Để sân khấu Nam Định có "chỗ đứng" trong lòng khán giả

Bước vào thời kỳ đổi mới, trước sự bùng nổ của các phương tiện thông tin giải trí và sự cạnh tranh khốc liệt của các loại hình nghệ thuật trong cơ chế thị trường, cùng với sân khấu cả nước, sân khấu Nam Định đối diện với nhiều khó khăn, thách thức như: tình trạng thiếu vắng khán giả, thiếu kịch bản hay, kinh phí đầu tư hạn chế, phương tiện hoạt động nghệ thuật cũ, lạc hậu, đời sống của diễn viên, nghệ sỹ không đảm bảo.
Một cảnh trong vở diễn "Chiến trường không tiếng súng" của Nhà hát Chèo Nam Định.                                                                        Ảnh : Xuân Thu

Bước vào thời kỳ đổi mới, trước sự bùng nổ của các phương tiện thông tin giải trí và sự cạnh tranh khốc liệt của các loại hình nghệ thuật trong cơ chế thị trường, cùng với sân khấu cả nước, sân khấu Nam Định đối diện với nhiều khó khăn, thách thức như: tình trạng thiếu vắng khán giả, thiếu kịch bản hay, kinh phí đầu tư hạn chế, phương tiện hoạt động nghệ thuật cũ, lạc hậu, đời sống của diễn viên, nghệ sỹ không đảm bảo.

Đoàn Kịch nói Nam Định hiện có gần 40 cán bộ, diễn viên với trên 200 đêm diễn/năm, đạt doanh thu hơn 400 triệu đồng/năm, là một trong những đơn vị sân khấu công lập địa phương hoạt động hiệu quả. Qua hội diễn, đặt trong xu thế phát triển và đổi mới của kịch nói cả nước, sân khấu Nam Định có dấu hiệu chững lại trên nhiều góc độ. Là một đơn vị nghệ thuật công lập, kinh phí hoạt động dựa vào nguồn ngân sách Nhà nước với mức đầu tư khoảng 100 triệu đồng/vở/năm. Nếu nhìn vào các kịch mục tham gia Hội diễn Sân khấu Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2010, nhiều đơn vị sân khấu xã hội hoá và các đoàn kịch nói "Trung ương" đã có sự đầu tư lớn; từ việc đặt hàng kịch bản, thuê đạo diễn danh tiếng, đầu tư trang thiết bị, thiết kế mỹ thuật, âm nhạc với số tiền từ 500 triệu đến trên 1 tỷ đồng/kịch mục. Rõ ràng, sân khấu kịch nói Nam Định và các đoàn kịch địa phương gặp khó ngay từ "đầu vào", không đủ điều kiện và sức cạnh tranh, khó tránh khỏi "làm gượng, làm ép" khi dàn dựng vở diễn. Bên cạnh đó, đời sống của các nghệ sỹ, diễn viên chỉ trông vào thu nhập từ những đêm diễn, không có nhiều cơ hội "mở rộng" tham gia đóng phim truyền hình như các diễn viên ở thành phố lớn và cũng không có "đất diễn", có thu nhập thêm như các nghệ sỹ loại hình nghệ thuật chèo, quan họ. Do đó, hiện nay, sân khấu kịch nói tỉnh ta đang dần thiếu vắng những diễn viên trẻ, đạo diễn tài năng.

