Đề xuất 20 loại mặt hàng Nhà nước độc quyền: Luật sư phản biện, cho rằng “vi hiến”

(PLO) - Trước ý kiến của Bộ Công Thương về việc ban hành Danh mục loại hàng hóa, dịch vụ, địa bàn độc quyền nhà nước (ĐQNN) trong hoạt động thương mại là phù hợp với cam kết quốc tế, các chính sách và quy định hiện hành, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico cho rằng quy định này là “vi hiến”, trái với Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư…  2014 và Bộ luật Dân sự 2015.
Xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng là loại dịch vụ thứ 20 được Bộ Công Thương bổ sung vào danh mục
Xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng là loại dịch vụ thứ 20 được Bộ Công Thương bổ sung vào danh mục

Hoài cổ?

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2017, Chính phủ nghe và thảo luận về một số báo cáo, trong đó có Báo cáo dự thảo Nghị định về hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện ĐQNN trong hoạt động thương mại. Bản báo cáo kèm theo tờ trình và dự thảo nghị định ngay sau đó đã gặp phải một số phản ứng mạnh mẽ. 

Trong bộ tài liệu gửi các đại biểu tại cuộc họp, mặc dù dự thảo Nghị định của Chính phủ ghi năm 2017, phần cuối ký tên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhưng kèm với đó là Tờ trình Chính phủ về ban hành nghị định ghi cách đó hơn... 1 năm, ghi ngày 14/12/2015 với chữ ký của thời Bộ trưởng cũ.

Có lẽ vẫn trung thành với ý tưởng ban đầu khi xây dựng Nghị định nên trong dự thảo nội dung cũng không có gì mới hơn nhiều khi danh mục đề cập đến một loạt hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thuộc ĐQNN.

Theo TS.Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế TW, trong lúc cả nước đang nỗ lực xây dựng một nền kinh tế thị trường đầy đủ, đang mong thế giới công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường thì việc có dự thảo nghị định này với những nội dung trong đó đang đi ngược lại những nỗ lực thị trường hóa, những nỗ lực của 30 năm đổi mới vừa qua.

Theo TS. Cung, ngay tên của nghị định như dự thảo “là phản thị trường, phản cải cách, cản trở cạnh tranh”. “Trong bối cảnh hiện nay không thể có một nghị định để nói là cái gì Nhà nước độc quyền. Việc ban hành một nghị định không phải để Nhà nước nắm giữ độc quyền bởi như thế là phản logic ngay từ đầu…”, TS.Cung nêu ý kiến. 

Bộ Công Thương: Danh mục không mới!

Ngày 14/2, trên trang web của mình, Bộ Công Thương đã chính thức phản hồi ý kiến về Dự thảo Nghị định hàng hóa, dịch vụ địa bàn thực hiện ĐQNN.

Theo đó, Bộ Công Thương cho rằng, việc ban hành Danh mục sẽ giúp hệ thống hóa và minh bạch hóa tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ, địa bàn ĐQNN trong hoạt động thương mại phù hợp với cam kết quốc tế, các chính sách và quy định hiện hành, đồng thời là cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các chủ thể khác trong xã hội thực hiện chức năng giám sát công khai việc thực hiện trong các lĩnh vực được liệt kê. 

Cơ quan này viện dẫn khoản 4 Điều 6 Luật Thương mại 2005, trong đó quy định: “Nhà nước thực hiện ĐQNN có thời hạn về hoạt động thương mại đối với một số hàng hóa, dịch vụ hoặc tại một số địa bàn để bảo đảm lợi ích quốc gia”, đồng thời giao “Chính phủ quy định cụ thể danh mục hàng hóa, dịch vụ, địa bàn ĐQNN”; Văn bản 130/TTg-KTTH ngày 27/1/2015, trong đó Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị định, bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các cam kết quốc tế có liên quan.

Bộ Công Thương cho rằng: “Dự thảo Nghị định và Danh mục được xây dựng với quan điểm chủ đạo là không mở rộng và không tăng thêm các lĩnh vực ĐQNN đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, đồng thời phù hợp với các cam kết quốc tế hiện hành của Việt Nam”.

