TPHCM mỗi tháng tung ra thị trường 2.000 tấn gạo với giá bán lẻ là 8.000 đồng/kg (gạo trắng thường); Công ty Vinh Phát 1.800 tấn/tháng và Saigon Co.op 500 tấn/tháng với giá bán lẻ 8.500 đồng/kg...
Mặt hàng đường được giao cho Công ty Thành Thành Công 700 tấn/tháng, Công ty Thực phẩm Công nghệ Sài Gòn 800 tấn/tháng, Saigon Co.op 200 tấn/tháng, Công ty Lương thực TPHCM 100 tấn/tháng. Giá bán lẻ của các đơn vị trên là 18.000 đồng/kg.
Cũng theo ông Lộc, việc giá cả thị trường có tăng nhưng cũng không nhiều là do có hàng bình ổn chi phối đến 30%...
Tuy nhiên, theo người tiêu dùng, việc mua hàng bình ổn giá cũng chưa được thuận tiện vì nhiều khu vực trong TP vẫn chưa có điểm bán. Vả lại hàng hóa cũng không nhiều chủng loại để lựa chọn.
|
Theo NGUYỄN HẢI