Trong hoàn cảnh khó khăn chung của hoạt động sân khấu chuyên nghiệp hiện nay thì loại hình kịch hát dân tộc Cải lương gặp nhiều khó khăn hơn. Trong thời gian qua, nhiều đoàn nghệ thuật cải lương không "trụ" được nên nhiều đơn vị địa phương đã giải thể hoặc sát nhập chuyển sang mô hình sân khấu khác. Đó là các đoàn Cải lương Vĩnh Phúc, Nghệ An, Thái Nguyên. Hiện tại, miền Bắc chỉ còn 6 tỉnh, thành phố còn duy trì đoàn nghệ thuật Cải lương. NSƯT Quang Chí, Trưởng Đoàn Cải lương Nam Định cho rằng: Trong cơ chế hiện nay, vở diễn sân khấu cũng phải được coi như một sản phẩm, ngoài yếu tố nghệ thuật, bao hàm cả yếu tố thị trường, có tính cạnh tranh. Đối tượng công chúng của sân khấu của từng loại hình nghệ thuật cũng có "gu" riêng, có thị hiếu mang tính vùng miền, địa phương. Nếu đơn vị nào năng động trong cách tiếp cận công chúng, nâng cao chất lượng vở diễn thì sẽ phát triển, và ngược lại, các đơn vị hoạt động, quản lý theo cơ chế bao cấp tất yếu sẽ bị thụt lùi, đi xuống. Với quan điểm trên, thời gian qua, tập thể lãnh đạo, nghệ sỹ Đoàn Cải lương Nam Định luôn đoàn kết, động viên nhau, vượt khó vươn lên. Ngoài việc tổ chức xây dựng vở có chất lượng, phục vụ nhân dân các địa phương trong tỉnh, đoàn còn tổ chức các đợt lưu diễn dài ngày tại hơn 20 tỉnh, thành phố thuộc các khu vực Bắc, Trung, Nam với trên 130 đêm diễn, đạt doanh thu hơn 400 triệu động, đạt 200% kế hoạch được giao. Trong vấn đề tiếp cận, xây dựng đối tượng công chúng, ngoài việc dàn dựng các vở diễn mang tính "mô phạm" của nghệ thuật kịch hát cải lương về đề tài lịch sử, đoàn còn xây dựng nhiều vở diễn ngắn, kết cấu nhẹ nhàng có tính thời sự gắn với nội dung đương đại, đề tài xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu của khán giả. Theo NSƯT Quang Chí, yếu tố quan trọng của Đoàn Cải lương Nam Định trong hoạt động biểu diễn và quản lý nghệ thuật, xây dựng thương hiệu là: Mỗi nghệ sỹ phải nỗ lực rèn luyện, tìm tòi trong cách diễn xuất, chọn lựa kịch bản hay, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khán giả.

Xã hội hoá sân khấu là một chủ trương lớn, tạo điều kiện phát triển nền nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc; trong đó, các đơn vị nghệ thuật sân khấu có xu hướng chuyển dịch theo mô hình nhà hát với mục tiêu tìm hướng phát triển bền vững, phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của địa phương. Đối với Nhà hát Chèo Nam Định, sau 3 năm thực hiện Quyết định 3234 của UBND tỉnh, tập thể lãnh đạo, diễn viên, nghệ sỹ nhà hát luôn đoàn kết, từng bước vượt qua khó khăn, thực hiện có hiệu quả các chức năng, nhiệm vụ được giao trên các mặt công tác như: Tổ chức biểu diễn, nghiên cứu, thể nghiệm, bảo tồn nghệ thuật chèo truyền thống của địa phương. Đây cũng là hướng đi tất thiết của sân khấu chèo nói chung và các loại hình sân khấu trong thời điểm khó khăn chung của hoạt động sân khấu chuyên nghiệp hiện nay. Thời gian qua, Nhà hát Chèo Nam Định đã khôi phục 15 trích đoạn chèo cổ, dàn dựng 13 giá đồng; tổ chức biểu diễn mỗi năm từ 200 đến 250 buổi diễn phục vụ nhân dân trong và ngoài tỉnh. Trên lĩnh vực bảo tồn vốn nghệ thuật chèo truyền thống, Nhà hát đã nghiên cứu, bảo tồn được nhiều chương trình hát chèo và dân ca vùng Đồng bằng Bắc bộ, cử các diễn viên có kinh nghiệm tham gia tập huấn, giảng dạy, giúp các đơn vị địa phương trong tỉnh tuyển chọn đào tạo lớp diễn viên, nhạc công kế cận.

Như vậy, để sân khấu Nam Định có "chỗ đứng" trong lòng khán giả, vấn đề đặt ra với các loại hình kịch chủng là phấn đấu có nhiều vở diễn tốt; khai thác và phục vụ đối tượng công chúng một cách có chọn lọc, trọng tâm. Bằng những hình tượng và ngôn ngữ sân khấu qua các vở diễn, định hướng khán giả tới các giá trị chân, thiện, mỹ. Đồng thời, trong tiến trình xã hội hoá nghệ thuật sân khấu phải có một cơ chế phù hợp với điều kiện xã hội, nhịp sống đương đại; cần đầu tư và huy động các thành phần kinh tế, các tổ chức xã hội vừa tham gia nuôi dưỡng và tham gia tổ chức, quản lý nghệ thuật sân khấu. Đây không chỉ là trách nhiệm của các ngành hữu quan, các đơn vị nghệ thuật mà cần có sự "vào cuộc" của toàn xã hội./.

Việt Thắng

Đọc thêm