Để Tết sau không còn… cô đơn?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đã thành thông lệ, cứ đến năm mới, là thời điểm người trẻ nô nức đi đến các địa điểm tâm linh để cầu tình duyên. Họ đều có mong muốn tìm được một người yêu, người bạn đời lý tưởng. Tuy nhiên, có nhiều người trẻ vì mê tín mà bị lừa đảo mất tiền. Nhưng, họ vẫn bất chấp đặt niềm tin mãnh liệt vào cầu duyên, xem bói,...
Để Tết sau không còn… cô đơn?

Muôn vàn cách cầu duyên

Đến ngôi chùa H – một địa điểm tâm linh tương đối nổi tiếng tại Hà Nội, có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người trẻ đang bưng các mâm lễ đi cầu tình duyên. Khi hỏi những cụ bà trông chùa và viết sớ tại đây, họ cho biết: “Không chỉ ngày Tết, mà ngày rằm, mùng một nào cũng chật ních người đến lễ”. Ngay cả những ngày bình thường trong tuần, cũng dễ dàng gặp nhiều người đang đến chùa H để cầu cúng mong chờ tìm thấy một nửa của đời mình. Thậm chí họ đến từ các tỉnh thành miền Nam, miền Trung như; TP HCM, Vũng Tàu, Đà Nẵng,… đi ra để cầu duyên.

Trần Hà Phương (23 tuổi, sống ở Hà Nội) cho biết: “Để cầu duyên thành công tại chùa, mọi người phải chuẩn bị một mâm lễ”. Khi được hỏi, cô cho biết mình được các cụ viết sớ, trông chùa hướng dẫn. Một mâm đầy đủ gồm có sớ cầu, trầu cau, hương cúng, hoa quả, tiền giấy, thêm vài bao thuốc lá. Nếu cầu tài lộc sẽ đến ban thờ Đức Ông, nếu cầu tình duyên sang ban thờ Mẫu, còn nếu cầu bình an gia đình thì đến ban thờ Tam Bảo. Khi hỏi, một số cụ bà cho biết có dịp, chùa sẽ tổ chức “cầu duyên tập thể” từ ba mươi người trở lên, mỗi người nộp 400 nghìn đồng. Nhà chùa sẽ lo tất cả, từ việc mời thầy, lễ vật, sớ, còn người cầu chỉ cần đến là được.

Trong một cuộc khảo sát vào năm 2019, chọn ngẫu nhiên 279 người trẻ trong độ tuổi từ 16 – 30 tuổi, cho thấy giới trẻ hiện nay vẫn đang đề cao giá trị hôn nhân. Cụ thể ½ số người cho rằng rất quan trọng chiếm 46,6%, còn lại cho rằng quan trọng chiếm 32,6%, bình thường chiếm 19,0%, tỷ lệ nhận định không quan trọng chiếm rất thấp 1,8%.

Không chỉ đến chùa cầu duyên, năm mới là thời gian nhiều người chọn cách cắt duyên âm. Lê Ánh Hiền (30 tuổi, sống tại Hà Nội) cho biết: “Tôi cũng có nhiều mối duyên, nhưng chẳng đi đến đâu. Cho nên mẹ khuyên tôi đi cắt duyên âm cho nhẹ lòng”. Hiền chia sẻ, mình đã có vài lần cắt duyên âm đầu năm, cô cho biết đây là một thủ tục làm nhẹ “duyên tiền kiếp”, để người âm không đi theo quấy phá, ngăn trở bản thân tìm được tình yêu. Tuy nhiên, dù đã “cắt duyên” thành công rất nhiều lần, nhưng hiện tại, cô vẫn đang sống độc thân và chú tâm vào công việc.

Ngoài đến chùa cầu duyên hay đi cắt duyên âm, thì nhiều người chọn xem bói tarot online hoặc trực tiếp của những người được gọi là Tarot Reader (người đọc bài). Đây là một hình thức xem bói được nhiều người trẻ ưa chuộng hiện nay. Lương Hà Tâm (26 tuổi, sống tại Hà Nam) cho biết: “Đầu năm, tôi có xem bói về chồng sắp cưới. Tôi quyết định cưới vội vàng, nên phân vân không biết đây có phải là người hợp nhất với mình hay không?”.