Bộ Công Thương cũng cho biết, tại thời điểm trình Chính phủ vào tháng 12/ 2015, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các cơ quan, tổ chức, Danh mục dự kiến bao gồm 19 loại hàng hóa, dịch vụ và chi tiết hoạt động thương mại cần áp dụng ĐQNN. Tuy nhiên, sau khi tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Danh mục đã được bổ sung thêm mặt hàng vàng nguyên liệu, với hoạt động thương mại độc quyền tương ứng là “xuất khẩu và nhập khẩu để sản xuất vàng miếng”, nâng tổng số hàng hóa, dịch vụ tại Danh mục lên thành 20.

“Danh mục không mở rộng và cũng không tăng thêm các lĩnh vực ĐQNN ngoài các lĩnh vực đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành”, Bộ Công Thương trả lời.

Ý kiến phản bác

“Đành rằng Bộ Công thương chỉ gom các quy định nằm rải rác trong các văn bản hiện hành, song việc gì phải gom lại cho phiền phức? Nhưng 20 loại hàng hóa, dịch vụ, địa bàn ĐQNN là quá nhiều. Xu hướng chung là thu hẹp lại, các nước trên thế giới cũng vậy. Nếu nằm đơn lẻ trong các văn bản thì việc bãi bỏ rõ ràng đơn giản hơn là nằm chung trong danh mục của Nghị định này…”, chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh, Giám đốc Công ty Nghiên cứu thị trường MarketIntello phát biểu.

Trưởng ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, dự thảo chưa thực sự phù hợp với quy định tại Luật Thương mại 2005 bởi Luật cho phép quy định danh mục ĐQNN, nhưng phải có thời hạn, trong khi dự thảo Nghị định chưa quy định về thời hạn. Hơn nữa, phần danh mục 20 ngành nghề đưa ra cũng chưa thuyết phục. “Các ngành nghề mà tư nhân không có nhu cầu hay khả năng tham gia thì cũng không nên cấm. Vì có thể đến một lúc nào đó họ sẽ muốn tham gia và quan trọng hơn, họ có tham gia cũng không gây nguy cơ gì”, ông Tuấn nói.

Dẫn khoản 4 Điều 6 Luật Thương mại 2005, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng quy định này của Luật Thương mại cần phải được xem lại vì không còn phù hợp với quy các quy định mới của Hiến pháp cũng như Luật DN, Luật Đầu tư 2014 và Bộ luật Dân sự 2015. “Hiến pháp 2013 không còn bất kỳ quy định nào về việc ĐQNN. Như vậy, việc Luật Thương mại cứ duy trì quy định ĐQNN là trái với Hiến pháp!”, Luật sư Đức khẳng định. 

Theo Luật sư Đức, cần phải hiểu tinh thần của ĐQNN không phải là đặc quyền mà là trách nhiệm của Nhà nước phải độc quyền trong một số trường hợp đặc biệt để chống việc tư nhân độc quyền làm ảnh hưởng xấu đến thị trường. “Thời điểm này cần dứt khoát trả lại quyền kinh doanh cho cho thị trường, thực hiện triệt để, nghiêm túc Luật Cạnh tranh về chống chống độc quyền”, ông Đức đề nghị.

Luật sư Đức cho rằng những loại hàng hóa dịch vụ đặc biệt như phục vụ quốc phòng - an ninh, vật liệu nổ công nghiệp, vàng miếng, vàng nguyên liệu, hoạt động dự trữ quốc gia, hệ thống điện quốc gia, bảo đảm hoạt động bay… thì không cần quy định độc quyền, vì đã theo điều kiện kinh doanh, DN ngoài Nhà nước không thể “chen chân vào”. Còn lại có một số dịch vụ như nhập khẩu thuốc lá điếu và xì gà, quản lý công trình thủy lợi thủy nông liên tỉnh, liên huyện…  cần mở ngay cho tư nhân thì mới có ngày Nhà nước rút lui được, DN tư nhân mới thay thế Nhà nước. Hơn nữa, có như thế mới được thế giới công nhận nền kinh tế thị trường.

