Đề phòng lạm phát có thể cao vào những tháng cuối năm

Ngày 18-9, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng tỷ giá VNĐ/USD khoảng 2% so với trước. Phóng viên Báo Hải Phòng có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Thành, Phó cục trưởng Cục Thống kê thành phố về tác động của việc tăng tỷ giá này.

Ngày 18-9, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng tỷ giá VNĐ/USD khoảng 2% so với trước. Phóng viên Báo Hải Phòng có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Thành, Phó cục trưởng Cục Thống kê thành phố về tác động của việc tăng tỷ giá này.

-Sau mấy ngày kể từ khi NHNN công bố việc tăng tỷ giá giữa VNĐ/USD Mỹ, giá cả nhiều loại hàng hoá, nhất là vàng tăng chóng mặt. Theo ông, điều này có ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng và liệu có nguy cơ dẫn đến lạm phát cao?

- Về nguyên tắc, giá vàng và giá USD không nằm trong “rổ hàng hoá” để tính chỉ số giá tiêu dùng mà tính riêng theo chỉ số giá đô-la và giá vàng. Hiện việc tăng giá vàng và USD chưa ảnh hưởng đến chỉ số gía tiêu dùng tháng 8 do cách tính của ngành Thống kê, lấy số liệu từ ngày 25 tháng trước đến ngày 15 tháng sau. Song, giá USD và giá vàng tăng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nhiều loại hàng hoá khác do nền sản xuất của ta phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu và máy móc nhập khẩu; sẽ gián tiếp ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng. Như vậy, giá vàng và USD sẽ ảnh hưởng đến các chỉ số giá của tháng 9.

Trong tháng 8, theo tính toán của Cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 0,12% so với tháng 7. Một số địa phương khác như Hà Nội tăng 0,15%; thành phố Hồ Chí Minh giảm 0,25%. Đây cũng là tháng thứ hai liên tiếp, CPI của thành phố Hồ Chí Minh giảm và mức giảm khá sâu...Tính chung trên phạm vi cả nước, CPI chưa thể hiện lạm phát cao. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 tăng chủ yếu do tăng giá xăng từ ngày 9-8. Chỉ trong 7 ngày (từ 9 đến 15-8), việc tăng giá xăng thêm 0,56% làm tăng chỉ số giá nhóm giao thông-vận tải thêm 0,43%. Ảnh hưởng của việc tăng giá xăng đối với tháng 9 sẽ lớn hơn vì tính cả 30 ngày.

Việc lạm phát tăng có nhiều nguyên nhân, không chỉ do tăng giá vàng, ngoại tệ. Trong tháng 8, ngoài nhóm giao thông- vận tải, chỉ số giá của một số nhóm hàng hoá khác cũng tăng như lương thực tăng 0,6%, một phần do ta vừa xuất khẩu một lượng lương thực lớn. Thực phẩm tăng 0,69%; giày dép, mũ nón tăng 0,27% do bước vào năm học mới, nhu cầu tăng. Dịch vụ giải trí, du lịch tăng 0,5% do Hải Phòng vẫn còn trong mùa du lịch, lượng khách đến Cát Bà, Đồ Sơn tăng, giá thuê phòng tăng. Một số yếu tố tăng giá khác do tin đồn, tâm lý…Mặt khác, từ tháng 9 trở đi, là thời điểm cuối năm, “mùa” xây dựng, mua sắm…nên giá cả đều có xu hướng tăng. Do vậy, cần đề phòng lạm phát cao những tháng cuối năm.

Đề phòng lạm phát có thể cao vào những tháng cuối năm ảnh 1

Hàng hóa bày bán trong các siêu thị được niêm yết giá bán công khai nên quản lý được chỉ số tiêu dùng.Trong ảnh: Chọn mua hàng tại siêu thị điện tử  Samec.

Vậy giải pháp nào để kiểm soát và kiềm chế lạm phát cao?

- Việc tăng tỷ giá VNĐ/USD ảnh hưởng tăng chỉ số giá tiêu dùng của một số mặt hàng nhưng mặt khác nó góp phần cân đối cung cầu ngoại tệ; làm giảm tình trạng khan hiếm ngoại tệ giả tạo do giá USD trong ngân hàng thấp hơn giá thị trường tự do. Điều này về lâu dài, làm hạn chế việc tuỳ tiện tăng giá USD trên thị trường tự do; giúp cho việc điều hành chính sách tiền tệ của Nhà nước thuận lợi hơn. Mặt khác, việc tăng tỷ giá để “đánh” vào tình trạng nhập siêu. Do nền kinh tế nước ta nhập siêu nặng nề, dẫn đến mất cân đối cung cầu ngoại tệ, ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế xã hội và các mục tiêu lớn của đất nước.

Để kiểm soát và kiềm chế lạm phát cao, cần kiểm soát tốt thị trường thương mại; thiết lập thói quen niêm yết giá hàng hoá; mua bán hàng hoá có hoá đơn và bán hàng đúng theo hoá đơn. Tốt nhất là thiết lập hệ thống siêu thị, bỏ dần các loại chợ cóc, chợ tạm vừa mất vệ sinh an toàn thực phẩm; vừa ảnh hưởng tới an toàn giao thông; vừa không kiểm soát được giá cả hàng hoá…Thứ hai, tăng thuế nhập khẩu ô tô và các mặt hàng xa xỉ khác để giảm nhập siêu. Thứ ba, việc tăng tỷ giá cần thực hiện theo lộ trình để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị và giảm thiệt hại (trong vòng 9 tháng qua, từ tháng 11 năm ngoái đến tháng 8 năm nay, NHNN 3 lần điều chỉnh tăng tỷ giá VNĐ/USD, doanh nghiệp chưa kịp “lại sức” sau đợt điều chỉnh tỷ giá lần trước lại đến thiệt hại lần sau, những doanh nghiệp yếu sẽ khó vực dậy).

-Xin cảm ơn ông!

 Mai Hương thực hiện

Đọc thêm