Lệ Thu (21 tuổi, hiện đang là sinh viên) tâm sự: “Tôi đã xem bói tarot về tình duyên khoảng vài chục lần trong năm. Nhưng năm mới là dịp đặc biệt, nên tôi hy vọng, lần này, các lá bài sẽ cho tín hiệu tốt về chuyện tình cảm”. Giá thành mỗi lần xem tarot trực tiếp khoảng từ 150 – 500 nghìn đồng, tùy thuộc vào thời gian, các gói họ lựa chọn. Nếu xem tarot online, mỗi lần xem mất khoảng 150 nghìn đồng cho 45 phút không giới hạn các câu hỏi. Người xem cũng có thể yêu cầu gọi video trên các app như Zalo, Instagram, Facebook để được trực tiếp hỏi người trải bài.

“Con ế, là… do vong theo”

Hà Tâm chia sẻ, vì băn khoăn trong chuyện tình cảm mà cô đã tìm đến rất nhiều nơi để cầu duyên. Trong đó, cô đã gặp được những “thầy bói rởm” người khiến bản thân mất tiền oan: “Tôi vào ngay sau người xem trước, bà thầy bói mất cả tiếng chỉ để dọa tôi có vong theo, nói rằng tôi sẽ không thể lấy chồng, cũng khó có người yêu, nếu không chịu lễ bái cẩn thận”. Mỗi lễ “đuổi vong” như vậy mất từ vài triệu, đến vài chục triệu. Hà Tâm cho biết, cô lập tức bỏ đi, vì bản thân đang lo lắng về người bạn trai (hiện là chồng sắp cưới), chứ không phải cầu cúng để có được người yêu.

Hoàng Thị Nhung chia sẻ một trải nghiệm nhớ đời, khi cô đến ngôi chùa cầu duyên có tiếng, thì một người lạ đến tiếp cận và tự xưng là thầy bói vì “hữu duyên” xem giúp cô chuyện tình cảm. Người này hứa với Nhung, chỉ cần coi bói, làm lễ xong, cô có thể gặp được người đúng như ý nguyện. Sau khi chuyển hơn một triệu tiền làm lễ, người đàn ông biến mất một thời gian, rồi quay lại báo cho cô: “Vong nam này theo con chặt lắm, muốn giải được phải làm thêm lễ nữa”. Trong lễ đó, riêng buồng cau đã mất 600 nghìn đồng, thầy nói đó là “cau thiêng”, chi phí cả buổi lễ gần bằng một tháng lương của Nhung. Nhưng, lễ thì chẳng thấy đâu, còn thầy thì biến mất, chặn số và tin nhắn của cô.

Hà Phương cũng chia sẻ những chuyện cầu duyên “bi hài” của bạn mình. Tại ngôi chùa nổi tiếng ở quận Cầu Giấy – Hà Nội, những người viết sớ thường chia sẻ, phải dùng sớ có ấn tại chùa, thì khi làm lễ xong, vong chùa mới không theo về nhà. Bạn của Phương lỡ mua sớ và lễ ở bên ngoài, nên về cả tháng trời “thấp thỏm” lo âu sẽ không có người yêu, lên trên mạng hỏi một số hội nhóm về tâm linh, được khuyên nên đi cắt duyên âm.

Để có được một nửa lý tưởng, nhiều người đã đặt niềm tin vào việc xem bói, đi chùa cầu duyên.

Để có được một nửa lý tưởng, nhiều người đã đặt niềm tin vào việc xem bói, đi chùa cầu duyên.

Cô gái làm lễ mất vài triệu, nhưng nhận được câu trả lời: “Duyên tiền kiếp của con nặng lắm, phải làm vài lần mới hết người âm theo”. Tin lời thầy, cô gái mất đến cả chục triệu, sau khi “phần âm” ổn thỏa, thầy mới cho đến chùa cầu duyên tiếp, với mâm lễ được chính thầy chuẩn bị gồm vài quả cau, mấy nén hương, xấp tiền vàng mã, nhưng giá lên đến hơn triệu bạc. Kết quả đến nay, cô vẫn còn độc thân.