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Cty Luật BASICO:

“Nhà nước cần bảo đảm kiểm soát doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ĐQNN thay vì duy trì ĐQNN”

Bình luận về dự thảo Nghị định về hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện ĐQNN trong hoạt động thương mại, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico cho biết, dự thảo xây dựng nhằm cụ thể hóa quy định tại Luật Thương mại năm 2005 nhưng quy định của Luật Thương mại cần phải được xem lại vì không còn phù hợp với các quy định mới của Hiến pháp cũng như Luật DN, Luật Đầu tư 2014 và Bộ luật Dân sự 2015.

Ông Đức phân tích, khác với quy định trước đây, hiện nay tất cả DN đều được Nhà nước “bảo đảm bình đẳng trước pháp luật của các DN không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế” theo quy định tại khoản 1 Điều 5 về “Bảo đảm của Nhà nước đối với DN và chủ sở hữu DN”, Luật DN năm 2014. Như vậy, không còn việc phân biệt giữa DN nhà nước và DN phi nhà nước. Bên cạnh đó, quy định hiện nay chỉ cấm DN không được đầu tư kinh doanh trong 7 ngành, nghề cấm theo quy định tại Điều 6 về “Ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh”, còn lại DN được tự do đầu tư kinh doanh hoặc khi đáp ứng được các điều kiện đối với 243 ngành, nghề theo quy định tại Điều 7 về “Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện”, Luật Đầu tư năm 2014, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2016.

“Việc thực hiện ĐQNN có thời hạn” đã được áp dụng trong suốt 12 năm qua theo Luật Thương mại, vì vậy đã đến lúc xem lại và giảm thiểu việc độc quyền này để thực sự phát triển theo hướng nền kinh tế thị trường. Nhà nước không nên tiếp tục ấn định và duy trì kéo dài tình trạng ĐQNN, mà phải bảo đảm “kiểm soát DN hoạt động trong lĩnh vực ĐQNN, DN sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích” theo đúng quy định tại Điều 15 Luật Cạnh tranh năm 2004, khi thị trường còn tồn tại độc quyền DN nói chung và ĐQNN nói riêng. Kinh tế thị trường cần phải hạn chế và kiểm soát chặt chẽ mặt trái của tình trạng độc quyền”, ông Đức nêu quan điểm.

20 ngành nghề trong dự thảo mà Nhà nước giữ độc quyền:

1. Hàng hóa, dịch vụ phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh (sẽ do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an quy định chi tiết);

2. Sản xuất, mua bán, xuất nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp;

3. Sản xuất vàng miếng;

4. Xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng;

5. Phát hành xổ số kiến thiết;

6. Nhập khẩu thuốc lá điếu, xì gà (trừ hàng miễn thuế);

7. Hoạt động dự trữ quốc gia;

8. In, đúc tiền;

9. Phát hành tem bưu chính Việt Nam;

10. Sản xuất, mua bán, xuất nhập khẩu, vận chuyển, tàng trữ pháo hoa và các dịch vụ liên quan;

11. Truyền tải, điều độ hệ thống điện quốc gia, xây dựng, vận hành thủy điện đa mục tiêu và điện hạt nhân;

12. Vận hành hệ thống đèn biển, hệ thống luồng hàng hải công cộng;

13. Quản lý, vận hành, khai thác đài thông tin duyên hải;

14. Dịch vụ không lưu, dịch vụ thông báo tin tức hàng không, dịch vụ tìm kiếm cứu nạn;

15. Quản lý, khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị do Nhà nước đầu tư;

16. Quản lý, khai thác hệ thống công trình thủy lợi, thủy nông liên tỉnh, liên huyện, kè biển trong trường hợp giao kế hoạch;

17. Cung ứng dịch vụ lâm nghiệp tại rừng đặc dụng (trừ khu rừng được Nhà nước giao cho tổ chức kinh tế);

18. Xuất bản (không bao gồm in và phát hành);

19. Duy trì, quản lý, khai thác mạng bưu chính công cộng;

20. Cung ứng dịch vụ công ích trong hoạt động phát hành báo chí.  

Đọc thêm