“Không có tình yêu, chạnh lòng lắm!”

Dù đã có nhiều lần bị lừa khi đi cầu duyên, xem bói, nhưng vì rất nhiều lý do mà họ vẫn tiếp tục tìm kiếm tình yêu thông qua các hoạt động tâm linh. Hoàng Thị Nhung vẫn có niềm tin tuyệt đối vào những “thủ tục tâm linh” này. Cô cho biết lý do: “Thấy bạn bè có đôi lứa, tôi vẫn cô đơn, cảm giác chạnh lòng, buồn lắm”. Cứ mỗi một mối tình thất bại, cô lại đi “cầu duyên” để phẩm chất người sau tốt hơn người trước. Hiện nay, Nhung đã lập gia đình và chỉ đến chùa để thắp hương cầu bình an, tài lộc.

Lê Ánh Hiền là một trong số hai người duy nhất ở lớp đại học còn độc thân, nhìn bạn bè lấy vợ, lấy chồng hết, cô cảm thấy mình “lạc loài” với những người xung quanh. Mọi người thường xuyên giới thiệu cho Hiền những đối tượng khác giới, tuy nhiên, chẳng lần nào tìm được tiếng nói chung. Vì vậy, mẹ cô quyết định cho con gái chữa “phần âm”. Nên, cô đi cắt duyên âm chủ yếu để giúp cho gia đình an lòng. “Trong suốt mấy tiếng đồng hồ làm lễ, tôi chẳng thế nhớ gì cả. Tâm trí tôi lúc đó còn đang bận suy nghĩ đến công việc, các dự án của mình”. Hiền chia sẻ.

Còn đối với trường hợp Lương Hà Tâm cho biết, cô bắt đầu tìm đến sự trợ giúp của tâm linh khi chuyển về quê nhà làm việc. Ở đó, cô cảm thấy cô đơn vì cô không thể chia sẻ mọi điều với bố mẹ. Còn đồng nghiệp phần lớn là những người lớn tuổi, khiến cô không thể gần gũi. Mong muốn có người yêu thương, lấp đầy khoảng trống trong tâm hồn nhen nhóm lên trong Tâm. “Vào đầu năm mới 2021, tôi có đặt lịch xem bói tarot online, hy vọng sẽ tìm được người đàn ông cùng đồng hành, san sẻ với mình”.

Lệ Thu hiện đang là sinh viên cho biết, mặc dù mới hai mốt tuổi, nhưng cô rất mong tìm được một người bạn trai lý tưởng để yêu thương, săn sóc mình. Mẫu người yêu cô mong muốn có được là người tốt bụng, yêu thương cô và hài hước. Thu cho rằng đây là thời điểm thích hợp để cô có người yêu và sau khi ra trường một hai năm thì sẽ kết hôn: “Tôi hy vọng sớm tìm được một nửa hoàn hảo, cùng tôi trải nghiệm cuộc sống này”.

Theo nghiên cứu của PGS.TS Trần Minh Thi, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, trong cuốn “Những giá trị gia đình Việt Nam đương đại” của Nhà xuất bản Khoa học xã hội (năm 2021), có rất nhiều yếu tố chi phối hôn nhân của giới trẻ như tình yêu là yếu tố quan trọng nhất chiếm 91,4%, tiếp theo đó là một số yếu tố như “hôn nhân môn đăng hậu đối” chiếm 26,2%, hay cùng làng (18,1%), cùng dân tộc/tôn giáo chiếm 21%.

Tiêu chuẩn lựa chọn bạn đời của người dân được khảo sát ưu tiên các phẩm chất về tư cách, đạo đức hơn là các tiêu chuẩn về ngoại hình hay tiêu chuẩn về kinh tế. Tiêu chuẩn đầu tiên của lựa chọn bạn đời là người đó “có tư cách đạo đức tốt” (chiếm 66,7%), tiếp theo là tiêu chuẩn “biết cách ứng xử” (chiếm 45%), tiêu chuẩn “khỏe mạnh” đứng thứ 3 trong các tiêu chuẩn lựa chọn bạn đời (chiếm 36,1%).